Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2020

QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM VỚI NHIỆM VỤ XÂY DỰNG THẾ TRẬN QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN

Thấm nhuần truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 02-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập. Đó chính là tư tưởng, đường lối chỉ đạo xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, Quân đội nhân dân đóng vai trò nòng cốt đối với nhiệm vụ quan trong này.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, ngay từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mọi hoạt động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của cả hệ thống chính trị đều nhằm thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự: “Mọi việc phải nhằm vào điểm làm cho kháng chiến thắng lợi”1. Thực hiện nghiêm sự chỉ đạo đó, các hoạt động xây dựng, triển khai và bố trí các đơn vị bộ đội chủ lực, lực lượng vũ trang tại chỗ (tự vệ chiến đấu, dân quân du kích, công an vũ trang) và nhân dân trên từng địa bàn nhanh chóng được hoàn thành - cơ sở khoa học, điều kiện tiên quyết để ngăn chặn, đánh bại các trận càn, những cuộc hành binh của quân viễn chinh Pháp. Nổi bật như: cuộc chiến đấu 60 ngày đêm bảo vệ Thành Hà Nội (cuối năm 1946) của Trung đoàn Thủ Đô cùng lực lượng vũ trang tại chỗ và nhân dân Hà Nội. Hoặc, việc tạo lập thế trận phản công linh hoạt của Bộ Tổng Chỉ huy trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, góp phần quyết định làm nên thắng lợi vang dội, đánh bại cuộc tiến công chiến lược của thực dân Pháp lên vùng Chiến khu Việt Bắc, giữ vững căn cứ địa cách mạng, bảo vệ an toàn cơ quan đầu não kháng chiến.

Thực tiễn đó cho thấy, tuy các hoạt động quốc phòng trong thời kỳ này chủ yếu tập trung vào các hoạt động quân sự bảo vệ căn cứ địa cách mạng, hậu phương kháng chiến, giành và giữ dân, mở rộng vùng giải phóng,... nhưng đã khẳng định hiệu quả to lớn về tư tưởng chỉ đạo xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ đất nước; trong đó, các đơn vị Vệ quốc đoàn, các Chi bộ Nam tiến, bộ đội chủ lực của Bộ và các khu,... giữ vai trò là lực lượng chủ yếu, cùng với lực lượng vũ trang tại chỗ làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc.

Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thực hiện đường lối chiến lược về xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng của Đảng, Tổng Quân ủy chỉ đạo toàn quân hoàn thành chuyển quân tập kết theo Hiệp định Giơ-ne-vơ. Đồng thời, khẩn trương chấn chỉnh tổ chức biên chế, cải tiến vũ khí, trang bị, đẩy mạnh thực hiện kế hoạch xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân, trọng tâm là xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, tiến lên chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ “Bảo vệ công cuộc củng cố và xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội; bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ và an ninh của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa,... sẵn sàng đập tan mọi âm mưu xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, chủ yếu là đế quốc Mỹ và tay sai”2. Cùng với phát triển lực lượng lục quân chính quy và các đơn vị binh chủng, Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không - Không quân nhanh chóng được kiện toàn về tổ chức3, xây dựng, phát triển và triển khai bố trí lực lượng theo kế hoạch phòng thủ thống nhất, hình thành thế trận bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa cả trên bộ, trên biển và trên không. Vì thế, mặc dù kẻ địch sử dụng nhiều thủ đoạn xảo trá để tạo cớ, hay dựa vào sức mạnh vượt trội của vũ khí, trang bị, phương tiện chiến tranh hiện đại, mở rộng chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng hải quân, không quân,... nhưng đều bị đánh bại, bởi thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc ở miền Bắc đã nhanh chóng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân phát triển.

Ở miền Nam, thực hiện cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân bằng bạo lực vũ trang, hệ thống chỉ huy quân sự được củng cố, ngày càng phát triển ở các cấp. Đặc biệt, với sự ra đời của các đơn vị bộ đội chủ lực Miền (B2), Khu 5 và sự chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc, quân, dân miền Nam đã khôn khéo từng bước tạo lập thế trận vững chắc, hiểm hóc và rộng khắp, đánh bại các cuộc càn quét, các chiến dịch,… của địch ra vùng giải phóng. Giai đoạn cuối cuộc kháng chiến, Quân đội ta đã xây dựng được các sư đoàn chủ lực cơ động mạnh, đứng vững trên các địa bàn chiến lược, sau đó phát triển thành các quân đoàn, binh chủng, có thể tiến hành tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng quy mô lớn, tạo thế, lực, thời cơ chín muồi, có một không hai để tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, Quân đội vừa tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa chấn chỉnh tổ chức biên chế, bố trí lại lực lượng trên các vùng, miền, xây dựng, củng cố quốc phòng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, đồng thời bước vào hai cuộc chiến đấu ở biên giới Tây Nam và phía Bắc. Trong thời kỳ đổi mới, Quân đội thường xuyên nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực quốc phòng, quân sự, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cả trước mắt và lâu dài. Chủ trương nhất quán của Đảng là đẩy mạnh xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; chủ động điều chỉnh thế bố trí chiến lược; kết hợp thế trận tại chỗ với thế trận cơ động, thế trận rộng khắp với thế trận trọng điểm, tập trung cho hướng, khu vực, địa bàn chiến lược; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân, bảo vệ Tổ quốc./.

VH.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét