“Diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được Đảng ta xác định là một nguy cơ của cách mạng Việt Nam. Do vậy, đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là công cuộc “giữ nước” trong thời bình của cả hệ thống chính trị và toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là một nhiệm vụ cấp bách, diễn ra quyết liệt trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có văn hóa.
Tác động của “diễn biến
hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa
“Diễn biến hòa
bình” trên lĩnh vực văn hóa là sự chuyển hóa văn hóa, đạo đức, lối sống xã hội
chủ nghĩa theo quỹ đạo và các giá trị không phù hợp, từ đó làm biến đổi theo
chiều hướng tiêu cực, làm tha hóa con người, dẫn tới biến chất xã hội.
Thời gian qua,
nhiều biểu hiện của “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” xuất
hiện trong đời sống, ở các tầng lớp xã hội. Đó là hiện tượng suy đồi đạo đức,
gia tăng lối sống vị kỷ, sự vô cảm, tâm lý cũng như hành động sùng ngoại... Đặc
biệt, với sự phổ biến của các phương tiện truyền thông mới, trên mạng xã hội,
một bộ phận giới trẻ đã có nhiều lời nói, hành động, thái độ cổ xúy cho những
biểu hiện lệch lạc trong lối sống. Tệ nạn mê tín dị đoan, việc lợi dụng tín
ngưỡng, tâm linh, ngoại cảm để trục lợi, các hủ tục, nhất là trong việc cưới,
việc tang, lễ hội… có chiều hướng gia tăng. Trong sáng tác, biểu diễn, phổ biến
các tác phẩm văn học, nghệ thuật có không ít tác phẩm và hoạt động chưa thể
hiện được tính tiên tiến và bản sắc dân tộc. Dù số lượng tác phẩm văn học, nghệ
thuật xuất hiện ngày một nhiều, song còn ít tác phẩm đạt đỉnh cao, tương xứng
với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc và thành tựu của công cuộc đổi mới.
Trong một số tác phẩm, lý tưởng xã hội, thẩm mỹ chưa rõ nét. Một số tác phẩm có
nội dung tư tưởng lệch lạc, thiên về khai thác những mặt tiêu cực, thậm chí phủ
nhận quá khứ hào hùng của dân tộc cũng như xuyên tạc sự thật lịch sử. Không ít
tác phẩm còn thể hiện sự dễ dãi, chiều theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận
công chúng. Một bộ phận văn nghệ sĩ tỏ ra lúng túng trong tiếp cận, nhận thức
về những biến đổi và những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống hiện đại, có
biểu hiện lệch lạc trong khuynh hướng sáng tác và biểu diễn. Một số tác phẩm và
sản phẩm có biểu hiện bắt chước, mô phỏng, chạy theo hình thức và các thủ pháp
mới, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc. Tính giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho
giới trẻ chưa được quan tâm đúng mức và chưa thực sự có hiệu quả. Trước tình
hình này, văn hóa được Đảng và Nhà nước xác định là lĩnh vực quan trọng trong
công tác đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, trong đó xây dựng đạo đức, lối
sống con người Việt Nam là một trong những nội dung thiết yếu.
Đấu tranh phòng, chống
âm mưu “diễn biến hòa bình” và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
trên lĩnh vực văn hóa hiện nay
Xây
dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam là một trong những nội dung quan
trọng nhằm phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình”. Trong những năm qua, đã có
nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác xây dựng đạo đức, lối sống được
ban hành và triển khai thực hiện, như Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày
16-7-1998, của Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm
đà bản sắc dân tộc”; Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 12-1-1998, của Bộ
Chính trị khóa VIII về “Thực
hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”; Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 27-7-2010,
của Ban Bí thư về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, gây
hủy hoại đạo đức xã hội”; Chỉ
thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập
và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết số
33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây
dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền
vững đất nước”. Trong đó, đặc biệt, Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã ban
hành Nghị quyết số
04-NQ/TW, ngày 30-10-2016, về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn
Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,
những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, xác định sự
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là bước chuyển trực tiếp đến
“diễn biến hòa bình”, làm “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng.
Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Đảng ta nhấn mạnh, cần chủ động chuẩn
bị các phương án, biện pháp cụ thể, sát với tình hình; xây dựng lý luận sắc bén
để đấu tranh, phản bác có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên
tạc nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối lãnh đạo của Đảng, Hiến pháp, pháp
luật của Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nghị
quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã giúp cán bộ,
đảng viên và nhân dân tự soi, tự sửa và giám sát người khác; qua đó góp phần
đấu tranh phòng, chống đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm, tránh chung
chung. Thực trạng “vi phạm của một bộ phận cán bộ, đảng viên” chưa được ngăn
chặn, đẩy lùi kịp thời đã ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào đội ngũ cán
bộ, đảng viên. Đây cũng là điểm cơ bản mà các thế lực thù địch lợi dụng để bôi
nhọ, nói xấu chế độ ta.
Để đấu tranh
chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, trên cơ sở các chủ trương, đường lối của
Đảng về xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch đã chủ động tham mưu và ban hành, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp
luật, như tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số
11/CT-TTg, ngày 29-3-2017, về “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống
trong gia đình”; Chỉ thị số 05/CT-TTg, ngày 9-2-2018, của Thủ tướng Chính
phủ về “Đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới,
việc tang”; Nghị định số 110/2018/NĐ-CP, ngày 29-9-2018, “Quy
định về quản lý và tổ chức lễ hội”; Nghị định số 122/2018/NĐ-CP, ngày
17-9-2018, “Quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn
văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa””…
Cùng với việc ban
hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng triển
khai xây dựng các đề án, đề tài, hội thảo khoa học để nghiên cứu những giá trị
văn hóa tốt đẹp cần phát huy và những hủ tục, những biểu hiện văn hóa lai căng,
không phù hợp cần được loại bỏ nhằm hướng tới xây dựng môi trường văn hóa lành
mạnh, góp phần hình thành nhân cách con người Việt Nam, như các đề án, đề tài
về tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam; vai trò của
hương ước, quy ước đối với xây dựng đạo đức lối sống hiện nay; bộ tiêu chí ứng
xử trong gia đình; xây dựng mô hình cưới văn minh tiết kiệm, phù hợp với phong
tục, tập quán; văn hóa ứng xử trong lễ hội…
Bên cạnh đó, Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam, các bộ, ngành, các tổ chức đoàn thể triển khai nhiều hoạt động thực tiễn;
phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức các đợt phát động sáng tác
tranh cổ động, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị được giao; tổ chức thực
hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”;
phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong
trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý,
nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện
nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện,
nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, góp phần xây dựng con người Việt Nam yêu
nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo; phối hợp với
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng đời sống văn hóa trong công nhân,
viên chức, lao động... Phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí
Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng chương trình đẩy mạnh các hoạt động
tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nam, nữ thanh niên về trách nhiệm
xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, nhằm góp phần nâng cao hiểu biết,
ý thức trách nhiệm cho thanh, thiếu niên về giáo dục, đạo đức, lối sống trong
gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng gia đình no ấm; xây dựng
con người tiến bộ, hạnh phúc, có lòng yêu nước, có tri thức, kỹ năng nghề
nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ
đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phối hợp với Bộ Thông tin và
Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung ương Đoàn
Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam... triển khai
các chương trình phối hợp trong xây dựng đạo đức, lối sống trong các lĩnh vực,
địa bàn công tác có liên quan; phát huy hiệu quả phối hợp giáo dục của 3 môi
trường “gia đình - nhà trường - xã hội”; nâng cao hiệu quả phong trào “Toàn dân
đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cũng như hiệu quả công tác quản lý và tổ
chức lễ hội…
Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch cũng lồng ghép, triển khai các nội dung tuyên truyền thực hiện
nếp sống văn minh trong việc việc cưới, việc tang và lễ hội với các phong trào
khác, như phong trào xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng gia đình nông dân
sản xuất giỏi, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; đồng
thời tổ chức thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ cấp bộ “Xây dựng và
phát triển văn hóa, con người Việt Nam trước tác động của phương tiện truyền
thông mới” gồm 8 đề tài; thực hiện đề tài khoa học cấp quốc gia “Hệ giá trị văn
hóa và hệ giá trị con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại
hóa và hội nhập quốc tế”; thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Phát huy vai
trò của hương ước, quy ước trong xây dựng đạo đức, lối sống trong giai đoạn
hiện nay”; triển khai thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc
người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 gắn với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện
thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược
phát triển gia đình Việt Nam; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo
đức, lối sống trong gia đình gắn với chủ đề “Xây dựng nhân cách người Việt Nam
từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”.
Nhìn
chung, các văn bản, chỉ thị về văn hóa được ban hành kịp thời, phát huy được
những hiệu quả, hiệu lực quản lý nhất định, góp phần đề cao vai trò của văn hóa
trong đời sống xã hội. Nhiều giá trị, chuẩn mực văn hóa đã trở thành hiện thực
trong đời sống, trở thành nền nếp, tạo ra những giá trị mới phù hợp với truyền
thống văn hóa dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, đồng thời, góp phần
thúc đẩy, vận động quần chúng nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm, phát huy
tinh thần xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam trong tình hình mới, đẩy
lùi âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm thay đổi hệ giá
trị văn hóa Việt Nam bằng “hệ giá trị văn hóa tư sản”. Nền văn hóa truyền
thống, cách mạng giữ gìn được bản sắc dân tộc, phát huy được giá trị tinh hoa
trong quá trình đổi mới và hội nhập. Với các chủ trương, đường lối kịp thời của
Đảng và Chính phủ, đời sống mọi mặt của đất nước ổn định, phát triển bền vững,
mối đoàn kết toàn dân tộc được giữ vững.
Tuy
nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, trên lĩnh vực văn hóa. công tác xây dựng
đạo đức, lối sống con người Việt Nam còn có hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu
đặt ra. Đặc biệt, trong bối cảnh mới, những tác động của cơ chế thị trường đã
làm thay đổi các giá trị xã hội, định hướng chuẩn mực đạo đức trong mỗi con
người. Nhiều giá trị truyền thống, đạo đức nghề nghiệp, lối sống tốt đẹp của
dân tộc bị biến đổi, mai một, thậm chí bị lấn át bởi quan hệ kinh tế, lợi
nhuận. Hệ giá trị mới với các chuẩn mực cụ thể về đạo đức, lối sống chưa được
tập trung xây dựng; những giá trị mới hình thành chưa bền vững nên chưa có tác
động tích cực đối với định hướng giá trị nhân cách con người. Sự phối hợp giữa
gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống chưa đồng bộ;
sự kết hợp giữa giáo dục đạo đức và pháp luật chưa tốt; sức mạnh tổng hợp của
cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc tham gia xây dựng đạo đức, lối
sống con người Việt Nam chưa được phát huy. Tình trạng lai căng sùng ngoại, coi
thường giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, các tệ nạn xã hội và
sự xâm nhập các sản phẩm, dịch vụ độc hại, chủ nghĩa cá nhân vị kỉ, đang làm
ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống, nhất là giới trẻ hiện nay. Hoạt động đấu
tranh phê phán, phản bác các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch trong hoạt
động báo chí, truyền thông, xuất bản, văn hóa, nghệ thuật có lúc còn thiếu sắc
bén, thiếu tính thuyết phục và tính chiến đấu. Việc ngăn chặn sự suy thoái về
chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên,
nhân dân, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn chưa thực sự hiệu
quả, kịp thời.
Vì
thế, để bảo vệ nền tảng tư tưởng và vai trò lãnh đạo của Đảng, việc tăng cường
đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội
chính trị là đòi hỏi khách quan, là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, đồng thời cũng
là nhiệm vụ thường xuyên, cơ bản, lâu dài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét