Thứ Tư, 4 tháng 9, 2019

“CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN NHẤT ĐỊNH PHẢI TIÊU DIỆT”

           Để xây dựng Đảng, giúp cán bộ, đảng viên nhận diện rõ kẻ thù, có biện pháp phòng và chống hiệu quả, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tên của từng kẻ địch, chỉ rõ mối quan hệ, liên minh giữa chúng khi nhấn mạnh: “Kẻ địch gồm có ba loại. Chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc là kẻ địch rất nguy hiểm. Thói quen và truyền thống lạc hậu, nó ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ… Loại địch thứ ba là chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng tiểu tư sản thường xuyên ẩn nấp trong mỗi con người”, nên chủ nghĩa cá nhân là đồng minh của hai kẻ địch kia, luôn sẵn sàng “chờ dịp - hoặc dịp thất bại, hoặc dịp thắng lợi - để ngóc đầu dậy”, đè bẹp ý chí cách mạng của mỗi người. Cũng theo Người, đạo đức cách mạng trái ngược với chủ nghĩa cá nhân, vì “chủ nghĩa cá nhân là trái ngược với chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa xã hội nhất định thắng, chủ nghĩa cá nhân nhất định phải tiêu diệt”.
           Khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, nhận thức rõ sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh đã chỉ ra hiện tượng một bộ phận cán bộ, đảng viên do sa vào chủ nghĩa cá nhân nên “việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết”; “ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh, trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem kinh quần chúng, đọc đoán, chuyên quyền”; “họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh”, v.v.. khiến quần chúng nhân dân bất bình, thất vọng.
          Trong tư tưởng Hồ Chí Minh: Chủ nghĩa cá nhân “là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn lên dốc. Vì thế mà càng nguy hiểm”. Đó là thứ vi trùng mẹ, đẻ ra nhiều bệnh khác, trái với đạo đức cách mạng và chừng nào chủ nghĩa cá nhân còn lại trong mình, dù thật ít, thì chừng đó vẫn sẽ “ngăn trở” người cán bộ, đảng viên nỗ lực đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng, làm mất lòng tin cậy của nhân dân với Đảng và Chính phủ. Chừng nào chủ nghĩa cá nhân vẫn còn ẩn náu trong mỗi cán bộ, đảng viên, dẫn đến sự suy thoái về đạo đức, lối sống, “ tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; vẫn xâm nhập vào “cơ thể Đảng”, làm giảm nguồn sức mạnh nội lực, sự đoàn kết thống nhất của Đảng, biến Đảng thành xa lạ, đối lập với nhân dân vẫn còn, thì chừng đó nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ vẫn còn hiện hữu.
          Theo lời Người, những người sa vào chủ nghĩa cá nhân, mang nặng tư tưởng cá nhân chủ nghĩa là những người chưa làm được bốn chữ “chí công vô tư”, không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Đó là những người “tự thấy mình cái gì cũng giỏi”, ngại gian khó, kiêu ngạo, hiếu danh, tự ái, thiếu kỷ luật; đã “luôn đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc” luôn “tự tư tự lợi”, gây mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ Đảng, làm mất dân chủ trong Đảng. Họ luôn “tự cao, tự đại, ham địa vị, hay lên mặt”, chỉ ưa người khác “tâng bốc mình, khen ngợi mình”, “ưa sai khiến người khác”, “không lấy Đảng làm nền tảng. Mình muốn làm thế nào thì làm thế ấy”, “tỏ ra khinh thường kỷ luật của Đoàn thể, làm rối loạn hàng ngũ của Đoàn thể”,v.v.. Kết quả là quần chúng không tin, không phục, càng không yêu quý họ, rời xa họ và “chung quy là họ không làm nên trò trống gì”.
Những biểu hiện của căn bệnh cá nhân chủ nghĩa này rất nguy hiểm, “rất tai hại cho Đảng, làm hại cho sự thống nhất”, “làm cho Đoàn thể mất cán bộ, kém nhất trí, thường hỏng việc” và “không thể phát triển”, vì làm mất sự thân ái, đoàn kết, gây mối nghi ngờ giữa những người đồng chí. Cũng theo Hồ Chí Minh, những cán bộ, đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân trói buộc chỉ muốn “phê bình người khác mà không muốn người khác phê bình họ; không tự phê bình hoặc tự phê bình một cách không thật thà, nghiêm chỉnh”; coi thường và không lắng nghe ý kiến của quần chúng, “xem khinh những người cán bộ ngoài Đảng”, “xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ, v.v.. nên sẽ lạc hậu, thoái bộ, dẫn đến nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất.
           Trong khi đó, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên là quá trình “tự diễn biến” theo chiều hướng suy thoái, biểu hiện cả trong nhận thức chính trị, đạo đức, lối sống, tư tưởng, niềm tin và ý chí…; diễn ra trước hết trong mỗi con người, với các mức độ và biểu hiện khác nhau về phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống. Nếu không phòng và chống, “tự diễn biến” sẽ lan rộng trong nội bộ theo nhiều chiều hướng: từ một số cán bộ, đảng viên đến số đông, cán bộ, đảng viên, đến tổ chức mà cá nhân cán bộ, đảng viên đó công tác, sinh hoạt; từ cán bộ cấp thấp đến cán bộ cấp cao và chiều ngược lại - từ cán bộ cấp cao xuống cán bộ cấp thấp. Hơn thế nữa, “tự diễn biến” đến một mức độ nào đó sẽ chuyển sang “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, dẫn đến lan rộng trong nội bộ, trong cả một tổ chức, nhất là tổ chức đảng và hệ thống chính trị; gây nguy cơ, làm rạn nứt khối đoàn kết, thống nhất từ tư tưởng, nhận thức đến hành động trong Đảng, làm suy giảm nguồn sức mạnh của Đảng, tính tiền phong của đội ngũ cán bộ, đảng viên mà còn trực tiếp đe dọa sự tồn vong của một Đảng cầm quyền, của chế độ
         Vì vậy, để phòng và chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, mỗi cán bộ, đảng viên phải chủ động, tự giác phòng, chống và tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân để nâng cao đạo đức cách mạng. Đó vừa là yêu cầu tất yếu, thường xuyên, liên tục đối với quá trình rèn luyện, phấn đấu của mỗi cán bộ, đảng viên, vừa thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa xây và chống, trong xây có chống, trong chống có xây, nhằm xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét