Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2023

 

CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945 – KỶ NGUYÊN MỚI

CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM

 

Lẽ ra tôi không viết bài với tựa đề này, vì ý nghĩa và tầm vóc vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám đã có rất nhiều bài viết đã khẳng định, ngay cả những người ở phía bên kia cũng phải thừa nhận. Tuy nhiên, tình cờ tôi đọc được một bài báo trên mạng viết về nội dung cuộc phỏng vấn của một nhà báo Trần Quang Thành (mà cũng chẳng biết nhà báo này của báo nào, ông ấy là ai) với ông Nguyễn Gia Kiểng (một nhân vật tôi đã biết tường tận về thân thế và nghề nghiệp của ông ta) qua một số bài viết của ông ấy gần đây.

 

Trước hết, xin được nói với ông Kiểng thế này: bài phỏng vấn của ông với nhà báo Quang Thành được thực hiện ở nước ngoài và gửi về Việt Nam, nếu như bài phỏng vấn này diễn ra trên đất Việt Nam, ông và ông nhà báo đó còn ngồi ở Việt Nam chắc giờ cũng chẳng cần gì nói thêm với các ông nữa, vì các ông đã không dám bước ra khỏi cửa hoặc là đã không còn tồn tại.

 

Thứ hai, điều mà tôi muốn nói với 2 ông là bài phỏng vấn này chẳng có giá trị gì về mặt lý luận cũng như chẳng có tác dụng đối với mỗi con người Việt Nam hiên nay, bởi vì lời lẽ của các ông chỉ mang tính “hằn học”, “xáo rỗng”, “vu khống”, mà dân Việt Nam lại rất ghét cách nói năng, giao tiếp kiểu đấy. Đến con gái tôi năm nay mới học lớp 5, khi tình cờ đọc bài báo này tôi để trên bàn làm việc, nó còn hỏi tôi hai ông này là ông nào mà viết chẳng đúng với lịch sử gì cả? Tại sao các ông ấy viết thế mà cũng được đang báo? Thôi đấy là chuyện của con trẻ. Bài báo viết ra mà đến con trẻ cũng “không tiêu hóa” được thì xin thưa với các ông là bài báo đó chẳng có ý nghĩa đối với mỗi con người Việt Nam, chỉ tốn giấy mực và lao tâm khổ tứ thôi. Có lẽ tôi khuyên các ông hiện còn tí sức lực thì giữ gìn để mà sống, để mà hấp hối kẻo đến lúc chết lại không nhắm được mắt vì sức lực kiệt quệ rồi !!!

 

Nói về Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chính các ông cũng đã phải thừa nhận đó là một cuộc cách mạng. Từ lời phỏng vấn đến câu trả lời của ông Kiểng đều gọi đó là một cuộc cách mạng. Cách mạng có hàm ý là thay cũ, đổi mới tốt đẹp hơn. Nếu như không có cuộc Cách mạng đó thì thử hỏi Việt Nam có nền độc lập không, toàn thể nhân dân Việt Nam có cuộc sống tự do, ấm no hạnh phúc không hay vẫn phải chìm trong cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân vẫn phải chịu kiếp ngựa trâu, làm nô lệ.

 

Những lời các ông viết trong bài phỏng vấn đó chứng tỏ một điều là các ông chẳng hiểu gì về người cộng sản, lý tưởng cộng sản, không hiểu gì về những người cộng sản Việt Nam. Mục tiêu của cuộc Cách mạng Tháng Tám đã rõ như ban ngày trong lịch sử dân tộc Việt Nam, thế mà các ông cứ cố tình xuyên tạc, cố tình không hiểu. Một cuộc cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, được nổ ra và giành thắng lợi trọn vẹn ở một nước thuộc địa thực sự là một cuộc cách mạng vô sản kiểu mẫu. Cuộc cách mạng đó chỉ có mất đi xiềng xích, mất đi sự cơ cực lầm than, khốn cùng của nhân dân Việt Nam. Các ông là người Việt, chắc cũng đã nghiên cứu và biết được lịch sử của dân tộc Việt Nam và chắc cũng thấu hiểu sự nhục nhã của người dân mất nước, mất độc lập, chịu sự đô hộ của thực dân phong kiến.

 

Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, đến đầu thế kỷ XX, về cơ bản, thực dân Pháp đã áp đặt xong chế độ thống trị ở Việt Nam. Lúc này, các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam liên tục nổ ra. Nhưng do nhiều nguyên nhân và nhất là do thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn nên các phong trào đó không giành được thắng lợi. Thất bại của phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX chấm dứt thời kỳ đấu tranh chống xâm lược theo hệ tư tưởng phong kiến. Phong trào nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo còn kéo dài đến đầu thế kỷ XX cũng bị thất bại. Đầu thế kỷ XX có những tác động mới vào con đường đấu tranh và phát triển của dân tộc. Đó là con đường Duy Tân (1868), tư tưởng của cách mạng tư sản Pháp (1789) và những tư tưởng cải cách của cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc (1911). Một số sĩ phu yêu nước đã tiếp thu tư tưởng này, mong muốn giành độc lập cho dân tộc và phát triển đất nước theo con đường cải cách. Khuynh hướng của Hội Duy Tân do Phan Bội Châu sáng lập và lãnh đạo là đi theo con đường của Nhật Bản để đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập. Chủ trương của Phan Chu Trinh là theo hướng cải cách dân chủ tư sản, muốn dựa vào Pháp để xoá bỏ chế độ phong kiến. Những người khác như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội nhằm cổ động tinh thần yêu nước chống Pháp, khuyến khích cải cách, đả kích chế độ phong kiến. Phong trào chống thực dân Pháp của Việt Nam Quốc dân Đảng cũng thể hiện tinh thần yêu nước, kết thúc bằng thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX thể hiện đậm nét tinh thần dân tộc, song đường lối chính trị không rõ ràng, do đó không tập hợp và thống nhất được lực lượng dân tộc chống đế quốc.

 

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, với đường lối cách mạng đúng đắn, Đảng đã tập hợp được đông đảo mọi giai cấp, mọi tầng lớp đứng lên làm cách mạng. Sau 15 năm chuẩn bị, trước thời cơ cách mạng ngàn năm có một, Đảng đã lãnh đạo toàn dân đứng lên làm cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công. Cách mạng Tháng Tám 1945 là bước nhảy vọt lịch sử vĩ đại, đánh dấu sự thay đổi cực kỳ to lớn trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, đã mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam; nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước. Thắng lợi đó đã đập tan sự thống trị của thực dân Pháp trong 87 năm, lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế mấy nghìn năm. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến trở thành nước độc lập, một nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, hệ thống chính quyền cách mạng ở các cấp được thành lập và củng cố trên phạm vi cả nước, trực tiếp lãnh đạo nhân dân xây dựng cuộc sống mới và bảo vệ thành quả cách mạng.

 

Theo như các ông cho rằng, Cách mạng Tháng Tám là cuộc bạo động chính trị, với mục đích mang lại quyền lợi cho những người cộng sản Việt Nam. Và theo như các ông không cần tiến hành Cách mạng Tháng Tám 1945 thì Việt Nam cũng sẽ có độc lập? Một số nước châu Phi, Mỹ La tinh có cần cách mạng đâu? Sao các ông lại thiển cận về chính trị đến thế. Chính nhờ Cách mạng Tháng Tám đã phá tan một mắt xích quan trọng và thúc đẩy sự tan rã không thể cứu vãn của hệ thống thuộc địa, mở đầu quá trình sụp đổ của chế độ thực dân cũ tàn bạo, cỗ vũ nhân dân các dân tộc thuộc địa đấu tranh tự giải phóng, giành độc lập, tự do. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 đã góp phần cỗ vũ phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh; thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ cả chiều rộng lẫn chiều sâu, tấn công vào hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc thực dân. Từ 1945 đến 1960 ở châu Á và châu Phi, hàng loạt nước đã giành được độc lập thông qua nhiều con đường khác nhau. Riêng năm 1960 đã có 17 quốc gia châu Phi giành được độc lập, được gọi là năm châu Phi. Đến cuối thập kỷ 60 của thế kỷ XX đã có hơn 50 nước trên thế giới giành được độc lập dân tộc. Hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ bị sụp đổ hoàn toàn.

 

Xét về động cơ, mục tiêu của cuộc cách mạng, lực lượng tham gia cách mạng, phương thức tiến hành cách mạng, có thể khẳng định với các ông một điều là Cách mạng Tháng Tám 1945 thực sự là một cuộc cách mạng vô sản kiểu mẫu, một cuộc cách mạng để phát triển, cách mạng vì sự tiến bộ của loài người.

 

Cuối cùng, tôi chỉ muốn nói với các ông một điều là: còn nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đang hằn học trước sự phát triển của Việt Nam như hiện nay, và chúng tôi còn đọc được nhiều bài viết xuyên tạc mạnh hơn, chống phá mạnh hơn bài phỏng vấn của các ông, nhưng cũng chẳng có ý nghĩa gì đối với mỗi con người Việt Nam, khi mỗi con người Việt Nam có lòng tự hào dân tộc thì những bài viết như của các ông chẳng có nghĩa lý gì. Thực tế bao giờ cũng là thực tế, chân lý, lẽ phải bao giờ cũng chiến thắng, cái gì nó là thực tế, là chân lý thì các ông nên tôn trọng nó, đừng có bẻ cong chân lý, bẻ cong thực tế có ngày chính thực tế, chính lẽ phải quay lại phản các ông đấy. Các ông còn chút sức khỏe nên giữ lại mà sống, đừng hằn học, tức tối làm gì. Nếu có dịp mời các ông về thăm lại đất nước và con người Việt Nam hiện nay thì các ông mới hiểu và ân hận về những nhận thức sai lầm của các ông. Nhân dân Việt Nam luôn có lòng nhân ái,khoan dung, độ lượng, không thù hằn gì các ông đâu, các ông đừng sợ khi về Việt Nam. Chân lý bao giờ cũng thuộc về lẽ phải của những người Việt Nam yêu nước chân chính./.

1 nhận xét:

  1. Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9/1945 không chỉ là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc mà còn là sự kiện mang tầm vóc thời đại, có ý nghĩa quốc tế sâu sắc.

    Trả lờiXóa