Thứ Hai, 26 tháng 10, 2020

Không thể xuyên tạc nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng (Kỳ 3)

 

Không thể xuyên tạc nguyên tắc tập trung dân chủ
trong tổ chức và hoạt động của Đảng (Kỳ 3)

3. Với kinh nghiệm và bản lĩnh chính trị vững vàng, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn khẳng định tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức và hoạt động cơ bản của Đảng. Để thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; kiên quyết phê phán, ngăn chặn mọi mưu toan xa rời, phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ, các tổ chức đảng cần chú trọng thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vai trò của nguyên tắc tập trung dân chủ.

Nguyên tắc tập trung dân chủ chỉ đạo mọi hoạt động xây dựng tổ chức, sinh hoạt và lãnh đạo của Đảng, đồng thời cũng chi phối các nguyên tắc tổ chức, hoạt động khác của Đảng. Nguyên tắc tập trung dân chủ bảo đảm cho đảng cộng sản thống nhất về tư tưởng chính trị và tạo nên sức mạnh của tổ chức, xây dựng được đội ngũ đảng viên năng động, sáng tạo, có kỷ luật chặt chẽ, có sức chiến đấu cao. Nguyên tắc tập trung dân chủ bảo đảm cho đảng luôn luôn là một tổ chức lãnh đạo, một tổ chức hành động chứ không phải là một câu lạc bộ chỉ bàn cãi suông. Nguyên tắc tập trung dân chủ quy định cụ thể, chặt chẽ mối quan hệ của đảng viên với tổ chức đảng, giữa các tổ chức đảng từ dưới lên trên, giữa một cấp ủy đảng với đại hội đại biểu hay đại hội đảng viên của cấp đó, bảo đảm hành động nhịp nhàng, nhất quán.

Tập trung dân chủ là một nguyên tắc thống nhất, không tách rời, càng không thể đối lập giữa tập trung và dân chủ. Nguyên tắc tập trung dân chủ hướng tới sự tập trung nhưng là sau khi đã bàn bạc dân chủ. Tập trung không trên cơ sở dân chủ thì sẽ trở thành tập trung quan liêu, chuyên quyền, độc đoán; ngược lại, dân chủ mà không đi tới tập trung thì sẽ rơi vào tình trạng dân chủ vô tổ chức, hỗn loạn. V.I. Lê-nin viết: “chế độ tập trung dân chủ, một mặt, thật khác xa chế độ tập trung quan liêu chủ nghĩa, và, mặt khác, thật khác xa chủ nghĩa vô chính phủ”(3). Người khẳng định rõ: trên báo chí của chúng tôi, chúng tôi luôn luôn bảo vệ dân chủ trong nội bộ đảng. Nhưng chúng tôi không bao giờ phản đối chế độ tập trung của đảng. Chúng tôi chủ trương chế độ tập trung dân chủ. Tùy tình hình, nhiệm vụ của Đảng trong từng thời kỳ, cách thực hiện và phạm vi áp dụng nguyên tắc tập trung dân chủ có sự khác nhau, nhưng điều đó không có nghĩa coi tập trung là chính, dân chủ là phụ, hay dân chủ là chính, tập trung là phụ.

Thứ hai, tổ chức thực hiện đúng nội dung, yêu cầu của nguyên tắc tập trung dân chủ.

Những nội dung căn bản của nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng ta hiện nay được quy định trong Điều lệ Đảng: các cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; mỗi tổ chức đảng phải thực hiện chế độ báo cáo với cấp trên, thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức đảng trực thuộc; tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng, thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức; nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành; tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối của Đảng, chính sách,  pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên.

Nội dung trên của nguyên tắc khá ổn định vì đã được thực tế kiểm nghiệm, khó có thể bãi bỏ nội dung nào của nguyên tắc và cũng khó có thể bổ sung thêm những nội dung mới cho nguyên tắc này.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy cần tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, quy chế hóa nguyên tắc tập trung dân chủ cho từng lĩnh vực, từng mặt công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới.

Thứ ba, phát huy dân chủ đi đôi với củng cố, tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng.

Vấn đề quan trọng nhất vẫn là ở khâu triển khai thực hiện. Dân chủ phải thực sự là “chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi vấn đề”, nhưng dân chủ đòi hỏi cần có một hành lang pháp lý rõ ràng. Do vậy, cần phải tiếp tục hoàn thiện các thiết chế, cơ chế nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ, trước hết là bảo đảm thực hiện các quyền của đảng viên, nhất là quyền được thông tin, thảo luận, chất vấn, phê bình, bảo lưu ý kiến hay rút ý kiến bảo lưu mà không bị phân biệt đối xử, trù úm dưới mọi hình thức. Tổ chức đảng nếu bị xử lý kỷ luật cả tập thể do có các quyết định sai lầm, thì những đảng viên có ý kiến thiểu số được bảo lưu sẽ không phải chịu trách nhiệm. Tình trạng “dĩ hòa vi quý”, quan niệm “đấu tranh tránh đâu” vẫn còn, vì trên thực tế các quy định bảo vệ người đứng đắn, trung thực, dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải, tố cáo hành vi sai trái vẫn chưa đủ sức mạnh, thiếu tính khả thi. Đồng thời, cùng với việc mở rộng dân chủ, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, không để bất cứ ai lợi dụng dân chủ, lợi dụng quyền phê bình để bôi nhọ, hạ thấp uy tín của đồng chí mình, gây mất đoàn kết nội bộ. Mọi tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành các quy định của Đảng, nói và làm theo nghị quyết của Đảng.

Phát huy dân chủ trong Đảng còn phụ thuộc vào người đứng đầu cấp ủy. Nếu bí thư cấp ủy thành tâm tiếp thu góp ý, phê bình thì sẽ phát huy được trí tuệ, kinh nghiệm, sức sáng tạo và sự đồng tình, quyết tâm chính trị của mọi thành viên trong tập thể lãnh đạo. Hơn nữa, bí thư cấp ủy phải là người có hiểu biết, có khả năng đánh giá đúng/sai; đồng thời, phải có bản lĩnh, chính kiến để bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai, giữ vững đoàn kết trong tập thể. Bí thư cấp ủy còn phải thực sự làm gương, nêu gương trong mọi hoạt động và cuộc sống để tạo sức lan tỏa, cảm hóa, thực sự là trung tâm đoàn kết trong tổ chức đảng và khi ấy, nguyên tắc tập trung dân chủ sẽ được phát huy đầy đủ.

Thứ tư, thực hiện nghiêm túc chế độ tập thể lãnh đạo đi đôi với cá nhân phụ trách.

Chế độ tập thể lãnh đạo đi đôi với cá nhân phụ trách là nội dung quan trọng của nguyên tắc tập trung dân chủ và phải được thể hiện trong quy chế làm việc của từng tổ chức đảng. Quy chế làm việc không chỉ xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể khi ban hành quyết định, mà còn xác định rõ trách nhiệm cá nhân của từng cán bộ tham mưu, từng cấp ủy viên trong việc thực hiện từng khâu chuẩn bị cho tập thể quyết định. Khi đó, cá nhân thực hiện sai ở khâu nào thì quy trách nhiệm ngay ở khâu đó. Tập thể sai về quyết định nào thì tập thể chịu trách nhiệm ở quyết định đó (trừ những ý kiến bảo lưu của thành viên nhưng phải ghi rõ trong biên bản hội nghị). Có như vậy mới phát huy được vai trò của từng thành viên trong khi thực hiện trách nhiệm của tập thể và thực hiện nhiệm vụ cá nhân do tập thể phân công. (Còn tiếp)

(3) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 36, tr. 185

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét