Trong những năm qua, lợi dụng tình hình diễn biến phức tạp trên Biển Đông xuất phát từ tham vọng độc chiếm của Trung Quốc. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị (gọi chung là các thế lực thù địch) trong và ngoài nước liên tục kêu gào xuyên tạc đường lối, chính sách quân sự, ngoại giao của Đảng, Nhà nước. Họ đưa ra luận điệu rằng chính sách quốc phòng “ba không” của ta là lạc điệu “không giống ai”; muốn đấu tranh đòi chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì phải công nhận tính chính danh của Ngụy quyền Sai Gòn, phải liên minh quân sự với Mỹ để Mỹ bảo vệ Việt Nam; thậm chí họ lợi dụng vấn đề phức tạp trên biển Đông để xuyên tạc lịch sử, gán ghép hình ảnh, dữ liệu sai lệch, từ đó vin cớ để miệt thị, bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phê phán đường lối, chính sách quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Cùng với đó là những bài viết xuyên tạc vấn đề biên giới, chủ quyền biển đảo để, hướng lái dư luận nhằm kích động chiến tranh với Trung Quốc. Mục đích của các thế lực thù địch tất nhiên không phải là vì lợi ích quốc gia dân tộc Việt Nam, mà họ chỉ lợi dụng vấn đề phức tạp trên Biển Đông để xuyên tạc, bôi nhọ hòng làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước, Quân đội, làm cho Nhân dân mất lòng tin vào đường lối, quan điểm của Đảng, sự điều hành, quản lý của Chính phủ, gây chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân, thậm chí gây mất lòng tin của cán bộ, đảng viên với các cơ quan lãnh đạo Đảng. Từ đó phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, đả kích chế độ Xã hội chủ nghĩa, lái đất nước đi theo con đường Tư bản chủ nghĩa.
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, mặc dù Trung Quốc dùng nhiều thủ đoạn gây gổ, âm mưu biến vùng biển không tranh chấp thành vùng tranh chấp, từ đó từng bước xâm phạm chủ quyền Quốc gia Việt Nam trên biển. Song, Đảng, Nhà nước và Quân đội ta đã có những giao thiệp thích hợp, đấu tranh mềm dẻo nhưng kiên quyết với Trung Quốc trên các mặt trận, cả thực địa và ngoại giao, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Do vậy, chúng ta không chỉ giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, tiếp tục khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời vẫn giữ được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, hội nhập quốc tế. Điều đó khẳng định bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, là sự vận dụng đúng đắn quan điểm "đối tác, đối tượng" và nguyên tắc "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" trong giải quyết các quan hệ quốc tế.
Với bản chất hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình, hoạt động quốc phòng của Việt Nam là chủ động ngăn ngừa, ĐẨY LÙI NGUY CƠ CHIẾN TRANH. Việt Nam kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp và thông lệ quốc tế, nhưng sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để tự vệ khi chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc bị xâm phạm. Việt Nam chủ trương phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng với tất cả các nước, xây dựng lòng tin, tạo sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế để ngăn ngừa nguy cơ và đối phó với chiến tranh xâm lược, và không chấp nhận quan hệ hợp tác quốc phòng dưới bất kỳ điều kiện áp đặt hoặc sức ép nào. Chủ trương nhất quán của Việt Nam thực hiện chính sách bốn không: “Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”.
Sự khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền trên Biển Đông cần được xử lý hết sức tỉnh táo, cẩn trọng, không để ảnh hưởng tiêu cực đến đại cục, hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Giải quyết tranh chấp trên Biển Đông là một quá trình lâu dài, khó khăn, phức tạp vì liên quan đến nhiều nước, nhiều bên. Do vậy, hai bên cần đàm phán tìm kiếm giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trong khi chờ đạt được một giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề Biển Đông, Việt Nam và Trung Quốc cần nỗ lực giữ vững ổn định tình hình, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 mà hai nước là thành viên; nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới sớm xây dựng và ban hành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc; tuân thủ những nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước, không có hành động làm phức tạp tình hình hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không quân sự hóa hay hành động vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực. Với những cách hành xử và phát ngôn có tính chất đơn phương, không trên cơ sở luật pháp quốc tế của Trung Quốc, chúng ta cần kiên trì trong đấu tranh để đạt được thoả thuận với những nguyên tắc mang tính giàng buộc để đảm bảo an ninh trên biển. Đặc biệt là không được để ngư dân, những người lao động bình thường gặp nguy hiểm trên vùng biển của chúng ta cũng như vùng biển quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét