Đại đoàn kết là truyền thống quý báu, được hun đúc trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam. Đồng thời, cũng là mục tiêu chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch thông qua chiến lược “Diễn biến hòa bình” nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, nghiên cứu giải pháp tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề cấp thiết hiện nay.
Trong những năm qua, mặc dù
đất nước có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, khối
đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được mở rộng, củng cố và tăng cường. Đại hội
XII của Đảng đã khẳng định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân
có đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động; phát huy ngày càng tốt hơn
vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cùng Đảng, Nhà nước
chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tham gia
xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội; thường xuyên tổ chức các cuộc
vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần tích cực vào những thành tựu
chung của đất nước”1.
Hiện nay, bối cảnh quốc tế,
khu vực và trong nước có những diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo; đan xen
cả thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn đối với sự nghiệp đổi mới nói
chung và đường lối xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc nói riêng.
Lợi dụng quá trình mở cửa, hội nhập, các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược
“Diễn biến hòa bình”, kích động tư tưởng ly khai, chia rẽ dân tộc, phá hoại
khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta; khoét sâu các mâu thuẫn, gây xung đột
xã hội, kích động nhân dân tụ tập đông người bất hợp pháp, bạo loạn, làm mất ổn
định chính trị - xã hội. Với việc làm đó, họ đang tìm cách chia rẽ Đảng, Nhà
nước với nhân dân; đối lập nhân dân với lực lượng vũ trang; chia rẽ các dân
tộc, tôn giáo, phá hoại khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp
nông dân và đội ngũ trí thức; kích động chống đối, làm suy yếu sức mạnh bảo vệ
Tổ quốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Những vấn đề đó đang là những thách thức đối với “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc
trong tình hình mới” và sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã
hội ở nước ta hiện nay.
Trong bối cảnh tình hình trên,
để tiếp tục tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cần thực hiện tốt một số
giải pháp cơ bản sau:
Trước hết, tiếp tục
đẩy mạnh tuyên truyền để các cấp, ngành, lực lượng nhận thức sâu sắc về sự cần
thiết phải tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay. Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã dạy: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của
dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết
nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”3; “Lúc nào dân
ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân
ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết,
đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi...”4. Công tác tuyên
truyền cần phải làm cho nhân dân thấm nhuần lời dạy của Người. Cùng với đó, cần
quán triệt, thực hiện quan điểm của Đảng: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường
lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền
tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do
Đảng lãnh đạo”5. Để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cần
phát huy những yếu tố tương đồng, cố gắng tìm ra mẫu số chung của mọi giai cấp,
tầng lớp; quy tụ sức mạnh của các bộ phận cấu thành dân tộc ta nhằm mục tiêu
xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ,
“dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Qua đó, để mọi người nhận
thức rõ khối đại đoàn kết toàn dân tộc bao gồm mọi người dân đang sinh sống, làm
ăn ở trong nước và ở nước ngoài có nguồn gốc là người Việt Nam, không phân biệt
là dân tộc thiểu số hay đa số, theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; không
phân biệt giàu hay nghèo, nam hay nữ, già hay trẻ, nếu “Ai có tài, có đức, có
sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”6 để
xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất “dân giàu, nước mạnh,
dân chủ, công bằng, văn minh”.
Hai là, tăng cường sự
lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và tiếp tục thể chế hóa các quan điểm,
đường lối, chính sách của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là vấn đề
có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với việc tăng cường, củng cố, phát huy vai
trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng lãnh đạo thông qua đường lối,
chính sách, Nhà nước quản lý thông qua hệ thống pháp luật, nhằm tạo cơ sở cho
sự thống nhất các lợi ích, thống nhất về ý chí và hành động của các giai cấp,
tầng lớp trong xã hội, nhất là giữa giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí
thức. Do vậy, Đảng và Nhà nước không ngừng hoàn thiện, thể chế hóa, cụ thể hóa
hệ thống đường lối, chính sách, pháp luật để “bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước
thuộc về nhân dân”7, nhân dân thực sự làm chủ, được bày tỏ nguyện
vọng của mình thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; đáp ứng yêu
cầu, nguyện vọng của nhân dân và phải được thực thi trong thực tiễn. Khắc phục
triệt để tình trạng có nơi, có lúc thực hiện không đúng, thậm chí trái ngược
với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các văn
bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách về dân tộc, tôn giáo, chính sách
xã hội phải khuyến khích, động viên, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn
dân tộc. Đồng thời, có những chính sách cụ thể, quan tâm mọi mặt đối với các
tầng lớp, giai cấp trong xã hội, nhất là chính sách đối với thương binh, gia
đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, tạo điều kiện để họ khắc phục khó
khăn, đảm bảo cuộc sống, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, v.v.
Thực sự tôn trọng và tạo điều kiện, cơ hội để nhân dân tham gia thảo luận, góp
ý những vấn đề quan trọng của đất nước; phổ biến sâu rộng và thực hiện tốt hơn
nữa Quy chế Dân chủ ở cơ sở, giải quyết tốt những vấn đề xã hội bức xúc đang
đặt ra. Cấp ủy và chính quyền các cấp phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe,
học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng
của nhân dân; tin dân và tôn trọng dân.
Ba là, giải quyết tốt quan hệ lợi ích
giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội; kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân, lợi ích
tập thể và toàn xã hội. “Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải
quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và
lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật
chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều được thụ hưởng những
thành quả của công cuộc đổi mới”8. Tăng cường bảo vệ quyền và lợi
ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất
và tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, ở vùng sâu,
vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng căn cứ kháng chiến cũ, các vùng chiến lược,
vùng tôn giáo. Trân trọng, tôn vinh những đóng góp, cống hiến của nhân dân; có
cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài của đất nước. Tôn vinh những
doanh nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước; “Xóa bỏ mọi rào
cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành
mạnh và đúng định hướng. Phát huy mặt tích cực có lợi cho đất nước của kinh tế
tư nhân…”9. Tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận
lợi cho thế hệ trẻ học tập, nghiên cứu, lao động, giải trí, phát triển trí tuệ,
kỹ năng, thể lực để cống hiến cho đất nước. Thực hiện tốt chính sách bình đẳng
giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển tài năng; hoàn thiện chính sách pháp
luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp
của các tôn giáo. Đối với đồng bào định cư ở nước ngoài, cần có chính sách hỗ
trợ bà con ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, góp phần tăng cường hợp tác
hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước; đồng thời, cần có cơ chế,
chính sách thu hút đồng bào hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng và bảo vệ đất
nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét