Thứ Hai, 1 tháng 6, 2020

NHỮNG MỐI NGUY HIỂM KHI SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI Tik Tok.

TikTok là nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội của Trung Quốc được ra mắt vào năm 2017, dành cho các thị trường bên ngoài Trung Quốc. Vào ngày 3 tháng 7 năm 2018, TikTok bị cấm ở Indonesia. Vào tháng 11 năm 2018, chính phủ Bangladesh chặn không cho truy cập internet ứng dụng TikTok. Vào tháng 2 năm 2019, một số chính trị gia Ấn Độ kêu gọi cấm TikTok hoặc quy định chặt chẽ hơn. Thu thập thông tin trái phép, nội dung phản cảm, độc hại, gây chết người là các lý do khiến TikTok bị cấm ở Bangladesh, Indonesia và Ấn Độ. Tháng 2/2019, TikTok đã đồng ý trả khoản tiền phạt trị giá 5,7 triệu USD cho Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ về các cáo buộc ứng dụng thu thập thông tin cá nhân bất hợp pháp liên quan đến trẻ em. Bộ Quốc phòng Úc đã cấm việc sử dụng ứng dụng mạng xã hội chia sẻ video TikTok trên các thiết bị được sử dụng bởi quân nhân của mình. Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc (KCC) cho biết đang điều tra Tik Tok do nghi ngờ ứng dụng gửi thông tin người dùng cho chính phủ Trung Quốc... Tuy nhiên, trên mạng xã hội Tik Tok, chúng ta thấy không ít các video chiến sĩ mang sắc phục Công an, Quân đội, các video như vậy sau đó lại được chia sẻ tiếp qua các mạng xã hội Facebook, Youtube, Twitter, Instagram... tạo thành một trào lưu, thu hút sự chú ý và chia sẻ rất lớn từ người theo dõi. Trong những video ấy, phần lớn do các chiến sỹ nghĩa vụ thực hiện, nhưng cũng có rất nhiều video do các học viên Cảnh sát, An ninh, Quân đội, thậm chí là các sỹ quan trẻ mặc quân phục thực hiện. Có những video còn quay cả đơn vị, các khí tài, trang bị, các buổi tập luyện, rèn luyện của cán bộ, chiến sỹ và những video này đều thu về lượng người xem rất lớn. Điều này không chỉ vi phạm quy định của lực lượng Công an, Quân đội về bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật Nhà nước, vi phạm các quy tắc về sử dụng sắc phục, sử dụng mạng xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến công tác của các cán bộ, chiến sỹ về sau. Nếu như các thế hệ cán bộ, chiến sỹ an ninh, tình báo đi trước là những "cái bóng vô hình", "đi không dấu", thì nhiều cán bộ, chiến sỹ trẻ bây giờ đang bị những mạng xã hội của nước ngoài "bắt bóng" và công khai cho tất cả mọi người cùng biết. Cấp ủy, chỉ huy các cấp đã có nhiều biện pháp xử lý các vi phạm về vấn đề này, nhưng thực tiễn vẫn xảy ra tương đối nhiều. Thiết nghĩ cần phải có những biện pháp giáo dục, tuyên truyền sâu rộng, quản lý chặt chẽ hơn việc sử dụng mạng internet và các thiết bị thông minh, ngăn chặn kịp thời các hành vi lộ lọt thông tin liên quan đến LLVT trên mạng xã hội nói chung và Tik Tok nói riêng.
Hải Đăng st

1 nhận xét:

  1. Mỗi người dân Việt Nam cần tỉnh táo trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; không để chúng lợi dụng, lôi kéo, kích động tiến hành các hoạt động bất hợp pháp.

    Trả lờiXóa