Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

NGƯỜI 6 LẦN ĐƯỢC CHỌN CHỞ THI HÀI BÁC HỒ KÍNH YÊU

Những năm 1969-1975, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh 6 lần được di chuyển lên căn cứ K84 (Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội hay còn gọi là K9) nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trước sự leo thang bắn phá miền Bắc của không quân Mỹ.

6 lần di chuyển này, Trung tá Hoàng Đình Thinh (sinh năm 1937), nguyên Đại đội trưởng Đại đội xe 29, Tổng cục Hậu cần, đều vinh dự góp mặt, trong đó có 3 lần là lái chính. Những ngày mùa thu tháng 9 lịch sử, hồi ức về người lái xe đặc biệt này lại được gia đình, hàng xóm, đồng đội nhắc đến khi ông vừa rời cõi tạm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại qua đời, dù trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt, nhưng Đảng, Nhà nước ta quyết định bảo quản lưu giữ lâu dài thi hài Bác. Nhiệm vụ nặng nề ấy được giao cho lực lượng vũ trang với sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối khi Mỹ leo thang đánh phá ác liệt miền Bắc bằng lực lượng không quân, Trung ương Đảng quyết định di chuyển thi hài Bác từ Thủ đô Hà Nội lên K9. Đã 6 lần thi hài Bác được đưa lên K9 và khi ấy, chàng chuẩn úy trẻ Hoàng Đình Thinh vinh dự được tham dự cả 6 lần. Trong đó ba lần ông trực tiếp cầm lái, ba lần ông ngồi cạnh lái chính.

Lần thứ nhất, vào mùa đông năm 1969, đưa  thi hài Bác từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108) lên căn cứ K9. 

Lần thứ hai, ngay sau sự kiện vụ tập kích của lực lương đặc biệt Mỹ ở ngoại ô thị xã Sơn Tây rạng sáng ngày 21/11/1970, đưa thi hài Bác từ K9 trở lại Bệnh viện 108. 

Lần thứ ba, sau"đại hồng thủy" Đồng bằng sông Hồng tháng 8/1971, đưa thi hài Bác từ Bệnh viện 108 trở lại K9. 

Lần thứ tư, vào tháng 7/1972, đưa thi hài Bác từ K9 qua sông Đà, đến căn cứ H21 ở xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ.

Lần thứ năm, sau ngày Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (27/1/1973), đêm 8/2/1973, đưa thi hài Bác rời H21 trở lại K9. 

Lần thứ sáu, ngày 18/7/1975, đưa thi hài Bác từ K9 về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Sau lần cuối cùng này, ông tiếp tục đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau ở Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật đến năm 1989 thì nghỉ hưu.

Cả 6 lần ông Thinh tham gia nhiệm vụ đặc biệt này, bà Nguyễn Thị Bình (vợ ông) cũng không hề hay biết. Cứ tối đến ông về nhà ăn cơm xong lại đi đến tận sáng sớm mới về, ăn sáng xong lại vào đơn vị làm việc bình thường. Hỏi ông, ông chỉ bảo đi làm nhiệm vụ bí mật. Nghe chồng nói vậy bà cũng chỉ biết vậy và không khỏi chạnh lòng bởi khi ấy con cái còn quá nhỏ, bà vừa lo công việc ở đơn vị, lại vừa lo việc gia đình. Chỉ đến sau này, khi hòa bình lập lại, bà và gia đình mới biết những câu chuyện về những chuyến xe đặc biệt chở thi hài Bác lên K9.

Ngày ấy, Chuẩn úy trẻ Hoàng Đình Thinh đang là Trưởng ban xe của Tổng cục Hậu cần, một lái xe dày dạn kinh nghiệm, chuyên được chọn đưa các lãnh đạo cấp cao vào chiến trường khốc liệt, lại có biệt tài sửa chữa xe rất giỏi nên đã lọt vào “tầm ngắm” của Cục Bảo vệ (nay là Cục Bảo vệ an ninh Quân đội, Tổng cục Chính trị). Một ngày trung tuần tháng 9/1969, khi đang làm việc ở cơ quan, ông được hai cán bộ của Cục Bảo vệ bí mật đưa đi làm nhiệm vụ không để ông kịp báo cáo với lãnh đạo đơn vị cũng như thông báo cho gia đình. Lãnh đạo đơn vị cũng chỉ được thông báo ông được cấp trên chọn giao đi làm nhiệm vụ tối mật. Hôm ấy ông được đưa đến Viện Quân y 108, gặp Cục trưởng Cục Bảo vệ Trần Kinh Chi để nhận nhiệm vụ quan trọng.

Theo lời kể của ông, đêm nào ông cũng nhận nhiệm vụ chạy thử các loại xe, quãng đường khoảng 70km. Cứ 10 giờ đêm là xe xuất phát từ Viện Quân y 108 lên K9. Nhiều đồng chí lái xe có kinh nghiệm từ các đơn vị cũng được triệu tập để chạy thử xe. Mỗi tối một người chạy thử, cùng với các thủ trưởng ngồi bên thị sát, khi là đồng chí Phùng Thế Tài (lúc đó là Phó tổng Tham mưu trưởng), khi là đồng chí Trần Kinh Chi. Nhưng cuối cùng đồng chí Phùng Thế Tài chọn ông. Sau này, khi đã rõ nhiệm vụ ông mới hiểu, Chuyên gia Liên Xô và cán bộ kỹ thuật của ta yêu cầu khi di chuyển thi hài Bác phải luôn ở trong môi trường có thông số nhiệt, ẩm ổn định, vô trùng, hạn chế rung xóc ở mức thấp nhất và thời gian di chuyển không được quá 4 giờ. Sau quá trình chạy thử và bàn bạc thống nhất, cuối cùng xe ZIL-157 đã được lựa chọn. Đây là loại xe ba cầu có dung tích lớn, máy khỏe, độ rung xóc ít hơn tất cả các loại xe khác. Chọn được xe rồi lại phải nghĩ cách chống rung xóc tốt nhất.

Trong những lần chạy thử bằng ZIL-157, mọi biện pháp chống rung xóc được đặt ra. Khi ấy, Trung úy Vũ Quốc Bình - cán bộ phòng bảo vệ Tổng cục Hậu cần (khi nghỉ hưu là trung tá, ở khu tập thể Học viện Quân y, quận Hà Đông, Hà Nội) còn nằm thử trong quan tài để thử độ rung, độ va đập… Thậm chí đặt cả cốc nước trên linh cữu, nếu không rung, không tràn, không đổ mới là đạt yêu cầu. Hơn hai tháng ròng rã đi thử xe, ghi chép lại các thông số và sửa chữa lại theo yêu cầu, khi các đồng hồ báo số đo tiêu chuẩn kỹ thuật vận chuyển bảo đảm tuyệt đối an toàn, cũng là thời điểm cuộc hành trình lịch sử bắt đầu. 23 giờ, ngày 23/12/1969, linh cữu đặt thi hài Bác được tổ công tác đặc biệt cùng một số đồng chí cán bộ cao cấp và các bác sĩ đưa từ Bệnh viện 108 đi K9 an toàn trước khi trời sáng, không chậm phút nào so với kế hoạch.

Sau chuyến đi lịch sử ấy, ông Thinh còn nhiều lần lái chính và phụ lái cho đồng đội chở thi hài Bác về Hà Nội và ngược lại K9 cũng trong những thời khắc lịch sử không thể nào quên.

Trong trận lụt lịch sử năm 1971, ông lại vinh dự là người lái xe đưa thi hài Bác từ Hà Nội lên K9. Chuyến đi đầy khó khăn gian khổ khi trời mưa, đường lầy lội trơn trượt, chỉ còn cách K9 một quãng ngắn, đường ngập lụt xe không thể vào, mọi người phải chuyển thi hài Bác lên xe hồng thập tự, rồi đưa xe hồng thập tự lên xe lội nước mới vào được. Đây là việc cực kỳ khó khăn, đến mức khi chiếc xe vào chỗ an toàn, đồng chí Nguyễn Văn Bướng lái xe hồng thập tự đã ngất xỉu vì quá căng thẳng.

Năm 1972, do tình hình chiến sự xuất hiện những diễn biến mới, việc sơ tán thi hài Bác khỏi K9 lại được đưa ra. Ông nhận lệnh tập luyện lái xe lội nước trong 2 tháng để đưa thi hài Bác từ K9 vượt sông Đà sang Phú Thọ. Ngày lên đường, sông Đà đang mùa lũ, nước chảy xiết, cuộc hành quân rất khó khăn, nhưng cuối cùng tổ công tác đặc biệt đã đưa thi hài Bác sang Thanh Thủy (Phú Thọ) an toàn.

Những câu chuyện về người cựu chiến binh Hoàng Đình Thinh cứ như thước phim quay chậm hiện lên qua lời kể của bà Nguyễn Thị Bình. Trong ký ức của bà và các con, các cháu, ông là người chồng, người cha, người ông mẫu mực, liêm khiết, cả đời sống vì lý tưởng cách mạng. Cho đến trước lúc đi xa, điều ông tự hào, hãnh diện nhất trong cuộc đời là được tham gia vào tổ công tác đặc biệt, 6 lần chở thi hài vị lãnh tụ kính yêu.

Giờ đây trên Khu di tích lịch sử K9 vẫn còn trưng bày 3 chiếc xe của đoàn công tác đặc biệt năm ấy. Kỷ vật còn đây, nhưng người lái xe, một nhân chứng lịch sử đã ra đi mãi mãi. Nhưng chắc chắn một điều rằng, ký ức, kỷ niệm về ông vẫn và mãi được con cháu đời sau nhắc đến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét