Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

CÁCH THAM GIA HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA TÂM LINH

 

        Hoạt động tâm linh là một nhu cầu văn hóa tinh thần đặc biệt của con người, trong đó có cán bộ, đảng viên. Hơn nữa, đời sống tâm linh còn là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua mấy nghìn năm lịch sử, trở thành văn hóa tâm linh, “sợi dây neo” giữ hồn cốt dân tộc. Người cộng sản mang trong mình chủ nghĩa yêu nước, không thể thiếu “sợi dây neo” đó trong phẩm chất, tâm hồn mình. Lênin từng chỉ rõ: “Người ta chỉ có thể trở thành người cộng sản khi biết làm giàu trí óc của mình bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng tri thức mà nhân loại đã tạo ra”.

          Với tinh thần đó, người đảng viên cộng sản Việt Nam không chỉ tìm hiểu về đời sống tâm linh của dân tộc mình, mà phải thực sự tham gia một cách tích cực vào hoạt động đó, để lọc bỏ những yếu tố mê tín, dị đoan, kế thừa và phát triển văn hóa tâm linh trở thành giá trị cốt lõi của nền văn hóa mới, nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

          Các Mác từng nói rằng: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”; đó là một câu nói rất có giá trị khoa học. Thuốc phiện, nếu được sử dụng hợp lý, đúng lúc, đúng chỗ, luôn là một liều thuốc quý; nhưng nếu sử dụng thái quá, lại trở thành độc dược đối với con người.

          Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa IX của Đảng ta khẳng định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Điều 3, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2016) quy định: “1. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân”.

          Như vậy, từ đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước ta đều công nhận và bảo đảm hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, cũng là thừa nhận và tạo điều kiện cho văn hóa tâm linh hoạt động và phát triển. Về phương diện nhận thức và hành động, cán bộ, đảng viên khi tham gia đời sống tâm linh phải xem đó là hoạt động bày tỏ tình cảm thiêng liêng, niềm tin linh thiêng, là sự biết ơn của người đang sống đối với những người thân đã mất, đối với danh nhân, anh hùng liệt sĩ được nhân dân suy tôn làm thánh, làm thần, làm thành hoàng...; là sự thấu cảm về giá trị văn hóa và đạo đức của các biểu tượng tôn giáo.

          Đó là những điều tốt đẹp, cao cả mà ai cũng khát khao, trông đợi, hướng về. Đi ngược lại mục đích tốt đẹp đó, hoạt động tâm linh, buôn thần, bán thánh... để cầu “vinh thân, phì gia”, cầu chạy tội, cầu che mắt các cơ quan công quyền khi làm những việc trái pháp luật, trái đạo lý... là những hành vi đáng phê phán, cần đấu tranh, loại bỏ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét