Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2020

Nhà sư ra trận

 


Cởi áo cà sa khoác chiến bào

Tuốt gươm, bồng súng diệt binh đao 


Cuối năm 1946, giặc Pháp ồ ạt, tấn công chiếm đóng: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" hiệu triệu toàn dân tộc đứng lên chống giặc ngoại xâm cứu nước.


Trước việc đất nước đang nằm ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, lúc này Trụ trì của chùa Cổ Lễ là  hòa thượng Thích Thế Long, đã cho gọi Đại đức Thích Pháp Lữ và Đại đức Thích Trí Không lên thư phòng, hỏi: “Chúng ta là người xuất gia, phụng đạo nhưng đều mang dòng máu Tiên - Rồng. Quốc gia lâm nguy, Phật pháp bất ly thế gian pháp, các con có sáng kiến gì không?”. 


Đại đức Thích Pháp Lữ và Đại đức Thích Trí Không biết Hòa thượng Thích Thế Long luôn đề cao chân lý "việc đạo không rời việc đời" để hòa mình vào phong trào quần chúng kháng Nhật, đuổi Tây, giành lại chính quyền.


Đại đức Thích Pháp Lữ và Đại đức Thích Trí Không mạnh dạn đáp lời: “Bạch sư phụ! Việc đời loạn, nghiệp tu hành cũng không thể yên ổn. Con nghĩ, trong giới phật tử rất nhiều tăng ni có tâm huyết xả thân cứu nước. Mong sư phụ làm lễ "giải pháp y", thành lập đội nghĩa sĩ phật tử, cho phép các tăng ni tạm rời cửa thiền ra chiến trường đánh giặc”.


Ngày 27/2/1947, nhà chùa đã làm lễ “cởi áo cà sa khoác chiến bào” cho 27 nhà sư tham gia kháng chiến chống Pháp. Trong cuốn Lịch sử Phật giáo huyện Trực Ninh đã viết rất rõ về buổi lễ đặc biệt, hào hùng này. 

Đoàn nhà sư khoác áo cà sa, chân đất, đầu trần, tay cầm mũ vải, xếp hàng ba, cuối cùng là 2 ni cô Đàm Nhung và Đàm Lân. Sau đấy là bài phát nguyện cho 27 nhà sư


“Cởi áo cà sa khoác chiến bào

Tuốt gươm, bồng súng diệt binh đao

Ra đi quyết rửa thù cứu nước

Vì nghĩa quên thân, hiến máu đào”


Khi nghe bài phát nguyện này, trước lúc nhập ngũ, sư nữ Đàm Thanh xúc động đã họa lại bài thơ trên: 


“Gậy thiền quét sạch loài xâm lược

Theo gót Trưng Vương tỏ nữ hào”. 


Ngay sau đó Trung đoàn 34, do Tư lệnh Quân khu III Hà Kế Tấn chỉ huy đã đến nhận 27 tăng ni, phật tử “cởi áo cà sa, khoác chiến bào ra trận.


Trong ngày làm lễ “cởi áo cà sa khoác chiến bào” cho 27 nhà sư tham gia kháng chiến chống Pháp, Trụ trì Thích Thế Long đã cho người đem giấu quả chuông 9 tấn xuống ao sen rồi đóng cửa chùa đi kháng chiến./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét