Đầu năm
2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 96-QĐ/TƯ về việc lấy phiếu tín nhiệm
đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị (Quy định
96) thay thế cho Quy định 262-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành
viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt
trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Quy định này không chỉ có ý nghĩa tham khảo,
góp phần vào đánh giá cán bộ mà kết quả có giá trị trực tiếp vào công tác đánh
giá, bố trí, điều động và thực hiện chính sách đối với cán bộ. Đồng thời, đây
cũng là cơ sở trực tiếp cho quá trình chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp
nhiệm kỳ tới. Thế nhưng, các lực lượng “khoác áo dân chủ ” tìm cách chống
phá quan điểm, chủ trương, đường lối, coi đây là một tiêu điểm để xuyên tạc
đường lối, phủ nhận vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam.
NHẬN DIỆN CÁC LUẬN
ĐIỆU CHỐNG PHÁ
Ngay sau khi Quy định
96 được ban hành, trang RFA có một loạt bài chống phá quan điểm lấy
phiếu tín nhiệm của Đảng như: “Phức tạp hóa vấn đề lấy phiếu tín nhiệm, vì
sao?”; “Quốc hội đánh giá tín nhiệm, có thể tham khảo ý kiến của người dân như
lời của Thủ tướng?”; “Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm: Nên hay không?”; “Đảng thừa
nhận không đoàn kết?; “Lấy phiếu tín nhiệm: chiêu trò mị dân?”. Trên kênh
Youtobe, Trang Tâm Thức Việt cũng đăng tải video ngày 9/2/2023 với chùm
bài: ‘Lấy phiếu tín nhiệm: Thêm một chiêu trò mị dân”. Đài Châu Á – Tự do cũng
đăng tải môt loạt các bài trên nền tảng mạng qua mạng Facebook, trang web… Hầu
hết các bài viết và các video của các thế lực phản động, thù địch dùng mọi thủ
đoạn xuyên tạc, hạ thấp uy tín lãnh đạo của Đảng, để phá hoại sự nghiệp cách
mạng của Đảng và nhân dân. Dưới các danh xưng “ nhà dân chủ”; “nhà báo tự do”
như Nguyễn Ngọc Già, Nguyễn Vũ Bình…
Các luận điệu xuyên
tạc, chống phá Quy định 96 của các thế lực thù địch, biểu hiện ở những nội dung
cơ bản sau:
Thứ nhất, chống phá
mục tiêu của Quy định 96.
Trong bài viết “Lấy phiếu tín nhiệm: chiêu trò mị dân”, đăng vào ngày
09/02/2023 của Đài Châu Á Tự do, cho rằng mục tiêu của việc lấy phiếu tín nhiệm
và bỏ phiếu tín nhiệm là để “chiêu trò mị dân”, chỉ là “việc của Đảng và những
người đảng viên trong Đảng không liên quan tới nhân dân” để nhằm mục tiêu “loại
trừ lẫn nhau”, “thanh toán các thế lực, phe cánh, nhóm phái đối lập trong
Đảng”, để “xử lý các phần tử không theo hệ thống chung”; và từ đó cho thấy
“Đảng không tin vào chính mình” và “Đảng toàn trị nhưng không đủ năng lực cầm
quyền” hay “Đảng làm lu mờ và vi phạm nguyên tắc Nhà nước pháp quyền”. Trong
một bài cùng nội dung, trang RFA còn “khuyên” rằng Đảng cần làm công tác cán bộ
triệt để hơn và đó phải là “việc của toàn dân”. Thực chất luận điệu nêu trên
không chỉ nhằm xuyên tạc mục tiêu của Quy định 96 của Đảng, mà qua đó, âm mưu
sâu xa, nham hiểm của chúng là từ chỗ làm xói mòn, mất niềm tin của nhân dân
đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Thứ hai, thông qua
việc xuyên tạc Quy định 96, các thế lực thù địch nhằm mục đích phủ định vai trò
lãnh đạo của Đảng.
Việc các thế lực thù
địch ra sức phủ nhận lịch sử, công kích vai trò
lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, “đánh” vào các nguyên tắc tổ chức, sinh
hoạt Đảng nhằm chia rẽ nội bộ. Khi cho rằng việc lấp phiếu tín nhiệm và bỏ
phiếu tín nhiệm là việc “thanh trừng”, “xử lý các sinh mệnh chính trị
thoái hóa không trung thành”, không đơn thuần là việc “xây dựng
Đảng” mà là việc “loại trừ phần tử phe cánh, nội bộ trong Đảng”.
Thông qua việc viện dẫn các ý kiến, quan điểm từ các danh xưng “nhà dân
chủ”, “nhà báo tự do” việc bôi nhọ vai trò lãnh đạo của Đảng được cụ
thể hóa bằng cách lấy diễn đàn dân chủ ở nước ngoài để lên tiếng tố cáo và phản
bác các quan điểm, chủ trương và đường lối của Đảng, như: “càng chống
tham nhũng thì tham những càng nhiều”; “ kết quả người có phiếu tín nhiệm cao
thì tỷ lệ thuận với danh sách những người bị kỷ luật trong Đảng”; “ bỏ phiếu
tín nhiệm mang màu áo dân chủ trong Đảng chủ vì Đảng làm chủ cuộc cách mạng
này, công việc chỉ có đảng viên tham gia”... Từ việc làm phép thống kê mối
liên hệ có chủ đích giữa kết quả lấy phiếu tín nhiệm với các cá nhân có tên
trong các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ lãnh đạo các cấp
thời gian qua, các “nhà dân chủ”, “nhà báo tự do” quy
chụp sự suy thoái của một bộ phận cán bộ đảng viên, tệ quan liêu tham nhũng
trong Đảng thànhbản chất, biến cái “hiện
tượng” thành “phổ biến” và là “tất yếu” của một Đảng duy nhất cầm quyền. Từ đó, các thế
lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị cho rằng, “Đảng Cộng
sản Việt Nam chiếm quyền của dân, vi phạm dân chủ, nhân quyền”; “Đảng không nên
giữ vai trò lãnh đạo, không nên và không thể lãnh đạo tuyệt đối”; “phải đa
nguyên chính trị, đa đảng đối lập thì đất nước mới phát triển”... Đây không phải là một điều mới mẻ trong các luận
điệu chống phá Đảng của các thế lực phản động. Tuy nhiên, trước mỗi quyết định
của Đảng có tính xây dựng tổ chức Đảng, đặc biệt là công tác cán bộ thì chúng
luôn lấy việc bài xích chủ trương, đường lối của Đảng và tìm mọi cách, tận
dụng mọi thời cơ, mọi sự kiện trong công tác cán bộ để lồng vào đó thông điệp
bôi bẩn, suy diễn, sặc mùi chống phá làm mất uy tín và niềm tin vào Đảng.
QUY ĐỊNH 96 THỂ HIỆN
TÍNH ĐÚNG ĐẮN CỦA ĐẢNG TA
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán
bộ là cái gốc của mọi công việc... huấn luyện cán bộ là công việc gốc của
Đảng”(1). Do đó, công tác cán bộ luôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong công
tác xây dựng Đảng, từ khâu phát hiện, tuyển chọn, bố trí, phân công, phân cấp
quản lý cán bộ; đánh giá cán bộ, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; bổ nhiệm, giới
thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển, miễn nhiệm; khen thưởng, kỷ luật; kiểm
tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện chính sách đối với cán
bộ. Những vi phạm trong công tác cán bộ của cấp ủy, tổ chức đảng, chi bộ và cán
bộ, đảng viên rất đa dạng, phức tạp, với phạm vi, tính chất, quy mô, mức độ
khác nhau ở từng cấp, từng loại hình tổ chức đảng. Xuất phát từ vị trí
"then chốt của then chốt", công tác cán bộ ngày càng được coi trọng
hơn, đúng mức hơn với vị trí, vai trò, có nhiều cách làm, quy định mới, hiệu
quả cao hơn, gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung;
kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn
biến", "tự chuyển hóa", bất kể người đó là ai; không có vùng
cấm, không có ngoại lệ.
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các
đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư là một trong những nội dung
đổi mới rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng ta, bắt đầu được tiến
hành từ nhiệm kỳ khóa XI đến nay. Mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là để
thực hiện tốt hơn các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung
ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng có
đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ; giúp các đồng chí được lấy phiếu
tín nhiệm “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất
đạo đức, lối sống và không ngừng nâng cao trách nhiệm nêu gương, trình độ, năng
lực công tác để hoàn thiện bản thân, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng
viên và Nhân dân đối với Đảng. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã đánh giá đúng phẩm
chất, năng lực, kết quả cụ thể thực hiện chức trách được giao và uy tín của
người được lấy phiếu tín nhiệm bảo đảm tính dân chủ, khách quan, công tâm, công
khai, minh bạch theo đúng Quy định số 96-QĐ/TW và Kế hoạch số 16-KH/TW của Bộ
Chính trị, đồng thời là sự cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình
và phê bình của Đảng.
Từ khoa học lý luận đến thực tiễn
cách mạng đã trải qua chứng minh học trong thuyết Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh và quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta cho thấy công tác tự phê bình
và phê bình là quy luật phát triển của Đảng. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, tự
phê bình và phê bình là vấn đề có ý nghĩa then chốt trong việc xây dựng Đảng
vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực cầm quyền, lãnh đạo xây dựng đất nước
thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong chiều dài lãnh
đạo các cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa
Đảng ta luôn khẳng định tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của
Đảng, là thước đo trình độ dân chủ trong Đảng, là ý thức trách nhiệm của Đảng
với Nhân dân. Thực tế đã chứng minh, ở đâu, giai đoạn nào, dù hoàn cảnh có khó
khăn gian khổ đến mấy nhưng tự phê bình và phê bình được tiến hành thường
xuyên, có hiệu quả thì ở đó, giai đoạn đó, tổ chức đảng phát huy được vai trò
tiền phong gương mẫu và ngược lại ở nơi nào, thời điểm nào tự phê bình và phê
bình không được tiến hành thường xuyên hoặc làm qua loa, hình thức là ở đó mất
dân chủ, nội bộ mất đoàn kết, tổ chức đảng không còn phát huy được vai trò lãnh
đạo của mình. Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ việc tiêu cực, tham
nhũng ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương đã được Đảng ta chỉ ra trong thời
gian qua là do tự phê bình và phê bình trong nội bộ ít được quan tâm, tính
chiến đấu trong sinh hoạt không được đề cao. Nhiều trường hợp “mũ ni che tai”,
thờ ơ, thấy sai không đấu tranh, thấy đúng không bảo vệ, đùn đẩy, né tránh,
ngại va chạm dẫn đến nội bộ mất đoàn kết, tổ chức đảng yếu kém không phát huy
được vai trò lãnh đạo của mình.
Do đó, từ thành
công của việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các đồng
chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa XIII đã cho thấy, Đảng ta
luôn tuân thủ đúng nguyên tắc tập trung, dân chủ, tự phê bình và phê bình trong
công tác cán bộ. Đây là “hòn đá thử vàng” đối với mỗi đồng chí cán bộ cấp cao
của Đảng; đồng thời cho thấy quyết tâm của Đảng ta trong việc xây dựng, chỉnh
đốn Đảng, nhất là trong công tác cán bộ. Phát huy dân chủ chính là mục tiêu,
đồng thời là động lực của công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, dân chủ
không thể tách rời luật pháp. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa không thể tách rời
việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân dưới
sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, còn phải gắn với dân trí, với trình độ học vấn.
Trong công cuộc đổi mới hiện nay, Đảng
ta chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhưng điều này không có nghĩa là sẽ dẫn đến đa nguyên chính trị, đa đảng đối
lập. Đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập trên thực tế không chỉ phụ thuộc vào
kinh tế, mà còn phụ thuộc vào một loạt các yếu tố khác như tương quan so sánh
lực lượng giai cấp, vị thế, vai trò của đảng cầm quyền, hoàn cảnh lịch sử cụ
thể, truyền thống lịch sử… Chế độ một đảng hay đa đảng không phải là dấu
hiệu của dân chủ hay không dân chủ. Trước những luận điệu phủ nhận vai trò lãnh
đạo của Đảng từ các thế lực phản động, thù địch, chúng ta đấu tranh bác bỏ bằng
những luận cứ thật sự khoa học để làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của
chúng; đồng thời, để không phụ lòng của Nhân dân đã trao trọn, gửi gắm niềm tin
vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc đấu tranh bác bỏ các
quan điểm sai trái, thù địch trước hết phải xuất phát từ luận điểm khách quan,
khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò lãnh đạo của
chính đảng vô sản trong tiến trình cách mạng.
Như vậy, cả lý luận và thực tiễn cho
thấy, những quan điểm đòi phủ nhận vai trò duy nhất lãnh đạo, cầm quyền của
Đảng Cộng sản Việt Nam là sai trái, phản động và hết sức nguy hiểm. Quy định 96 là sự
kiện chứng minh và khẳng định tính đúng đắn trong việc đấu tranh bảo
vệ vai trò duy nhất lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta là chính đáng, chính nghĩa
và phù hợp với nguyện vọng, sự tin tưởng của Nhân dân. Quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng
viên của Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, có phẩm chất, năng lực, tâm huyết,
trách nhiệm cao, luôn hết lòng vì nước, vì dân… đã và sẽ luôn là mục tiêu,
quyết tâm lãnh đạo của Đảng ta. Đó cũng chính là minh chứng thuyết phục nhất,
phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản
động chống phá Đảng, Nhà nước ta trong thời gian qua.
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.
Trả lờiXóa