Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2020
Thế nào là dân chủ đích thực?
Dân chủ đích thực là mọi quyền lực đều thuộc về Nhân dân: Nhân dân có quyền làm chủ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng pháp luật. Lịch sử đấu tranh chống thực dân, đế quốc hơn một thế kỷ qua của Nhân dân ta đã khẳng định: Dân chủ như vậy chỉ có thể có trong điều kiện độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thành tựu của mấy mươi năm đổi mới càng tô đậm hơn điều rất quan trọng này!
Trong Hiến pháp 2013 tiếp tục thể hiện rõ: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân…”. Sự khẳng định này một lần nữa thể hiện bản chất nhân đạo, nhân văn cao cả của chế độ xã hội chủ nghĩa - chế độ do chính Nhân dân ta lựa chọn. Thực tiễn cho thấy, ở Việt Nam, mọi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân, có sự tham gia ý kiến của Nhân dân. Nhân dân lao động là chủ thể mọi quyền lực; quyền lợi và nghĩa vụ, quyền hạn và trách nhiệm, cống hiến và hưởng thụ gắn bó chặt chẽ với nhau. Mọi người dân đều trực tiếp hay gián tiếp đề đạt nguyện vọng và đóng góp ý kiến của mình cho các cơ quan công quyền. Các kênh bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân ngày càng được mở rộng và hoạt động hiệu quả. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trở thành quy chế, thiết chế dân chủ trong xã hội; là phương châm hành động của người dân trong xây dựng hệ thống chính trị; là yêu cầu ứng xử của cán bộ trong tiếp xúc, quan hệ với Nhân dân và chăm lo đến Nhân dân. So với các quốc gia có nền kinh tế tương đương, nền giáo dục nước ta phát triển cao hơn, quyền học hành của con người được bảo đảm và ngày càng được thực hiện tốt. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được bảo đảm ngày càng tốt. Hiện nay, có khoảng 70.000 chức sắc trong các tổ chức tôn giáo đang hoạt động tại hơn 24.000 cơ sở thờ tự, với hơn 20 triệu tín đồ. Tiêu biểu như Phật giáo với gần hai ngàn năm trải qua nhiều thăng trầm cùng với lịch sử dân tộc, song thời nào Phật giáo cũng lấy đức Từ bi để giáo hóa chúng sinh, lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Phật giáo Việt Nam đã xây dựng truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc; xứng đáng là một tôn giáo “Hộ quốc - An dân”. Công giáo Việt Nam tại Đại hội lần I đã ra Thư chung 1980 với đường hướng mục vụ "sống phúc âm giữa lòng dân tộc". Đại hội lần III tiếp nối nội dung của Thư chung 1980 nhưng có những chỉ dẫn cụ thể hơn: "Trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta hãy ra sức đóng góp nhiều hơn nữa với sự nỗ lực của mỗi người, cụ thể trong hoàn cảnh đất nước hiện nay… Chúng ta vừa là người Công giáo, vừa là người công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hai phẩm tính đó không thể mâu thuẫn nhau, nếu chúng ta sống đạo đích thực và có lòng yêu nước chân thành"…Trong các cuộc sinh hoạt chính trị lớn, như bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao. Kết quả, tỷ lệ đại biểu là nữ, người dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo trong Quốc hội ngày càng cao, cả thế giới đều biết, việc thực hiện dân chủ luôn là mục tiêu không dễ dàng ngay cả ở những nước được coi là “có truyền thống dân chủ”!Đó là chưa kể ở đó, nhiều mâu thuẫn chính trị-xã hội bộc lộ ngày càng gay gắt và không có khả năng vượt qua. Riêng tại nước ta, Đảng đã nghiêm túc đánh giá quyền làm chủ của Nhân dân ở một số nơi, trên một vài lĩnh vực còn bị vi phạm. Việc thực hành dân chủ còn mang tính hình thức; sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội, cùng với tệ quan liêu, tham nhũng, xa dân, xâm phạm quyền làm chủ của Nhân dân, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, là thách thức đối với mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng. Tuy nhiên, bằng những thành tựu đã đạt được, chúng ta tin tưởng mục tiêu xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất ở nước ta nhất định thắng lợi.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét