Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2020

Nhận diện các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trong bối cảnh hiện nay

 

Nhóm các đối tượng đang ra sức chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay:

- Nhóm đối lập về hệ tư tưởng: nhóm những người theo hệ tư tưởng tư sản, kể cả tàn dư phong kiến với những suy nghĩ tiêu cực sẽ quyết liệt chống lại hệ tư tưởng vô sản của Đảng ta. Nhóm này có thể bao gồm cả những người nghiên cứu lý luận, thực tiễn ở các nước trên thế giới trong cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa CNXH và chủ nghĩa tư bản. Ngay ở các nước tư bản phát triển, những nhà hoạt động chính trị thuộc giới cầm quyền có tư tưởng tư bản theo kiểu truyền thống và các nhà hoạt động chính trị thuộc giới cầm quyền có tư tưởng XHCN cũng đấu tranh lẫn nhau.

- Nhóm các thế lực thù địch về chính trị: nhóm này luôn tìm cách chống lại chế độ XHCN của chúng ta, với mục đích làm con đường phát triển đất nước của Đảng chệch hướng, thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam. Nhóm này bao gồm các lực lượng cực đoan người Việt ở nước ngoài luôn lôi kéo, kết hợp với những đối tượng chống đối, bất mãn ở trong nước lập ra các tổ chức để chống phá cách mạng nước ta.

- Nhóm cán bộ, đảng viên đã bị tha hóa, biến chất: những người vốn là cán bộ, đảng viên (trong đó có cả những đảng viên đã từng giữ chức vụ cao trong hệ thống chính trị) nhưng không chịu rèn luyện, tu dưỡng, học tập, nâng cao tư tưởng, đạo đức cách mạng dẫn tới tha hóa về tư tưởng chính trị, xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thậm chí là phai nhạt lý tưởng, “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” trong nội bộ. Nhóm người này không khó để nhận ra, nhưng lại cũng không dễ để đấu tranh. Đây là những người phản bội lại lý tưởng cộng sản và nguyên nhân của sự phản bội đó đôi khi lại bắt nguồn từ sự bất mãn, không đồng ý một số vấn đề cụ thể trong chính sách, ứng xử của những cơ quan, đơn vị nơi người đó công tác.

Nội dung, phương thức chống phá

Hiện nay, sau nhiều thập kỷ thực hiện chính sách thù địch, chống phá không đạt hiệu quả, các thế lực phản động ở trong nước và nước ngoài đang thay đổi phương thức hoạt động. Tuy nhiên, mục tiêu của chúng vẫn không thay đổi là nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, “phi chính trị hóa”, vô hiệu hóa quân đội, tiến tới xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam. Họ tấn công, phủ định, xuyên tạc học thuyết Mác - Lênin, đưa ra các luận điệu cổ vũ cho bạo lực, chiến tranh; phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận vai trò và thành tựu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngoài ra, họ còn bôi xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước với nhiều thủ đoạn tinh vi; chống phá chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Phương thức chống phá chủ yếu là sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng, sử dụng internet và truyền thông xã hội để chống phá; lợi dụng những hạn chế trong quản lý nhà nước để kích động biểu tình trái phép và xuyên tạc đường lối; tổ chức các hội thảo đòi xem xét lại các vấn đề liên quan đến lịch sử… Ngang ngược hơn, chúng còn đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp năm 2013, đòi đa đảng; phá bỏ nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ; vu cáo Đảng chiếm quyền của dân, vi phạm dân chủ, nhân quyền, “độc đoán, đảng trị”; đối lập Đảng với Nhà nước và đối lập Đảng, Nhà nước với nhân dân... Bên cạnh đó, các thế lực thù địch còn lôi kéo, kích động một bộ phận người dân và cả một số cán bộ hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo vào các mục đích sai trái, bất hợp pháp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... Cách làm của chúng thường âm thầm và lâu dài nhưng tác hại thực sự rất khó lường.

Việc nhận diện các nhóm đối tượng, nội dung, phương thức chống phá của các thế lực thù địch trong tình hình mới hiện nay cho thấy, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một cuộc chiến đấu khó khăn, phức tạp và lâu dài. Nhưng thực tiễn Việt Nam qua 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chứng minh “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động” là một đường lối đúng đắn mang lại thành công và vị thế của một Việt Nam ngày hôm nay. Nên cho dù cho khó khăn và phức tạp đến đâu thì nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng luôn là một nhiệm vụ quan trọng, mang tính sống còn, và sẽ được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đồng lòng chung sức thực hiện nhằm ngăn chặn và đẩy lùi các âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố và tăng cường niềm của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đóng góp quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét