Thứ Hai, 1 tháng 6, 2020


VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC CỦA VIỆT NAM VÀ SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC TĂNG CƯỜNG SỨC MẠNH QUÂN SỰ QUỐC GIA.
Việt Nam là đất nước có vị trí địa – chính trị vô cùng quan trọng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới. Là cầu nối giữa Trung quốc và khu vực Đông Nam Á cũng như là quốc gia trấn giữ tuyến hàng hải chiến lược giữa vịnh Thái Lan và biển Đông, Việt Nam trấn giữ lợi ích kinh tế - thương mại rất quan trọng của khu vực và thế giới. Chính vì vị trí chiến lược này, Việt Nam thường xuyên bị nhòm ngó bởi rất nhiều thế lực khu vực và đặc biệt là các siêu cường quốc tế. Những cuộc xâm lược liên tiếp từ phương Bắc cũng như các cuộc chiến tranh lớn với các cường quốc thế giới như Đế Quốc Nhật, Đế quốc Pháp và Mỹ đã chứng minh sự quan trọng của vị trí địa lý chiến lược của Việt Nam. Sự cần thiết của việc sở hữu sức mạnh quân sự hùng cường là điều quan trọng với một nước Việt Nam độc lập và hùng cường. Điều này càng trở nên quan trọng khi mục tiêu quốc gia hướng tới sự trung lập của đất nước và hòa bình cho dân tộc.
Về biên giới phía Bắc của Việt Nam, Trung Quốc, người anh em láng giềng thân thiết luôn mang dã tâm xâm lược và kiểm soát Việt Nam. Nhiều triều đại của Trung Quốc đã xem việc chiếm lấy Việt Nam là căn bản để làm bàn đạp tiến vào Đông Nam Á. Những cuộc xâm lược Đại Việt của triều Tống, triều Nguyên – Mông, triều Minh và sau đó là triều đình Mãn Thanh Trung Hoa đều là những bài học lịch sử rõ nét về tham vọng của phương Bắc đối với phía Nam. Bài học lịch sử rõ nét từ những cuộc chiến tranh này cho thấy việc cố kết tinh thần chiến đấu của người dân với lãnh đạo (ở đây gọi là quân vương) và việc sử dụng mưu lược cùng chiến thuật và tư duy vượt trội đã đem đến sức mạnh chiến thắng cho nước Việt.
Trong khi luôn phải cẩn thận đề phòng trước phương Bắc, người Việt luôn phải đề phòng từ phía Tây hiểm họa từ Campuchia (Miên) và Thái Lan. Đế chế Angkor hùng cường xa xưa (tồn tại sau khi Chămpa sụp đổ) cùng Xiêm La (Thái Lan) là hai thế lực hùng cường đã từng có nỗ lực xâm chiếm Nam Bộ. Bài học từ những cuộc chiến tranh trên đã cho thấy sự hùng cường quân sự của Đại Việt và sự quan trọng của thủy chiến đối với Việt Nam. Những cuộc xâm lược của các cường quốc phương Tây với sức mạnh hải quân áp đảo trong thế kỷ 19 và thế kỷ 20 sau đấy đã càng khẳng định rõ nét hơn sự cần thiết của việc duy trì sức mạnh quân sự đường thủy hùng cường đối với Việt Nam. Hai cuộc chiến tranh khốc liệt với Pháp và sau đó là Mỹ đã mang đến tư duy chiến tranh hiện đại, đặc biệt là tư duy chiến tranh không quân – hải quân vào đất nước. Những kinh nghiệm chiến tranh trên đã cho thấy sự cần thiết của việc duy trì được sức mạnh không quân – hải quân hùng cường đối với một Việt Nam hiện đại.
Trong thế kỷ 21, với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đe dọa an ninh đến từ sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như những thách thức an ninh mới đến từ sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong thời gian vừa qua, việc Việt Nam có được một sức mạnh hải quân – không quân hiện đại là rất cần thiết.
Theo số liệu từ các nguồn thông tin công khai, hải quân Việt Nam hiện nay đang duy trì 8 xuồng tên lửa cao tốc Molnya làm chủ lực. Hỏa lực 16 tên lửa chống hạm Kh-35 trên 4 trụ phóng với tầm bắn 130 – 200 km tùy phiên bản và tốc độ 54 hải lý một giờ biến chúng thành những sát thủ săn hạm đáng gờm. Lượng giãn nước chỉ 860 tấn và tiết diện nhỏ cho phép giảm tiếp xúc radar hiệu quả, với dự trữ hải trình 10 ngày, Molnya là sát thủ săn hạm có hỏa lực đáng sợ. Tốc độ cao, hoạt động độc lập và được che chắn bởi hỏa lực phòng không nhiều tầng khác nhau, các tàu Molnya mang đến sức mạnh phòng thủ mặt nước nhỏ nhưng đáng gờm cho Việt Nam. Một hệ thống tên lửa chống hạm và tên lửa phòng không dày đặc được bố trí rộng khắp cả nước kết hợp với hệ thống radar và thông tin dày đặc kết hợp với lực lượng tàu chiến và máy bay tinh nhuệ là nền tảng cho phép quân đội Việt Nam duy trì năng lực phòng thủ đất nước mạnh mẽ.

Tuy vậy, sự hạn chế về số lượng trang bị, đặc biệt là tàu chiến mặt nước có lượng giãn nước lớn đến từ tiềm lực tài chính hạn chế đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực quốc phòng và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Lực lượng máy bay Su – 30MK2 của Việt Nam với vai trò lực lượng máy bay hiện đại tinh nhuệ tuy đáp ứng được yêu cầu tác chiến phòng vệ căn bản nhưng vẫn có số lượng quá hạn chế để đáp ứng được các yêu cầu đối ngoại và phòng vệ đặt ra.

Với diện tích và dân số lớn cùng vị thế đang ngày càng gia tăng của mình, đặc biệt là có một vùng biển rộng lớn, việc gia tăng số lượng - chủng loại vũ khí trang bị cho quân đội sẽ trở nên rất cần thiết. Với những cải cách luật pháp và chính sách phát triển hiệu quả trong thời gian tới, sự tăng trường kinh tế mạnh mẽ có thể được tiếp tục duy trì, mở rộng chiếc bánh kinh tế của Việt Nam. Với sức mạnh kinh tế mới này, sự cần thiết của việc gia tăng chi tiêu quân sự quốc gia trong thời gian tới sẽ là một bước đi đúng đắn cho Việt Nam. Vị thế chính trị, kinh tế và sức mạnh quân sự của đất nước có thể được giữ vững nếu chính phủ Việt Nam biết phát triển kinh tế - xã hội sáng suốt và tăng cường năng lực quân sự vững chắc./.


1 nhận xét:

  1. Việt Nam đã rất chú trọng phát triển kinh tế xã hội với tăng cường sức mạnh quân sự để bảo vệ Tổ quốc

    Trả lờiXóa