Gần đây, trên mạng xã hội, diễn đàn truyền thông và thậm chí ở một số nghị trường, cụm từ “dân sự hóa quân đội”, “dân sự hóa hoạt động quân sự” xuất hiện, gây ra không ít tranh luận đa chiều. Đáng lo ngại là việc nhận thức về nội hàm, bản chất của cụm từ này chưa đầy đủ, thậm chí còn sai lệch nghiêm trọng-được xem là dấu hiệu ban đầu nhưng khá rõ nét của biểu hiện “tự diễn biến” trong chính một bộ phận cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí, chức năng và đặc thù hoạt động của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.
Trước hết, đó là những “hiến kế” phiến diện về việc cân đối lại ngân
sách quốc gia, theo hướng giảm tỷ lệ GDP đầu tư cho hoạt động quân sự và sự
nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Các ý kiến này cho rằng, nên “dân sự hóa quân đội” theo “lối” phát huy đơn thuần
các nguồn lực xã hội để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh mà không nên tập
trung đầu tư xây dựng “đội quân chủ lực”, gây ảnh hưởng đến nguồn lực đầu tư
cho phát triển kinh tế.
Đây thực chất là cách nhìn thiển cận, phiến diện, chưa
thấy hết ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (BVTQ). Hơn nữa, đặt
trong mối quan hệ giữa “xây dựng” và “bảo vệ” Tổ quốc, thì yếu tố bảo đảm môi
trường hòa bình, ổn định là điều kiện cơ bản, tiên quyết để đất nước ổn định,
phát triển về kinh tế và các lĩnh vực khác. Như vậy, nếu không đầu tư chăm lo,
xây dựng quân đội thì cũng đồng nghĩa với việc xem nhẹ, hạ thấp nhiệm vụ BVTQ.
Với chủ trương thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và BVTQ,
việc sử dụng ngân sách nhà nước cho hai nhiệm vụ này được Đảng, Nhà nước nghiên
cứu, tính toán rất kỹ lưỡng, làm sao để bảo đảm trong điều kiện cụ thể có thể
hoàn thành tốt hai nhiệm vụ chiến lược. Trên thực tế, do những khó khăn khách
quan của tài chính quốc gia, việc đầu tư xây dựng quân đội vẫn chưa thể đáp ứng
yêu cầu tiến nhanh lên chính quy, hiện đại của quân đội. Trong khi đó, với chủ
trương chủ động phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, QĐND Việt Nam luôn sử dụng
nguồn kinh phí hiệu quả nhất cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Từ năm 1998 đến
nay, Nhà nước đã nhiều lần công bố “Sách trắng về quốc phòng Việt Nam”. Đây là
căn cứ quan trọng để nâng cao hiểu biết về quốc phòng đất nước cho công dân Việt
Nam, góp phần làm cho mọi tổ chức, cá nhân hiểu rõ hơn quyền lợi, trách nhiệm
trong tham gia công cuộc củng cố quốc phòng, vì sự nghiệp xây dựng và BVTQ Việt
Nam XHCN.
Một biểu hiện “tự diễn biến” nghiêm trọng nữa là không ít cán bộ, đảng
viên, quần chúng nhận thức hời hợt, chưa đầy đủ về tính chất, yêu cầu ngày càng
cao của nhiệm vụ BVTQ trong tình hình mới; chưa thấy rõ diễn biến phức tạp, mau
lẹ của tình hình thế giới, khu vực, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nguy hại cả tiềm
tàng lẫn trực tiếp đến nhiệm vụ BVTQ. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, QĐND
Việt Nam-lực lượng nòng cốt BVTQ rất cần những đầu tư tương xứng, giúp có đủ tiềm
lực, thực lực và sức mạnh bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng mà Đảng, Nhà
nước, nhân dân giao phó; nhất là bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Ở đây, cần
hiểu rất đúng, đủ về chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) và đặt
nhiệm vụ xây dựng quân đội-“công cụ bạo lực” bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ chế
độ và nhân dân trong mối quan hệ tổng thể xây dựng 3 thứ quân: Bộ đội chủ lực,
bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Trong các LLVT, xét về chiến lược cũng phải
từng bước được đầu tư để hiện đại hóa, chính quy hóa, nhưng trước tiên và trên
hết phải đặc biệt ưu tiên xây dựng QĐND Việt Nam trong mối quan hệ với các bộ
phận, lực lượng khác của nền QPTD.
Một đội quân với chức năng là công cụ bạo lực phải nhất thiết được xây dựng
theo hướng tinh nhuệ, hiện đại; có đủ năng lực xử lý các tình huống phức tạp.
Đó là lý do vì sao Trung ương, Quân ủy Trung ương luôn nhất quán xây dựng quân
đội “cách mạng”, nhưng đồng thời chú trọng xây dựng tiến lên “chính quy, tinh
nhuệ, hiện đại”. Nghị quyết Trung ương khóa XI, XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ
Quân đội lần thứ IX, X đều xác định phải đẩy nhanh tiến độ, chất lượng từng bước
tiến lên hiện đại, ưu tiên xây dựng một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.
Đó là mục tiêu khách quan, là đòi hỏi tất yếu của sự nghiệp BVTQ. Do đó, việc tập
trung quan tâm, đầu tư nguồn lực cho xây dựng quân đội là nhiệm vụ chính trị của
toàn Đảng, toàn dân và sự nghiệp cách mạng.
Như vậy, những nhận thức nêu trên là hoàn toàn sai lệch, gây nhiều nguy
hại trong nhận thức và hành động. Đó là một cách đánh mất, hạ thấp chức năng,
nhiệm vụ của quân đội, mà trước hết là chức năng đội quân chiến đấu. Không thể
đánh đồng khái niệm “dân sự hóa quân đội” với chủ trương phát huy sức dân trong
thực hiện nhiệm vụ BVTQ. Đây là "hướng tư duy" có nguyên nhân do sự
thiếu hiểu biết của một số cán bộ, đảng viên, nhưng thường bị các thế lực thù địch
tận dụng, khai thác triệt để; dùng nhiều ngón đòn và các chiêu thức khác nhau,
với nhiều giọng điệu khác nhau-khi thì đứng hẳn về phía đối lập ra sức và trực
diện chống phá, khi thì như “người trong cuộc” thể hiện “thiện chí”, “tâm huyết”
đối với sự nghiệp xây dựng quân đội, cố gắng “khuyên nhủ” phải đẩy nhanh “dân sự
hóa quân đội”.
Từ việc không nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của
QĐND Việt Nam, một số ý kiến đưa ra lập luận, so sánh mức lương của sĩ quan
quân đội và các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực quân sự với thu nhập của cán
bộ, công chức trong hệ thống chính trị nói chung. Đáng buồn là từ những ý kiến
chưa toàn diện ấy, một bộ phận quần chúng do thiếu thông tin nên đã “a dua”, “cổ
xúy”, “thêu dệt”… thông qua các trang mạng xã hội và tin đồn xã hội, tạo nên những
luồng thông tin khó phân biệt đúng sai, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tâm lý
xã hội.
Nguyên nhân của hiện tượng này trước hết bắt đầu từ việc chưa hiểu đúng
về tính chất, đặc thù hoạt động quân sự gắn với tình hình đất nước và yêu cầu
BVTQ ngày càng cao. Phản ứng lại ý kiến này, ngay trên nghị trường Quốc hội,
nhiều đại biểu đã phân tích rõ đặc thù hoạt động 24/24 giờ của cán bộ, chiến sĩ
quân đội; với tính chất, cường độ ác liệt, khó khăn, thử thách con người trên
nhiều phương diện; đòi hỏi sự đánh đổi không chỉ bằng mồ hôi mà còn bằng máu của
cán bộ, chiến sĩ. Các ý kiến đều thống nhất cho rằng, lương của sĩ quan quân đội
chỉ là nguồn thu nhập duy nhất và mức lương ấy cũng còn quá thấp so với lương
sĩ quan quân đội các nước trên thế giới, chỉ bảo đảm mức sống trung bình so với
đời sống xã hội Việt Nam hiện tại.
Như vậy, vấn đề ở đây là vì không thấy hết tính chất hoạt động quân sự
mà sinh ra "phủ nhận” vai trò và đóng góp của cán bộ, chiến sĩ quân đội.
Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm, trách nhiệm của những người
đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ BVTQ. Thực tế cho thấy, trong quá trình thực
hiện nhiệm vụ, dù trong điều kiện thời bình nhưng vẫn có không ít cán bộ, chiến
sĩ quân đội anh dũng hy sinh vì chủ quyền Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân, trở
thành những tấm gương sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng giai đoạn mới, được
xã hội và quần chúng tôn vinh, trân quý.
Trong dịp này, Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân lần thứ X vừa diễn
ra thành công tốt đẹp. Tại đây, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội vinh danh
hàng trăm điển hình tiên tiến-những tập thể, cá nhân ngày đêm cần mẫn hy sinh
cho lợi ích quốc gia, dân tộc, BVTQ, phục vụ nhân dân. Đó là hình ảnh những con
người hành quân vào vùng bão lũ cứu dân; đi ngược dòng người “tránh” đại dịch
Covid-19, đến với biên cương chốt chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Đó là những cán bộ,
chiến sĩ chắc tay súng, ngày đêm bảo vệ vùng biển, vùng trời; những người phải
chịu thương tật, thậm chí hy sinh khi đấu tranh với tội phạm, bảo vệ cuộc sống
bình yên cho nhân dân và nền hòa bình cho đất nước, khu vực.
Như vậy, “đánh đồng” tính chất hoạt động quân sự với hoạt động nghiệp vụ
chuyên môn của cán bộ, công chức trên lĩnh vực dân sự là một cách tư duy hoàn
toàn không đúng với thực tế, cần phải được khắc phục triệt để. Thay vào đó, cần
phải thống nhất nhận thức từ Trung ương đến địa phương, từ cán bộ đến quần
chúng về đặc thù hoạt động quân sự; cần thấu hiểu, chia sẻ và sớm có thêm những
chủ trương, giải pháp mới, đồng bộ, cùng với những hành động thiết thực của
toàn xã hội nhằm giúp đỡ, hỗ trợ tốt hơn cho cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện
nhiệm vụ BVTQ; kịp thời động viên, quan tâm hơn nữa đến tư tưởng, tình cảm, đời
sống vật chất của cán bộ, chiến sĩ.
Các biểu hiện tư tưởng, tư duy, nhận thức nêu trên, khi vừa nghe qua, có
thể giản đơn nhận định đây chỉ là những biểu hiện đơn lẻ, vô hại, nhưng xét về
thực chất, nhận diện một cách sâu sắc, có thể khẳng định: Đây là một khuynh hướng
sai lệch nghiêm trọng trong nhận thức và tư duy, mang lại nhiều hệ lụy và hậu
quả to lớn, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của quân đội;
tác động trực tiếp đến kết quả xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ,
từng bước hiện đại; chi phối nghiêm trọng đến công cuộc xây dựng nền QPTD và tiềm
lực sức mạnh quân sự đủ mạnh đáp ứng yêu cầu BVTQ trong tình hình mới.
Để đẩy lùi các biểu hiện nêu trên, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp
cần chú trọng giáo dục, tuyên truyền uốn nắn, chỉnh sửa kịp thời những nhận thức
lệch lạc; quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm của Đảng, Nhà nước về xây dựng
quân đội; kiên quyết khắc phục các hiện tượng thụ động, hoặc chỉ hô hào chung
chung mà trên thực tế không đấu tranh với những lập luận “dân sự hóa quân đội”
như thời gian qua. Cần vạch rõ bản chất phản khoa học và tính chất nguy hiểm,
cùng những tác hại của những quan điểm nêu trên. Cần tổ chức lực lượng đấu
tranh, tranh luận, đối chất, chất vấn với những cán bộ, đảng viên, quần chúng
có cách suy nghĩ thiển cận; nâng cao tính Đảng, tính chiến đấu, tính khoa học,
sự nhạy bén và sắc sảo trong kết hợp đấu tranh phòng, chống các xu hướng “dân sự
hóa quân đội” với các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong chính
hàng ngũ cán bộ, đảng viên.
Cùng với đó, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng, nhất là lực lượng
ở các viện nghiên cứu, học viện, nhà trường quân đội chú trọng tổ chức nghiên cứu
đồng bộ, toàn diện về vấn đề “dân sự hóa quân đội” một cách khách quan, toàn diện.
Có thể phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền trong đội ngũ, coi trọng chia sẻ tài liệu,
tri thức trên các diễn đàn truyền thông, báo chí và thậm chí là ở diễn đàn nghị
trường chính thức, kết hợp với phát huy tuyên truyền miệng và các hình thức
tuyên truyền khác. Cần có chính sách rõ ràng, phù hợp, hợp lý cả về vật chất và
tinh thần, có cơ chế xuất bản, phát hành rộng rãi những sản phẩm đấu tranh tư
tưởng, lý luận, phòng, chống xu hướng này; sớm công khai, công bố rộng rãi, góp
phần thống nhất nhận thức, tư duy chính thống.
Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh giáo dục
chính trị tư tưởng, nâng cao trình độ dân trí, tạo ra sự “miễn dịch” trong cộng
đồng, tăng sức “đề kháng” để ngăn chặn, loại trừ sự thẩm thấu và xâm nhập của
các luồng tư tưởng, tư duy sai lệch về tính chất đặc thù hoạt động quân sự; về
vai trò, vị trí, chức năng của QĐND Việt Nam; tin tưởng sâu sắc vào truyền thống,
bản chất của QĐND Việt Nam anh hùng và phẩm chất tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ trong thời
kỳ mới. Làm được như vậy thì dù các thế lực thù địch có chống phá quyết liệt;
âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội có thâm độc và tinh vi như thế
nào chăng nữa, dù những nguy cơ và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có
phức tạp, chi phối tiêu cực thì cũng sẽ bị vô hiệu hóa.
DC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét