Thứ Bảy, 9 tháng 9, 2023

 CÁN BỘ SỢ TRÁCH NHIỆM - “CĂN BỆNH”

CẦN CHỮA TRỊ NGAY (kỳ 1)

Tác giả: Trần Nam Cường

Cán bộ sợ trách nhiệm - vấn đề nóng hiện nay

Trải qua các thời kỳ cách mạng, đội ngũ cán bộ của Đảng ta cơ bản luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, dám xả thân vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, hầu hết đội ngũ cán bộ giữ vai trò tiên phong trong chiến đấu, luôn giành phần khó khăn, gian khổ nhất về mình, sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong thời kỳ trước đổi mới, không ít cán bộ dám đổi mới sáng tạo, đột phá vì lợi ích chung, dám “xé rào” để phát triển kinh tế, xã hội cho địa phương. Trong thời kỳ đổi mới, tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ tiếp tục được phát huy, tạo nên những đột phá mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Nói về trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá: “Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã đề cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống; gương mẫu đi đầu, tận tụy với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” . Đây là cơ sở vững chắc để cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến nhanh, tiến mạnh theo con đường xã hội chủ nghĩa, làm cho cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ “chưa nêu cao ý thức trách nhiệm trước tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân” ; có hàng vạn tập thể, cá nhân bị xử lý trách nhiệm trong những năm qua .

Và thời gian gần đây, câu chuyện “cán bộ sợ trách nhiệm” lại nóng lên, được bàn thảo nhiều trên các diễn đàn, được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước phê bình, nhắc nhở, chấn chỉnh nhiều lần trong các cuộc họp, các văn bản chỉ đạo.  

Ngày 19/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 280/CĐ-TTg để chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. Công điện nêu rõ: “Trong thời gian gần đây, thực tế ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền; có trường hợp đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các bộ, cơ quan khác” . 

Ngày 17/5/2023, phát biểu bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc đến tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Đánh giá hạn chế, khuyết điểm trong nửa đầu nhiệm kỳ, Đồng chí thẳng thắn phê bình: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại, diễn biến phức tạp, không thể chủ quan, lơ là” . Nhận định những khó khăn, thách thức lớn từ nay đến hết nhiệm kỳ, Tổng Bí thư chỉ rõ: “Việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ vẫn là khâu yếu; kỷ luật, kỷ cương ở nhiều nơi chưa nghiêm, thậm chí còn có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; cái gì có lợi thì kéo về cho cơ quan, đơn vị và cá nhân mình; cái gì khó khăn thì đùn đẩy ra xã hội, cho cơ quan khác, người khác” .

Ngày 22/5/2023, phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đề cập đến việc cần đề ra các giải pháp khắc phục hạn chế trong phát triển về kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “nhất là có giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ” .

Ngày 28/6/2023, tại buổi tiếp xúc cử tri thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết, Đảng, Nhà nước chủ trương: “Cổ vũ, bảo vệ, khuyến khích sự năng động, dám nghĩ, dám làm của tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp trong công việc chung; đồng thời cũng xử lý nghiêm những cán bộ có tư tưởng bàn lùi, né tránh, sợ trách nhiệm, muốn an toàn theo kiểu không làm gì hết” .

Đây là thực trạng rất đáng lo ngại, tác động tiêu cực đến sự vận hành của hệ thống cơ quan, tổ chức và trong thực thi công vụ. Nó làm cho công việc bị chậm chễ, ách tắc; nhiều cơ hội đầu tư bị bỏ lỡ; nhiều công trình bị triển khai chậm tiến độ; nhiều nguồn vốn đầu tư công không được giải ngân đúng kế hoạch; nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội không được giải quyết kịp thời… Đặc biệt, người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương sợ trách nhiệm sẽ làm cho cán bộ, nhân viên thuộc quyền thiếu niềm tin, thiếu nhiệt huyết, làm việc cầm chừng, không muốn cống hiến; bởi họ có tham mưu, đề xuất, hiến kế những ý tưởng, cách làm mới, sáng tạo, đột phá cũng không được người lãnh đạo, quản lý của mình ghi nhận, ra quyết định triển khai trên thực tế. Rộng hơn, cán bộ sợ trách nhiệm sẽ làm giảm sút năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; làm cản trở sự phát triển của đất nước; làm sa sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; kéo theo là nguyên cớ để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta. 

Trong bài viết “Bệnh sợ trách nhiệm” đăng trên Tạp chí Cộng sản số 11/1973, với bút danh “Người xây dựng”, đồng chí Nguyễn Phú Trọng viết: “Thái độ sợ trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên đang là một trở ngại cho công tác của Đảng và Nhà nước, làm cho công việc bị trì trệ, dậm chân tại chỗ, làm cho những nhân tố mới không phát huy được, những khuyết điểm và nhược điểm không được khắc phục kịp thời, và làm cho trình độ, năng lực công tác của cán bộ chậm được nâng cao” . Bài viết cách đây 50 năm, nhưng đến nay tính thời sự của nó vẫn còn rất nóng bỏng, đòi hỏi mỗi cán bộ cần đọc, cần học, soi rọi và sửa chữa, nhất là những cán bộ mà trong mình vẫn mang “mầm bệnh” sợ trách nhiệm.

Sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu trách nhiệm là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị là: “né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả” . Và, một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống là: “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân” . Đó chính là sự suy thoái kép.

Vì vậy, sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, ở những cấp độ khác nhau, đều rất nguy hại, tác động tiêu cực đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cán bộ sợ trách nhiệm - những nguyên nhân chủ yếu

Có nhiều nguyên nhân làm cho một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan chủ yếu đến từ những tác động của mặt trái cơ chế thị trường, khi mà ở đó, của cải, vật chất, tiền bạc được đề cao, là lợi ích tối thượng của các chủ thể kinh tế; lối sống thực dụng, vị kỉ, thờ ơ, vô cảm có điều kiện tồn tại và lây lan. Cán bộ sống và làm việc trong môi trường đó, nếu thiếu bản lĩnh, thiếu tu dưỡng, rèn luyện thì khó tránh khỏi những tác động tiêu cực về mặt tâm lý, tư tưởng, lối sống và kéo theo là sự tính toán lợi ích cá nhân trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ. 

Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là chính. Hãy xem xét nó trên hai góc độ: cá nhân và tổ chức.

Đối với cá nhân, sợ trách nhiệm chủ yếu là do cán bộ thiếu bản lĩnh, hoặc thiếu tu dưỡng phẩm chất đạo đức, hoặc thiếu năng lực, hoặc sa vào chủ nghĩa cá nhân.

Vì thiếu bản lĩnh mà cán bộ thiếu dũng khí đấu tranh, không dám nói ra chính kiến của mình, nhất là trong sinh hoạt lãnh đạo, tự phê bình và phê bình, vì sợ nói ra lỡ có “động chạm” sẽ bị đồng nghiệp, đồng chí của mình không ưa, không ủng hộ; thế nên chọn cách “dĩ hòa vi qúy”, “gió chiều nào theo chiều ấy”. Vì thiếu bản lĩnh mà cán bộ không dám làm, vì sợ làm sai sẽ ảnh hưởng đến chức vụ công tác của mình; thế nên chọn cách làm theo một cách máy móc những gì cấp trên chỉ đạo, không cần đột phá, đổi mới, sáng tạo. Và đương nhiên, vì thiếu bản lĩnh mà cán bộ không dám chịu trách nhiệm, không dám đương đầu với khó khăn, thử thách.  

Vì thiếu tu dưỡng phẩm chất đạo đức mà cán bộ dễ nảy sinh thái độ thờ ơ, vô cảm trước những vấn đề khó khăn, bức xúc của tập thể, của xã hội, của nhân dân. Từ đó, dẫn đến tình trạng phó thác, ỷ lại cho tổ chức, cho cấp trên, thiếu đôn đốc, kiểm tra, không sâu sát cơ sở, xa rời quần chúng. Vì thiếu tu dưỡng phẩm chất đạo đức mà cán bộ thiếu đi liêm sỉ, không có lòng tự trọng khi đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thấy hổ thẹn khi bản thân trách nhiệm thấp, không hoàn thành hoặc hoàn thành nhiệm vụ ở mức thấp.

Khi cán bộ hội tụ đầy đủ bản lĩnh, phẩm chất đạo đức nhưng lại thiếu năng lực, hay nói cách khác năng lực không đáp ứng với yêu cầu chức trách, nhiệm vụ được giao, thì cũng dễ dẫn đến sợ trách nhiệm. Bởi thiếu năng lực nên trước mỗi công việc, nhất là việc khó, việc mới, cán bộ không biết quyết định thế nào cho đúng, triển khai thế nào cho hiệu quả; làm gì cũng sợ sai, sợ bị phê bình, chất vấn; thế nên đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, nơi khác trở thành giải pháp an toàn. Có thể nói, cán bộ thiếu năng lực so với yêu cầu đòi hỏi của cương vị công tác sẽ dẫn đến thiếu quyết đoán, mặc dù có đầy đủ bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm. Vừa qua, nhiều cán bộ đã bị kết án do “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” mà khung hình phạt tù lên đến 12 năm theo Điều 360 Bộ luật hình sự. Có bị cáo khai trước tòa do không đủ năng lực quản lý nên để xảy ra hậu quả nghiêm trọng mà bản thân không lường trước được. Tình hình ấy, xét ở chừng mực nào đó, nó làm cho không ít cán bộ thiếu năng lực công tác trở nên sợ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm. 

Nguyên nhân chủ yếu làm cho cán bộ sợ trách nhiệm chính là chủ nghĩa cá nhân. Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đánh giá, một bộ phận cán bộ, đảng viên “sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân” . Những cán bộ mang trong mình chủ nghĩa cá nhân thường có biểu hiện: trước mỗi quyết định, mỗi việc làm, họ luôn tính toán được gì, mất gì cho bản thân; việc dễ, thuận lợi thì xung phong đi đầu, gặp khó khăn thì né tránh; khi thành công thì tranh phần, lúc thất bại thì đổ lỗi; được lợi cho bản thân thì hăng hái làm, không có lợi cho bản thân thì thoái thác, đùn đẩy. Họ thường so bì thiệt hơn: làm đúng được lợi cho tập thể, làm sai cá nhân mình chịu trách nhiệm chính. “Làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai” tưởng chừng chỉ là cách nói trào phúng, nhưng lại trở thành phương châm sống và làm việc của không ít cán bộ, nhất là những cán bộ chỉ lo vun vén lợi ích cá nhân, chỉ chăm chăm giữ cho chắc “cái ghế” của mình. 

Đối với tổ chức, cán bộ sợ trách nhiệm là do tổ chức làm chưa tốt công tác cán bộ; do tổ chức chưa có cơ chế, chính sách hữu hiệu để phát huy cán bộ, bảo vệ cán bộ tốt và kiểm tra, giám sát, phê bình, xử lý cán bộ sai phạm. 

“Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị”  là quan điểm đúng đắn, nhất quán của Đảng ta. Làm tốt công tác cán bộ sẽ làm cho đội ngũ cán bộ của Đảng ngày càng vững mạnh, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác cán bộ ở nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu của Đảng và mong muốn của nhân dân. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, mặc dù đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn không ít trường hợp chưa phản ánh đúng thực chất. Việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử có nơi chưa bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, cá biệt có nơi bố trí người nhà, người thân chưa đủ uy tín” .

Những hạn chế, tiêu cực trong công tác cán bộ làm cho việc bố trí cán bộ không tương xứng với cương vị công tác cả về phẩm chất và năng lực, trách nhiệm và uy tín, “tâm” và “tầm”. Công việc đảm nhiệm vượt quá khả năng thực tế của cán bộ sẽ làm cho cán bộ sợ chính công việc được giao đảm nhiệm. Trường hợp cán bộ do “chạy chức”, “chạy quyền” mà có được chức vụ công tác, thì một mặt công tác cán bộ đã phát sinh tiêu cực, một mặt cán bộ ấy đã vướng vào chủ nghĩa cá nhân. Suy cho cùng, sợ trách nhiệm cũng theo đó mà sinh ra.

Tổ chức không có cơ chế, chính sách hoặc cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh để phát huy cán bộ, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm và kiểm tra, giám sát, phê bình, xử lý cán bộ thiếu trách nhiệm cũng là một trong những nguyên nhân làm cho cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Làm việc trong một tổ chức, cán bộ luôn mong muốn kết quả, thành tích làm việc của mình được tổ chức ghi nhận, đánh giá đúng. Khi cán bộ luôn nỗ lực công tác, năng động, sáng tạo, hành động vì lợi ích chung, nhưng không được cấp trên, tổ chức ghi nhận, bảo vệ những cống hiến của họ, thì tất yếu sẽ làm cho sự nỗ lực ấy bị bào mòn. Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Chính sách cán bộ chưa thực sự tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc” . Đây vừa là hạn chế trong công tác cán bộ, vừa là một trong những nguyên nhân làm cho cán bộ giảm sút ý chí và tinh thần trách nhiệm. 

Mặt khác, tổ chức chưa có các cơ chế, chính sách đủ mạnh trong kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực; chưa phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm trong giải quyết công việc; chưa có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm; việc thực hiện miễn nhiệm, từ chức chưa được thực hiện quyết liệt. Việc đấu tranh tự phê bình và phê bình đối với biểu hiện sợ trách nhiệm trong cán bộ chưa được thực hiện thường xuyên trong các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Từ đó, làm cho những cán bộ sợ trách nhiệm, thiếu trách nhiệm vẫn tiếp tục yên vị trên “ghế” của mình; làm cho tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm vẫn tiếp tục có cơ hội tồn tại.




1 nhận xét: