Thứ Hai, 4 tháng 9, 2023

 

Giải pháp tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học ở các trường chính trị

(LLCT) - Nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ quan trọng của đội ngũ giảng viên các trường chính trị. Trước yêu cầu nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy đòi hỏi cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực tăng cường tính chuyên môn của công tác này. Từ thực trạng công tác nghiên cứu khoa học của Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp, bài viết đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, trong đó hoạt động báo cáo chuyên đề có ý nghĩa then chốt.


Trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã ban hành nhiều văn bản quy định cụ thể về thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn ở địa phương, cơ sở. Từ năm 2010 đến nay, hoạt động nghiên cứu khoa học về tổng kết thực tiễn địa phương của đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường đã đạt nhiều kết quả tích cực:

Thực hiện sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu về thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, tất cả đội ngũ cán bộ, giảng viên tích cực thực hiện đề tài khoa học các cấp, tham gia hội thảo khoa học ở phạm vi trong và ngoài tỉnh, tổ chức tọa đàm ở cơ sở... nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị của Trường, của địa phương. Cán bộ, giảng viên nhà trường đã đăng ký, triển khai nghiên cứu và bảo vệ thành công 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh và được hỗ trợ từ ngân sách nghiên cứu khoa học của tỉnh (đề tài: Nghiên cứu biên soạn chuyên khảo về địa phương học Đồng Tháp, 2010), để làm tài liệu cho giảng viên soạn giáo trình giảng dạy trong chương trình Trung cấp chính trị - hành chính và cũng là tài liệu tham khảo cho sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng; học sinh trung học phổ thông; nhân dân trong tỉnh và những người quan tâm đến Đồng Tháp. Ngoài ra, Trường đang tiến hành thực hiện Đề tài: Những nhân tố ảnh hưởng đến sự vận động của hệ thống chính trị các cấp ở Tỉnh Đồng Tháp.

Trong thời gian qua, cán bộ và giảng viên các phòng, khoa của Trường đã tích cực triển khai, thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và đưa vào ứng dụng 4 đề tài khoa học cấp cơ sở.

Hoạt động nghiên cứu thực tế của cán bộ, giảng viên được tổ chức, tiến hành và duy trì thường xuyên. Thông qua nghiên cứu thực tế đã giúp cho cán bộ, giảng viên nắm bắt được tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa ở địa phương, các kỹ năng xử lý tình huống nảy sinh trong thực tế. Nhiều giảng viên chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện nghiêm túc việc nghiên cứu thực tế ở cơ sở.

Hàng năm, Ban Giám hiệu đã chỉ đạo Phòng Quản lý đào tạo - nghiên cứu khoa học phối hợp với các phòng, khoa nhà trường và các đơn vị, sở, ban, ngành đoàn thể trong tỉnh tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học. Nội dung, chủ đề của các hội thảo tập trung bám sát chức năng, nhiệm vụ nhà trường, các sự kiện lịch sử của đất nước, thực tiễn đời sống xã hội ở địa phương nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, cung cấp những luận cứ khoa học, bổ sung kiến thức lý luận, thực tiễn vào bài giảng cho đội ngũ giảng viên.

Viết bài đăng báo và xuất bản Nội san là hoạt động khoa học quan trọng, thường xuyên của cán bộ, giảng viên của nhà trường nhằm công bố kết quả nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, qua đó trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao khả năng nghiên cứu tổng hợp, gắn lý luận với thực tiễn. Đảng uỷ, Ban Giám hiệu nhà trường luôn chỉ đạo thực hiện viết bài, biên tập, in và phát hành Nội san nhân dịp kỷ niệm các ngày Lễ, sự kiện chính trị hàng năm. Các bài viết đã phản ánh khá toàn diện kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và các hoạt động, lĩnh vực công tác của nhà trường và của địa phương.

Đồng thời, cán bộ, giảng viên của nhà trường thường xuyên viết bài đăng các báo, tạp chí ở Trung ương và địa phương như: Tạp chí Lý luận chính trị, Tạp chí Xây dựng Đảng, Thông tin công tác các trường chính trị, Thông tin khoa học và công nghệ tỉnh Đồng Tháp... Ngoài ra, cán bộ, giảng viên của nhà trường tham gia viết trên 185 bài trên Website Trường...

Tuy nhiên, trong những năm qua, công tác nghiên cứu khoa học của Trường vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế như:

Hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn tại Trường chưa đạt được hiệu quả, số lượng công trình nghiên cứu khoa học các cấp chưa nhiều; Năng lực nghiên cứu của một số giảng viên còn hạn chế, như ít tham gia thực hiện đề tài khoa học, viết bài tham luận, bài đăng trên tạp chí và ngại đi nghiên cứu thực tế...

Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế là: Thứ nhất, một số giảng viên chưa nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học. Số giảng viên có khả năng và kinh nghiệm nghiên cứu đa phần là lãnh đạo, quản lý đơn vị nên quỹ thời gian dành cho nghiên cứu thường không nhiều; các giảng viên trẻ có tâm huyết, đam mê nghiên cứu nhưng chưa có kinh nghiệm nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng nghiên cứu khoa học; Thứ hai, thiếu tính năng động, chủ động trong việc tìm kiếm các thông tin liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học; Thứ ba, kinh phí dành cho công tác nghiên cứu khoa học tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa tương xứng với chất xám vì tính chất của hoạt động nghiên cứu khoa học.

Từ thực tiễn, để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học về tổng kết thực tiễn của đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường phải bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, công tác nghiên cứu khoa học. Để có cơ sở định hướng công tác nghiên cứu khoa học về tổng kết thực tiễn ở địa phương đạt hiệu quả hơn.

Hai là, nhà trường cần tăng cường công tác phối hợp với các sở, ban ngành, các đoàn thể, các huyện, thành phố đối với hoạt động nghiên cứu khoa học. Khuyến khích giảng viên nêu ý tưởng, đề tài nghiên cứu, chủ đề hội thảo khoa học để góp phần phục vụ trực tiếp, hiệu quả cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Ba là, để nâng cao chất lượng khoa học của đề tài khoa học các cấp, những bài báo cáo thực tế, tham luận hội thảo, bài báo khoa học, đề xuất mô hình “báo cáo chuyên đề” trong hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường. Cụ thể: Đầu năm học, trưởng đơn vị (khoa, phòng của trường) xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên môn, phân công giảng viên báo cáo chuyên đề theo từng tháng - việc phân công cần căn cứ vào lĩnh vực nghiên cứu, chuyên môn của giảng viên hoặc để giảng viên đăng ký chuyên đề báo cáo. Khi họp chuyên môn hàng tháng, giảng viên được phân công có nhiệm vụ:

Bước 1 (B1): Từ ngày 1 - 5 hàng tháng, người được phân công báo cáo gửi chuyên đề đến các thành viên trực thuộc đơn vị để đọc và nghiên cứu. Người được báo cáo chuyên đề cần chuẩn bị kỹ lưỡng và viết chuyên đề báo cáo dưới dạng 1 bài báo khoa học.

Bước 2 (B2): Từ ngày 6 - 14 hàng tháng thực hiện tổ chức góp ý báo cáo chuyên đề. Việc góp ý phải trên tinh thần cùng nhau đạt được mục đích chung là lĩnh hội tri thức và tập trung vào các nội dung cụ thể như: nội dung, phương pháp nghiên cứu; phạm vi, đối tượng nghiên cứu; tính cấp thiết của báo cáo.

Bước 3 (B3): Ngày 15 hàng tháng, người báo cáo thực hiện việc báo cáo chuyên đề, tiếp nhận ý kiến các thành viên trong đơn vị, đồng thời có thể phản biện lại các ý kiến đó. Đóng góp và phản biện phải mang tính khoa học, logic và lý luận.

Bước 4 (B4): Từ ngày 16 - 30 hằng tháng (cuối tháng), người báo cáo có nhiệm vụ chỉnh sửa theo ý kiến đóng góp của các thành viên trong đơn vị (nếu có), viết tóm tắt bằng tiếng Việt và Anh theo một thể thức bài báo khoa học nhằm gửi bài báo đến tạp chí liên quan.

Bước 5 (B5): Sau khi chỉnh sửa, bổ sung hoàn chỉnh, người báo cáo gửi lại chuyên đề cho thư ký đơn vị để lưu giữ và cá nhân tự gửi cho các tạp chí liên quan để công bố hoạt động nghiên cứu khoa học của mình. Thời gian gửi lại báo cáo chuyên đề là đầu tháng sau khi báo cáo (từ tháng 1- tháng 5 sau khi báo cáo).

Hoạt động nghiên cứu khoa học của đơn vị được luân chuyển xoay vòng sang các thành viên trong đơn vị.

Ở một cơ sở giáo dục đại học, trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên có hai nhiệm vụ trọng tâm không thể tách rời đó là: giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Giảng dạy sẽ giúp cho hoạt động nghiên cứu khoa học được nâng cao hơn bởi vì thông qua hoạt động giảng dạy người thầy sẽ thấy được “vấn đề nghiên cứu”, những khó khăn, vướng mắc, khoảng trống trong bài giảng, từ đó tìm ra hướng nghiên cứu, giải quyết vấn đề để có những bài giảng sinh động, chất lượng cao, giúp học viên hiểu rõ vấn đề hơn. Hoạt động nghiên cứu khoa học sẽ nâng cao được trình độ chuyên môn của giảng viên; nghiên cứu khoa học giảng viên sẽ tìm tòi, phát hiện những tri thức mới. Như vậy, hoạt động giảng dạy và nghiên cứu có mối quan hệ biện chứng với nhau, tác động qua lại và hỗ trợ cho nhau.

Bốn là, nhằm vận dụng những kết quả nghiên cứu khoa học của giảng viên vào công tác giảng dạy, Phòng Nghiên cứu khoa học - Thông tin tư liệu cần thường xuyên sơ kết, tổng kết đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học (hàng năm hoặc 3 năm) của đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường. Trên cơ sở đó, thông qua hội đồng khoa học nhà trường xét duyệt những công trình khoa học được công bố có giá trị; đồng thời, công nhận những kết quả nghiên cứu, biên soạn và công bố những công trình khoa học có giá trị ứng dụng thực tiễn của đội ngũ cán bộ, giảng viên. Đây chính là nguồn tư liệu phục vụ việc học tập, nghiên cứu, giảng dạy của học viên, giảng viên.

Năm là, đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường phải thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, kỹ năng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Đồng thời, mỗi giảng viên cần tích cực, sáng tạo trong quá trình nghiên cứu thực tế, nắm bắt kịp thời tình hình kinh tế - xã hội địa phương. Giảng viên cần lựa chọn những chủ đề phù hợp với chương trình môn học đang đảm nhiệm, tập trung vào chương trình đề án phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, có cơ sở để khảo sát, đánh giá sát với vấn đề thực tiễn đang diễn ra ở địa phương. Từ đó, đề xuất những giải pháp có tính khả thi, góp phần xử lý có hiệu quả những hạn chế, khó khăn đang diễn ra tại địa phương, đơn vị.

Ngoài ra, giảng viên cần chủ động khai thác thông tin chính thống trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, internet,...) để có thông tin đa chiều, rộng lớn đã được chọn lọc, phân tích. Đây là nguồn thông tin quan trọng giúp giảng viên có thêm nguồn dữ liệu bổ sung, phục vụ nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.

 

Sáu là, nhà trường cần có cơ chế động viên, khích lệ hoạt động nghiên cứu khoa học đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn một cách có hiệu quả nhất. Thường xuyên chăm lo bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực khoa học của nhà trường, theo đó các đơn vị khoa, phòng rà soát đội ngũ cán bộ phát hiện các cán bộ, giảng viên có năng lực nghiên cứu để bồi dưỡng, chia sẽ, giúp đỡ, từng bước phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên vững vàng về chuyên môn, có năng lực nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nguồn: TS Lê Minh Hiếu

TS Nguyễn Phước Tài

Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp

1 nhận xét: