Thứ Năm, 28 tháng 9, 2023

Không thể phủ nhận giá trị to lớn, cao đẹp của thơ cách mạng

 Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã cuốn hút đông đảo nhà thơ giàu năng lực sáng tác và đầy tâm huyết tham gia sứ mệnh giải phóng dân tộc. Thế hệ nhà thơ từ trước cách mạng như Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Tế Hanh, Lưu Trọng Lư, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Anh Thơ... đã được ánh sáng của Đảng “thay đổi đời tôi, thay đổi thơ tôi” để sáng tác các tác phẩm thơ phục vụ cách mạng. Thế hệ nhà thơ nối tiếp là Nguyễn Đình Thi, Quang Dũng, Hoàng Trung Thông, Chính Hữu, Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn... rồi đến Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Thanh Hải, Thu Bồn, Lê Anh Xuân, Anh Ngọc, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Vương Trọng, Hoàng Nhuận Cầm, Giang Nam, Lâm Thị Mỹ Dạ... Còn có nhiều nhà thơ đã anh dũng hy sinh quên mình vì nghĩa lớn và tác phẩm của họ đã trở thành bất tử trong dòng chảy thơ ca cách mạng của dân tộc.

Từ thực tế chiến trường khốc liệt, những câu chuyện cao đẹp, giàu tính nhân văn, những tấm gương chiến đấu hy sinh anh dũng đã tác động mạnh đến những tâm lý, tình cảm của mỗi tác giả để họ sáng tạo nên những bài thơ có giá trị sâu sắc. Sứ mệnh thiêng liêng cao cả của nhà thơ đã hòa vào dòng người “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Khao khát của nhà thơ là được đến với “biển lớn cuộc đời”. Không có sự hy sinh nào lớn lao, cao cả hơn sự hy sinh cho đất nước mình, dân tộc mình: “Ôi! Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/ Ôi, Tổ quốc! Nếu cần, ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông” (Chế Lan Viên)...

Nghệ thuật của thơ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã phát triển mạnh mẽ, đóng góp nhiều thành tựu xuất sắc trong nền văn học Việt Nam. Ngôn từ của thơ thời kỳ này đã góp phần tạo cho thơ Việt Nam một tâm thế mới, sức thuyết phục, truyền cảm hứng mạnh mẽ đối với công chúng để thể hiện tầm vóc cao đẹp của dân tộc và con người Việt Nam. Nhiều nhà thơ đã sử dụng bút pháp tinh tế: “Em là ai? Cô gái hay nàng tiên?” (Tố Hữu); “Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?” (Chế Lan Viên). Nhiều nhà thơ đã thổ lộ tình yêu đôi lứa luôn gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước: “Anh yêu em như yêu đất nước”, “Em đứng bên đường như quê hương/ Vai áo bạc quàng súng trường” (Nguyễn Đình Thi); “Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình/ Phải biết gắn bó và san sẻ/ Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên Đất Nước muôn đời...” (Nguyễn Khoa Điềm);  “Em chính là quê hương ta đó” (Lê Anh Xuân)...

Có thể khẳng định rằng, thơ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ mang đậm chất sử thi, trữ tình, phản ánh sâu sắc cuộc sống lao động, chiến đấu hào hùng của quân dân ta. Những cách tân nghệ thuật được thể hiện trên nhiều bình diện: Từ việc mở rộng hình thức câu thơ đến sự vận dụng ngôn ngữ thơ một cách linh hoạt, từ những đổi mới phong phú trong giọng điệu thơ đến việc tìm tòi những kiểu kết cấu mới cho thơ. Nó vừa kết hợp hài hòa giữa lý tưởng và hiện thực, giữa chất anh hùng ca và tính trữ tình, giữa truyền thống và tìm tòi sáng tạo của các nhà thơ cách mạng.

Vậy thì sao vẫn có người xuyên tạc “đổi trắng thay đen” để cho rằng thơ thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là thơ “minh họa chính trị” được!

Những kẻ xuyên tạc, chống phá đã cố tình lờ đi hay không hiểu rằng, thời kỳ này, văn học nghệ thuật nói chung, thơ nói riêng đã vận động theo hướng cách mạng hóa, gắn bó sâu sắc với vận mệnh chung của đất nước. Nhà thơ đồng thời là một chiến sĩ, tác phẩm của họ trở thành vũ khí đắc lực góp phần cổ vũ cuộc chiến đấu gian khổ, hào hùng của quân dân cả nước. Các tác giả đã gắn bó với cuộc kháng chiến, được tôi luyện trong lửa đạn và nếm trải những gian lao, thử thách nơi trận mạc, cho nên, trong giai đoạn này, “chất thép” và “chất thơ” đã hòa quyện nhuần nhuyễn. Thơ cách mạng đã tới được những khái quát sâu sắc về đất nước, con người, về hiện tại và tương lai, về dân tộc và thời đại, về lương tâm, trách nhiệm và lẽ sống.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, trong 30 năm, thơ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ đã phát triển cả về chất lượng và số lượng, trên cơ sở sự thống nhất hài hòa giữa nội dung và hình thức, giữa truyền thống và hiện đại. Nhất quán trong một quan niệm nghệ thuật tích cực, phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, các nhà thơ không ngừng tìm tòi, sáng tạo, nhằm tạo dựng một nền thơ xứng đáng với tầm vóc của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Những đóng góp lớn lao của các nhà thơ chân chính và những giá trị nhân văn cao cả của thơ cách mạng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc là căn cứ thực tiễn và minh chứng sinh động để chúng ta phê phán, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận dòng thơ này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét