Cách mạng màu với nhiều tên gọi khác nhau như:
cách mạng nhung, đường phố, cam, hoa hồng, hoa tulip, hạt dẻ… diễn ra ở một số
nước Đông Âu và Trung Đông, Bắc Phi trong thời gian qua và những diễn biến
chính trị tại Thái Lan, Campuchia, Mianma, Inđônêxia, Vênêxuêla đã cho thấy bản
chất nguy hiểm từ sự can dự của các thế lực vào tình hình nội bộ các nước có
chủ quyền, gây ra bất ổn chính trị kéo dài, ly khai dân tộc nhằm tìm mọi cách
thay thế chính quyền hiện tại, xây dựng chính quyền thân Mỹ và phương Tây. Câu
hỏi đặt ra là: Việt Nam chúng ta có phải đối diện với nguy cơ xảy ra “cách mạng
màu” hay không? Đâu là giải pháp để ngăn ngừa âm mưu, thủ đoạn thực hiện “cách
mạng màu” ở Việt Nam?
Bản chất của âm mưu, thủ đoạn “cách mạng màu”
Cách mạng màu (tiếng Anh là colour revolution) là
thuật ngữ chỉ các cuộc bạo lực chính trị có tổ chức, chính biến phi vũ trang ở
quốc gia có chủ quyền nhằm lật đổ nhà nước đương nhiệm, gây ra khủng hoảng
chính trị, đồng thời lập ra bộ máy cầm quyền mới của lực lượng đối lập được Mỹ
và phương Tây hậu thuẫn. Đó là chiến lược toàn cầu của Mỹ sử dụng những phương
thức, thủ đoạn điển hình là sự phản đối quy mô lớn bằng biện pháp phi bạo lực
nhằm mục đích thay đổi chế độ đang tồn tại để thiết lập một chính phủ thân Mỹ
và phương Tây kể từ thời kỳ hậu chiến tranh lạnh đến nay.
Các đối tượng của cách mạng màu là đảng phái, lực
lượng chính trị đối lập trong nước hình thành từ các trào lưu “dân chủ hóa xã
hội” hoặc nảy sinh, phát triển từ sự mâu thuẫn, phân hóa, phân lập của nội bộ
đảng, chính phủ cầm quyền. Lãnh tụ phe đối lập thường là những người bất mãn,
cơ hội chính trị, bất đồng với đảng, chính phủ cầm quyền được các thế lực nước
ngoài hậu thuẫn, thậm chí nuôi dưỡng để thực hiện chính biến khi có thời cơ
thuận lợi. Các thế lực bên ngoài là kẻ khởi xướng, định hướng, kích động, thúc
đẩy, vạch kế hoạch, huấn luyện, tài trợ vật chất, ủng hộ tinh thần và phối hợp
chặt chẽ với các lực lượng trong nước tổ chức và tiến hành hoạt động cách mạng
màu. Thế lực bên ngoài đóng vai trò “đạo diễn”, lực lượng trong nước giữ vai
trò” thực thi”. Đây là một hiện tượng chính trị diễn ra thông qua nghị trường,
đấu tranh chính trị (mít tinh, biểu tình, tuần hành), dựa trên cơ sở những tiền
đề trong một quốc gia, dân tộc có quan điểm, chủ trương trái với lợi ích của Mỹ
và phương Tây; được hậu thuẫn bởi lực lượng bên ngoài nước can thiệp một cách
thô bạo, trắng trợn vào công việc nội bộ của nước đó nhằm lật đổ chính quyền
hay sự cầm quyền của các đảng phái chính trị để thay thế bằng đảng phái đối lập
phù hợp với lợi ích Mỹ và phương Tây.
“Cách mạng màu” với nhiều tên gọi khác là cách mạng nhung, đường
phố, cam, hoa hồng, hoa tulip, hạt dẻ,… xuất hiện lần đầu tiên với cách mạng
Vàng ở Philíppin từ năm 1983, cách mạng Nhung ở Tiệp Khắc năm 1989, cách mạng
Đường phố ở Nam Tư năm 2000, cách mạng Nhung ở Grudia năm 2003, cách mạng Cam ở
Ucraina năm 2004 và 2014, cách mạng hoa Tulip ở Cưrơgưxtan năm 2005, cách mạng
cây Tuyết tùng ở Libăng năm 2005, cách mạng Xanh ở Iran năm 2009, cách mạng hoa
Nhài ở Tuynidi từ năm 2010, cách mạng hoa Sen ở Ai Cập từ năm 2011, cách mạng
màu ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi (còn gọi là Mùa xuân Arập, gồm: Libi, Xyri,
Angiêri, Yêmen, Marốc, Gioócđani, Arậpxêút, Ôman, Irắc), cách mạng Ô dù ở Hồng
Kông năm 2014,… và những diễn biến chính trị tại Thái Lan, Campuchia, Mianma,
Inđônêxia, Vênêxuêla cho thấy bản chất nguy hiểm từ sự can dự của các thế lực
phương Tây vào tình hình nội bộ các nước có chủ quyền, gây ra bất ổn chính trị kéo
dài, ly khai dân tộc nhằm tìm mọi cách thay thế chính quyền hiện tại.
Bản chất cách mạng màu là phản cách mạng, là phương thức, thủ
đoạn theo chủ nghĩa sôvanh nước lớn sử dụng để loại bỏ chính quyền các nước
không đi theo quỹ đạo của mình bằng nhóm cầm quyền khác, mà chưa làm thay đổi
bản chất bên trong của các nước. Lợi dụng những mâu thuẫn, khó khăn của chính
quyền đương nhiệm để tạo ra nguy cơ chính trị, thông qua việc bầu cử tự do và
“cách mạng đường phố” để lật đổ chính quyền hợp pháp, dựng lên chính quyền thân
Mỹ và phương Tây.
Ở các nước xã hội chủ nghĩa và nước có xu hướng đi lên chủ nghĩa
xã hội thì chúng tìm mọi cách lật đổ và xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, lập
đảng chính trị cầm quyền mới đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa. Trong truyền
thông phương Tây, cách mạng màu được miêu tả rất hấp dẫn, giàu hứa hẹn như là
những cuộc cách mạng dân chủ và nhân quyền phổ biến, trong đó, người dân có
quyền đòi hỏi trách nhiệm dân chủ và yêu sách đối việc quản trị của chính quyền
sở tại. Thực tế, cách mạng mang tính mị dân, người dân không có quyền lợi gì,
thậm chí sau cách mạng là khủng hoảng chính trị, bất ổn xã hội kéo dài, mâu
thuẫn giai tầng và dân tộc sâu sắc, kinh tế chậm phát triển, đói nghèo và
thương vong gia tăng, đẩy các nước lâm vào hỗn loạn.
“Cách mạng màu” là một bộ phận hợp thành của chiến lược “diễn
biến hòa bình” với mục tiêu phá hoại nền độc lập của các quốc gia, dân tộc nhằm
củng cố vị trí siêu cường quốc số một thế giới của mình, chi phối, dẫn dắt và
truyền bá văn hóa, lối sống, dân chủ và nhân quyền của Mỹ và phương Tây trên
thế giới; khống chế hoặc tạo ảnh hưởng mạnh mẽ để thiết lập chính quyền chịu sự
lãnh đạo, chỉ đạo của Mỹ. Đối với các nước xã hội chủ nghĩa, mục tiêu là lật độ
vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, lập ra
đảng phái chính trị đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa do Mỹ và phương Tây định
đoạt. Hiện nay, đối tượng của cách mạng màu hết sức đa dạng, có thể diễn ra ở
nước có chế độ chính trị khác nhau, trong đó có Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét