Thứ Ba, 19 tháng 9, 2023

CẦN CHO LỚP TRẺ HIỂU BIẾT ĐÚNG VỀ LỊCH SỬ

 

Một ông bố khi xem sách giáo khoa lịch sử của con mình đến trang có mục liệt kê “các nhà chính trị, nhà hoạt động văn hóa, khoa học nổi tiếng” của Việt Nam thấy có nêu tên Trương Vĩnh Ký ngang hàng với các tên tuổi lớn như: Tô Hiến Thành, Chu Văn An, Hải Thượng Lãn Ông, Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát, Đặng Văn Ngữ, Trương Định Của, Trần Đại Nghĩa, Văn Cao, Tô Ngọc Vân, …. Ông bố này đã dùng bút khoanh tên Trương Vĩnh Ký lại và ghi bên lề sách rằng: “Khi con học đến bài này thì con loại bỏ kẻ mà bố đã khoanh ô nhé, giặc đấy con. Con nên phát biểu trước lớp là: ông ta đã nhiều lần viết thư cầu viện nước Pháp xâm lược, giày xéo dân tộc Việt Nam ta. Ông ta không xứng đáng được nêu danh cùng các vị anh hùng đất nước kia. Sách họ in nhầm tên ông đấy”. Đây là một minh chứng lớn về việc rất cần sửa sai, “nhặt sạn” trong sách giáo khoa lịch sử và rất cần cho học sinh phổ thông học sử. Nhưng có lẽ số phận của môn sử vẫn chưa trải qua được các “kiếp nạn”, lúc là môn tự chọn sau thành môn tự chọn bắt buộc nhưng xin ý kiến bởi đủ thứ lo ngại, có hay không bắt buộc thi môn lịch sử, v.v.... 

Cũng như nhiều nước tiên tiến trên thế giới hiện nay, ở Mỹ, nơi vốn được cho là thiên đường của tự do, dân chủ vẫn yêu cầu phải dạy môn lịch sử ở các trường tiểu học. Và khoảng 3/4 trường trung học yêu cầu phải học môn sử mới đủ điều kiện tốt nghiệp. 46 bang có luật yêu cầu dạy lịch sử ở cấp trung học …. Lịch sử không phải chỉ là kiến thức mà đó là nguồn cội của một quốc gia, một dân tộc. Học để hiểu rõ về những giá trị của hòa bình, của tự do và của thống nhất. Thứ mà những lớp trẻ - những người nắm giữ vận mệnh của đất nước không hề chứng kiến và được cảm nhận trong dòng chảy thời gian của lịch sử. Thế nên, thay vì loay hoay bàn cãi, tại sao không dành thời gian, nguồn lực cần thiết để tạo ra một hệ thống giáo trình, sách giáo khoa lịch sử thật đúng đắn, chuẩn xác, có thể kết nối dòng chảy quá khứ vào tương lai một cách sinh động nhất. Để những đứa trẻ ngày hôm nay hiểu rằng, vì sao Trương Vĩnh Ký bị xem là giặc, chứ không phải vì bố chúng nói vậy!

Petrus Trương Vĩnh Ký (1837-1889), tên hồi nhỏ là Trương Chánh Ký, sau này đổi tên đệm thành Trương Vĩnh Ký, hiệu Sĩ Tải; là một nhà báo, nhà ngôn ngữ, một quan chức cao cấp trong chế độ cai trị thuộc địa Việt Nam của chính phủ thực dân Pháp trong thế kỷ XIX. Bên cạnh tài năng về ngôn ngữ, báo chí, ngay từ lúc còn sống, ông bị triều đình Huế khinh bỉ vì làm “tay trong” cho Pháp trong quá trình từng bước biến Việt Nam thành thuộc địa hoàn toàn. Cuối đời, ông cũng bị Chính phủ Pháp bỏ rơi vì không còn giá trị lợi dụng. Những đóng góp quan trọng giúp Trương Vĩnh Ký nhận được nhiều huân chương khen thưởng của Chính phủ Pháp chính là công trạng giúp Pháp đàn áp phong trào Cần Vương, đánh chiếm Bắc Kỳ, tích cực và ra mặt ủng hộ chính sách “đồng hóa” của thực dân Pháp. Ngay từ khi Trương Vĩnh Ký còn sống, dân gian đã xếp ông vào hàng ngũ “đại gian thần” cam tâm làm tay sai cho giặc, “chung mâm” với Hoàng Cao Khải, Lê Hoan .... Có nhiều nhân vật lịch sử, lúc đầu bị hiểu nhầm, sau này khoa học lịch sử đã tìm ra những bằng chứng xác đáng để minh rõ công - tội của họ. Nhưng Trương Vĩnh Ký, từ khi ông còn sống cho đến hôm nay, cái nhìn xuyên suốt và nhất quán, cả trong dân gian và các nhà sử học đều cho rằng ông là người có tội với đất nước, thực sự là tay sai cho thực dân Pháp. Việc một vài nhà sử học cố tình tuyên truyền ông ta “yêu nước của mình” là hành động “viết lại lịch sử”, một thứ cơ hội đã bị phê phán từ lâu. Nếu cứ lấy lý do “vì thực dân Pháp quá mạnh” nên Trương Vĩnh Ký đành “hùa theo” dù ông vẫn yêu nước, thì Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống... và rất nhiều kẻ tay sai bán nước khác cũng có quyền nhận rằng, chúng là “người yêu nước”(!) và “yêu nước theo cách riêng”(!).

Trong chiến lược “diễn biến hòa bình” mà các thế lực thù địch nhằm vào Việt Nam, có một thủ đoạn rất tinh vi là thúc đẩy phong trào “viết lại lịch sử”, “xét lại lịch sử” nhằm chạy tội cho những kẻ tay sai bán nước. Bằng cách đó, sẽ tạo ra sự hỗn loạn về các thang giá trị xã hội, dần dần gây hỗn loạn xã hội, đặc biệt là hỗn loạn giá trị tinh thần sẽ là nguyên nhân gây bất ổn xã hội một cách nhanh chóng. Vì vậy, bằng cách này hay cách khác, chúng sẽ tìm đến một số nhà sử học thiếu bản lĩnh, hám danh, hám lợi, khuyến khích họ “tự diễn biến”, tự chuyển hóa”. Và chính những nhân tố này sẽ tự giác đi làm cái việc mà kẻ thù của đất nước mong muốn: Tạo ra sự hỗn loạn về giá trị của lòng yêu nước, từng bước “giải giáp” thứ vũ khí lợi hại nhất của dân tộc, thành trì vững chắc nhất của sự nghiệp giữ nước – lòng dân./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét