Thứ Hai, 26 tháng 10, 2020

Đổi mới chính trị nhưng không làm thay đổi chế độ chính trị (Kỳ 1)

 

Đổi mới chính trị nhưng không làm thay đổi chế độ chính trị (Kỳ 1)

Hơn 30 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta có nhiều đổi mới cả về kinh tế, xã hội và chính trị. Tại mỗi kỳ đại hội Đảng, báo cáo chính trị đều đề cập tới thành tựu cũng như phương hướng tiếp tục đổi mới chính trị. Điều này khiến cho một số người băn khoăn: “Liệu đổi mới chính trị có dẫn đến thay đổi chế độ chính trị?”. Bên cạnh những suy tư chân thành như vậy, một số kẻ xấu cũng nhân đây rêu rao “Việt Nam đang thay đổi chế độ chính trị, ngày càng xa rời chủ nghĩa xã hội!”. Trước những suy tư và ngộ nhận nói trên, sau đây bài viết góp phần khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam đã và tiếp tục lãnh đạo đổi mới chính trị, nhưng không phải là thay đổi chế độ chính trị.

Để thấy được sự đổi mới chính trị ở Việt Nam trong hơn 30 năm qua, có thể xem xét những biểu hiện của nó trên 3 phương diện: 1- Đổi mới tư duy chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam; 2- Đổi mới thể chế chính trị, cụ thể là đổi mới Hiến pháp và pháp luật; 3- Những biểu hiện dân chủ hóa trong đời sống chính trị thực tế. Trên tất cả các phương diện đó, có rất nhiều sự đổi mới, nhưng tựu trung là hướng đến một nền chính trị ngày càng dân chủ đầy đủ hơn.

Tổng kết 10 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Đại hội VIII của Đảng (năm 1996) khẳng định, trước hết, Đảng ta đã đổi mới tư duy chính trị, thể hiện ở việc nhận thức rõ hơn về tình hình thế giới, từ đó đổi mới chủ trương, đường lối đối ngoại và đổi mới tổ chức cũng như phương thức hoạt động của hệ thống chính trị.

Đúng là mọi sự đều phải bắt nguồn từ nhận thức. Ngay từ năm 1986, mặc dù đây là thời điểm hệ thống xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu vẫn còn tồn tại, có sức mạnh cân bằng với phương Tây do Mỹ đứng đầu, song từ tình hình thế giới và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội sau năm 1975, Đảng ta đã bước đầu thấy rõ cần có sự thay đổi mạnh mẽ tư duy về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, trong đó bao hàm thay đổi nhận thức về chính trị quốc tế. Từ nhận thức đó, Đảng và Nhà nước ta đã chủ động hướng đến bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Mỹ và gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tư duy này càng được củng cố với việc Việt Nam dần xóa bỏ thế bị bao vây cấm vận và thế bị cô lập trên trường quốc tế. Với đường lối đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, đến nay Việt Nam đã là thành viên có uy tín của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực, có quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia, quan hệ thương mại với 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, là một trong 12 thành viên đầu tiên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Song song với đổi mới tư duy về chính trị quốc tế, tư duy mới về chủ nghĩa xã hội, về dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, về đại đoàn kết toàn dân tộc và vai trò của các giai cấp, tầng lớp nhân dân trong xây dựng đất nước,... ngày càng được củng cố, trở thành cốt lõi trong tư duy chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” năm 1991 và “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011) là quá trình hoàn thiện nhận thức về chủ nghĩa xã hội thấm đậm tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều quan trọng là những tư duy mới này không phải chỉ là tư duy chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là đảng cầm quyền, mà còn là nhận thức chung của cả xã hội, định hướng cho hoạt động của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và mỗi người dân.

Thứ hai, đổi mới thể chế chính trị.

Đổi mới tư duy chính trị với những nội dung cơ bản nêu trên được chuyển thành những thay đổi về mặt thể chế. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã được sửa đổi theo sự đổi mới của tư duy chính trị. Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001), Hiến pháp năm 2013 và hàng chục đạo luật khác đã thể chế hóa về mặt pháp lý tư duy chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo thành khuôn khổ thể chế cho đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị. Có thể thấy sự đổi mới của thể chế chính trị như sau:

Mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân: Điều 2 Hiến pháp năm 2013 ghi: “1-  Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. 2-  Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.

Hiến pháp khẳng định, nhân dân thực hiện quyền dân chủ không chỉ thông qua Nhà nước, qua tổ chức đại diện khác, mà còn bằng hình thức trực tiếp. Luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân từ năm 1992 đến nay đều cho phép công dân có quyền tự ứng cử. Những văn bản quy định về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về thủ tục hành chính, về bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, về chế độ trách nhiệm của người được bầu; những văn bản pháp luật bảo đảm quyền làm chủ của công dân, như: Pháp lệnh Khiếu nại, tố cáo (nay là Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo); Pháp lệnh Thanh tra (nay được nâng thành Luật Thanh tra), Luật Báo chí (sửa đổi), Luật Xuất bản (sửa đổi), Pháp lệnh về phòng, chống tham nhũng (nay là Luật Phòng, chống tham nhũng), đặc biệt là Quy chế Dân chủ ở cơ sở (sau nâng thành Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn)..., tất cả đã minh chứng sự thay đổi mạnh mẽ trong thể chế chính trị Việt Nam theo hướng ngày càng dân chủ hơn.

Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Qua sự sàng lọc của lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội ở Việt Nam. Với địa vị đó, đã có lúc Đảng bao biện, làm thay Nhà nước (như tự phê bình của Đảng). Từ năm 1991, “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” đã khẳng định, Đảng lãnh đạo Nhà nước, nhưng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật. Điều này được khẳng định lại tại Điều 4 Hiến pháp năm 2013. Cùng với phát triển tư duy về nhà nước pháp quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn tìm tòi để giải quyết tốt nhất mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước. Thực tiễn cho thấy, trong sự phát triển của đất nước không thể không có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhưng đồng thời không thể không có sự lãnh đạo của Đảng. Đảng phải lãnh đạo xây dựng nhà nước pháp quyền, đồng thời tuân thủ quyền hạn của Nhà nước pháp quyền. Nghị quyết của Đảng không thay cho pháp luật; quyết định của Đảng không thay cho quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước. Đảng viên của Đảng phải thông qua bầu cử trực tiếp của cử tri hoặc bầu cử gián tiếp của đại biểu nhân dân mới trở thành người nắm giữ các chức vụ nhà nước và có quyền lực nhà nước.

Về mặt tổ chức, trong các cơ quan nhà nước đều có cấp ủy đảng là hạt nhân lãnh đạo, như đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy..., nhưng không vì thế mà các đảng viên giữ cương vị đứng đầu các cơ quan nhà nước khi vi phạm pháp luật có thể tránh khỏi bị xử lý nghiêm khắc cả về mặt đảng và chính quyền.

Mối quan hệ giữa nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội với Đảng: “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013 đều khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về mọi quyết định của mình. Đây là những khẳng định rất mới, thể hiện mối quan hệ hai chiều giữa người lãnh đạo và người chịu sự lãnh đạo; giữa đại biểu cho một bộ phận và đại biểu cho toàn thể dân tộc.

Mối quan hệ giữa Đảng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cũng thể hiện rõ hơn tinh thần dân chủ. Điều đó được thể hiện trong các quy định của pháp luật, của Điều lệ Đảng, cũng như trong các quy định của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Theo đó, Đảng dựa vào Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đồng thời chịu sự giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức này. (Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét