Trên mạng xã hội, cùng một sự việc, hiện tượng nhưng mỗi người có quan điểm, cách nhìn, cách hiểu khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, vị trí, trình độ nhận thức và niềm tin xã hội, đó là chuyện bình thường. Mỗi người có lý giải riêng tùy theo góc nhìn và vị trí đứng. Nếu chỉ đứng ở góc nhìn nhỏ hẹp có thể dẫn đến đánh giá thiển cận thiếu khách quan. Đứng ở nhiều góc độ rộng hơn, đặt mình vào vị trí của người trong cuộc chúng ta sẽ có cách nhìn nhân văn, thấu đáo.
Mạng xã hội bây giờ tràn ngập đủ các loại thông tin không biết đúng, sai, thật, giả. Vì thế, chúng ta phải tìm hiểu kỹ, đối chứng nhiều nguồn thông tin không nên vội vàng quy chụp, đưa ra những nhận định thiếu khách quan, áp đặt quan điểm của mình lên nhận thức của người khác. Cái gì biết thì nói, việc gì không biết thì im lặng, cần có thái độ khiêm tốn, lịch sự, tôn trọng quan điểm khác biệt của nhau khi tranh luận không vì “cái tôi” của mình mà công kích, miệt thị, chửi bới, xúc phạm người khác.
Mạng xã hội là kênh thông tin quan trọng trong đời sống xã hội. Tham gia mạng xã hội bây giờ không những cần kiến thức, văn hoá, kỹ năng mà còn cần đạo đức và trách nhiệm xã hội của mỗi tổ chức, công dân. Muốn tham gia mạng xã hội, trước hết hãy là người có văn hoá./.
Phan Trung Can
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét