Những ngày qua, lợi dụng sự kiện đại hội Đảng
các cấp tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, hay dịch bệnh Covid-19
nhiều người đã mượn danh là yêu nước để nói xấu, vu khống những thành quả đã
đạt được của Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo đất nước trong thời gian qua và trong
chống “giặc” Covid-19. Đất nước chúng ta đã trải qua mấy chục năm chiến tranh
đau thương, mất mát. Chúng ta giành được hòa bình, độc lập, thống nhất non sông
như hôm nay phải đánh đổi bằng bao xương máu của thế hệ cha anh. Nhiều năm qua,
Việt Nam được dư luận thế giới đánh giá là một đất nước có nền chính trị ổn
định, là điểm đến thân thiện, an toàn của hàng triệu du khách quốc tế và là một
trong những nước có môi trường đầu tư hấp dẫn. Có thể nói những đánh giá, ca ngợi đó thể hiện sự khâm phục, ngưỡng
mộ của bạn bè thế giới dành cho nhân dân ta, đồng thời cũng là một cách tôn
vinh hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Vì vậy, là người dân Việt Nam yêu nước chính đáng không có lý do
gì để chúng ta lại làm cho hình ảnh đất nước bị tổn thương, tình hình xã hội thêm
phức tạp chỉ vì những lời dụ dỗ, kích động bởi những kẻ quá khích, bất mãn,
những phần tử cơ hội chính trị, phản động. Trước những thông tin hoài nghi,
trước những lời tuyên truyền mị dân của các phần tử xấu, mỗi chúng ta cần hết
sức bình tĩnh, tỉnh táo nhận diện đâu là đúng - sai, phải - trái, chính - tà,
thật - giả, thiện - ác để không bị mắc mưu, “sập bẫy” kẻ xấu. Chúng ta hãy biết
trân trọng lịch sử cách mạng của ông cha ta, hãy biết nâng niu những giá trị
hòa bình mà chúng ta đang có, hãy bày tỏ tình yêu quê hương đất nước bằng những
thái độ, hành vi ứng xử chuẩn mực, hợp đạo lý, đúng pháp luật. Trước những vấn
đề hệ trọng của đất nước, việc người dân bày tỏ quan điểm, thể hiện lòng yêu
nước là rất đáng trân trọng. Nhưng thời gian gần đây, cũng có một số
người lo lắng đến mức chỉ biết ngồi “khóc lóc”, than thở, hoài nghi… thì lại là
một thứ “yêu nước suông”! Cũng không nên “bày tỏ tình yêu nước” bằng cách suốt
ngày chỉ ngồi bên bàn phím để “than thân trách phận”, đổ lỗi, chỉ trích, mong
muốn xã hội thế này, đòi hỏi đất nước phải thế kia… trong khi hàng triệu người
dân đang cần mẫn lao động hăng say ở khắp mọi miền đất nước và hàng vạn chiến
sĩ đang ngày đêm đổ mồ hôi trên thao trường huấn luyện và làm nhiệm vụ tuần
tra, canh gác giữ gìn biên cương, biển, đảo, lãnh thổ Tổ quốc. Việc chúng ta biết
sẻ chia với những khó khăn của đất nước, quan tâm đến những nỗi lo của chính
quyền đang phải gánh vác và cùng kiên nhẫn, chung sức, chung lòng tìm cách giải
quyết có hiệu quả bằng những việc làm thiết thực, ích nước, lợi nhà, đó chính
là cách thể hiện thái độ chính trị tích cực và lòng yêu nước chân chính của mỗi
công dân để góp phần chăm lo lợi ích chung của nhân dân và Tổ quốc. Có thể nói,
đã sống trong cuộc đời này, ai cũng có quyền bày tỏ tình yêu quê hương, đất
nước. Bởi đó là một tình cảm tự nhiên, không thuộc quyền sở hữu của bất cứ giai
cấp, thành phần nào trong xã hội. Nhưng yêu nước không có nghĩa là cứ hô hào,
kêu gọi, cổ xúy người khác phải tụ tập đông người nhằm thị uy, tạo sức ép không
đáng có đối với chính quyền và các cơ quan chức năng hay có người còn mời gọi
nước ngoài can thiệp vào đất nước với tính chất tiêu cực.
Như chúng ta đã biết, tình yêu nước không phải
là điều gì đó quá cao siêu, mà đôi khi bắt đầu bằng suy nghĩ giản dị là hiểu
những gì mình đang có, những quyền lợi mình đang được thụ hưởng và cố gắng làm
tốt công việc của mình; đồng thời, làm tròn bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm
công dân đối với Tổ quốc. Ở chiều sâu hơn, đó là sự cảm thông, chia sẻ với
những khó khăn, thách thức mà đất nước đang phải gồng mình vượt qua và luôn tự
nhắc nhở mình cần phải làm gì để chung tay góp sức với cộng đồng, nỗ lực vượt
lên những thử thách ấy “đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà cần hỏi ta đã làm
gì cho Tổ quốc hôm nay” và đừng làm gì tổn thương đến đất nước thân yêu của
chúng ta./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét