Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2023

PHÁT HUY CÓ HIỆU QUẢ CÁC CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC NHẰM KHÔNG NGỪNG NÂNG CAO ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT, TINH THẦN CỦA NHÂN DÂN CÁC TỈNH TÂY NGUYÊN

 

Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 18-1-2002, của Bộ Chính trị khóa IX, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001 - 2010” và Kết luận số 12-KL/TW, ngày 24-10-2011, của Bộ Chính trị khóa XI, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 - 2020”, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội các tỉnh Tây Nguyên có những bước chuyển khá quan trọng. Quy mô của nền kinh tế được mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 287 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng 14 lần so với năm 2002. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2002 - 2020 đạt 7,98%, cao nhất trong các vùng. GRDP bình quân trên đầu người năm 2020 đạt 48,08 triệu đồng/năm, gấp 10,6 lần so với năm 2002. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ. Công nghiệp phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt 12,79%, cao hơn bình quân cả nước (11,54%) và cao nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội trong cả nước. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Tây Nguyên đang vững bước đi lên từng ngày.

Tuy nhiên, Tây Nguyên vẫn còn những hạn chế, yếu kém, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Do đó, để nâng cao hiệu quả việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đưa Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững, cấp uỷ, chính quyền các cấp cần chú trọng:

Cần bám sát trình độ phát triển kinh tế, đặc trưng văn hóa, phong tục, tập quán của từng dân tộc để áp dụng các chính sách phù hợp;

Nghiên cứu kỹ khả năng tiếp nhận, chuẩn bị của mỗi dân tộc để đưa ra những định hướng đúng đắn cho đồng bào trong thực thi, vận hành chính sách;

Cần phân loại cụ thể các chính sách để thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, có hiệu quả, nhất là đối với những chính sách quan trọng, cấp bách;

Xây dựng lộ trình, kế hoạch và các yêu cầu cụ thể đối với từng chính sách để tiện theo dõi, đánh giá hoặc kịp thời điều chỉnh, bổ sung, phát triển cho phù hợp với đặc thù của từng dân tộc, từng địa phương;

Phát huy đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của hệ thống chính trị ở cơ sở trong vai trò là người hướng dẫn đồng bào thực thi, áp dụng các chính sách vào trong đời sống;

Cần bảo đảm tính bình đẳng về quyền thụ hưởng, sự phân bổ các cơ chế, chính sách giữa các dân tộc, giữa các địa phương; tránh việc tuyệt đối hóa tính đặc thù của một khu vực, một đối tượng nhất định; đồng thời, tránh áp dụng chính sách chung chung, thiếu tính cụ thể./.

TBQL 17

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét