Xác định được những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch,
Đảng và Nhà nước ban hành các chỉ thị, nghị quyết, văn bản pháp lý nhằm tăng
cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý đối với công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn
chặn nguy cơ cách mạng màu ở Việt Nam. Đặc biệt là chủ trương, chính sách về
công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, phòng và chống “diễn biến hòa bình”;
công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, xuất bản; hoàn thiện hệ thống pháp lý trong
đấu tranh với hoạt động thù địch, tăng cường quản lý nhà nước đối với các tổ
chức phi chính phủ nước ngoài và tổ chức phi chính phủ Việt Nam. Đẩy mạnh các
biện pháp ngăn ngừa hoạt động thù địch bên ngoài tạo dựng tổ chức chính trị đối
lập gây nguy cơ cách mạng màu ở Việt Nam. Nâng cao chất lượng các tổ chức, cơ
quan chức năng thực hiện nhiệm vụ vô hiệu hóa những kế hoạch, phương thức tổ
chức huấn luyện, đào tạo lực lượng hậu thuẫn, tài trợ vật chất, móc nối các đối
tượng trong nước, tạo ảnh hưởng chính trị của các đối tượng thù địch đối với
quần chúng nhân dân và với dư luận xã hội. Phối hợp chặt chẽ các cấp chính
quyền, lực lượng vũ trang cơ sở, mạng lưới nhân dân triển khai các biện pháp
nghiệp vụ, giám sát chặt chẽ các đối tượng cầm đầu, bao vây, phong tỏa, tước bỏ
điều kiện hoạt động của đối tượng thù địch.
Đồng thời, ngăn chặn, bóc gỡ,
triệt phá mọi hoạt động hình thành tổ chức đối lập ở trong nước dưới danh nghĩa
hợp tác, chương trình, dự án, tài trợ,… nhằm thúc đẩy cho ra đời ồ ạt các tổ
chức xã hội dân sự, đảng phái chính trị phản động, tranh giành ảnh hưởng, thu
hút quần chúng, gây mất niềm tin của nhân dân với chính quyền, tạo ra mâu thuẫn
dân tộc, tôn giáo và đòi độc lập. Sử dụng các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh
ngăn chặn các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề chính trị, xã hội phức tạp để
kích động thành những làn sóng chống đối cục bộ, biểu tình, bạo loạn, gây áp
lực với Đảng và Nhà nước. Tùy từng đối tượng, vụ việc để có các biện pháp kịp
thời, hợp lý để tổ chức phòng ngừa, răn đe, đấu tranh, trấn áp và xử lý nghiêm
những trường hợp vi phạm pháp luật, không để bị động, bất ngờ. Nâng cao nhận
thức, cảnh giác cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về thủ đoạn, âm mưu cách mạng
màu, nắm bắt tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân,
nhất là thế hệ trẻ, kịp thời định hướng, uốn nắn tư tưởng đúng đắn, phê phán
những biểu hiện mơ hồ, lệch lạc, a dua, bị lôi kéo, “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa”; tiếp tục quản lý có hiệu quả Luật An ninh mạng, kiểm soát mạng xã hội và
định hướng các kênh thông tin đại chúng.
Thực tiễn các cuộc cách mạng màu
đã diễn ra trên thế giới và cuộc đấu tranh phòng ngừa nguy cơ ở Việt Nam, vấn
đề đặt ra là tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững
mạnh, bảo đảm sự ổn định chính trị vững mạnh từ Trung ương đến địa phương; giữ
gìn nền quốc phòng toàn dân, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; nâng cao
tinh thần đoàn kết toàn dân; các lực lượng vũ trang luôn chủ động trước những
nguy cơ và thách thức; tăng cường vai trò quản lý báo chí, truyền thông, đặc
biệt là mạng xã hội trong việc phát tán thông tin, định hướng dư luận…
Có thể khẳng định một điều,
không có liều thuốc nào hữu hiệu bằng việc tự đề kháng và ngăn ngừa dịch bệnh
từ xa. Loại bỏ tham nhũng tiêu cực, xử lý các cá nhân cán bộ biến chất, suy
thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa là điều chúng ta bắt buộc phải làm. Làm tốt
việc này, không những đất nước phát triển giàu mạnh mà niềm tin của nhân dân
dành cho Đảng, chính quyền sẽ tăng lên. Khi nhân dân có niềm tin, họ sẽ không
dễ bị lôi kéo, kích động. Bài học ở nhiều quốc gia trên thế giới cho chúng ta
thấy rõ ràng rằng phải cảnh giác với chúng và cũng cần phải chấn chỉnh lại
chính mình./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét