Đã từ lâu, trong thực hiện “diễn biến hòa bình” các thế lực thù địch, phản động thường xuyên lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá Việt Nam. Họ thường căn cứ vào việc chính quyền, cơ quan chức năng của Việt Nam xử lý các cá nhân, tổ chức tôn giáo vi phạm hành chính trên các lĩnh vực như đất đai, xây dựng, môi trường hay vi phạm trong các hoạt động tôn giáo để thông qua một vài trang mạng thiếu thiện chí ở hải ngoại lu loa tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo rằng ở Việt Nam không có tự do tôn giáo, chính quyền Việt Nam hạn chế, thậm chí đàn áp tôn giáo. Ví dụ như, mới đây, trang “Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Việt Nam” phát video trực tiếp với nội dung xuyên tạc, nói xấu, vu cáo chính quyền Việt Nam đàn áp các tổ chức tôn giáo của người dân tộc thiểu số; ngăn cấm quyền tự do tôn giáo của người dân, bắt giữ trái pháp luật các nhà hoạt động chính trị...
Chúng ta chẳng lạ gì cái “điệp khúc” đã cũ mèm này. Dù bằng luận điệu, chiêu thức gì, tinh vi, biến ảo đến đâu đi chăng nữa các thế lực thù địch, phản động cũng không thể phủ nhận được sự thật, không thể đánh lừa được dư luận.
Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của người dân là quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định bảo đảm tự do tôn giáo và công tác tôn giáo là vấn đề chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt. Thực hiện tốt chính sách tôn giáo, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm cho thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc…”. Tại Khoản 1, Ðiều 24, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”. Để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo trong thời kỳ đổi mới, đáp ứng đầy đủ hơn nguyện vọng và nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Chính phủ Việt Nam cũng ban hành các Nghị định và nhiều văn bản luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân ngày càng tốt hơn.
Cùng với hoàn thiện hệ thống pháp luật, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của người dân nói chung và của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói riêng luôn được Nhà nước tôn trọng, bảo đảm trên thực tế. Đến năm 2021, Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân, với khoảng 27 triệu tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau. Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách nhằm bảo đảm hoạt động bình thường về tín ngưỡng, tôn giáo của người dân nói chung và của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.
Dù có đức tin, hệ thống giáo lý và giáo luật khác nhau, nhưng các tôn giáo ở Việt Nam có chung điểm tương đồng đó là luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, theo phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”. Đồng bào các tôn giáo luôn là một bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đó là điều đã được thực tiễn khẳng định. Đồng bào các tôn giáo nói chung và cộng đồng tôn giáo của người dân tộc thiểu số nói riêng đã có những đóng góp tích cực vào việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, huy động nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc ngày nay.
Các “tổ chức tôn giáo...”, “nhà hoạt động chính trị”... mà trang “Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Việt Nam” đề cập đến trong video nói trên thực chất đó là những cá nhân, tổ chức, hội, nhóm tôn giáo trá hình, hoạt động trái pháp luật, lợi dụng tôn giáo để gây rối an ninh trật tự, chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Thời gian qua, ở Việt Nam xuất hiện tình trạng một số tổ chức, hội, nhóm tôn giáo trá hình, hoạt động trái pháp luật núp bóng tôn giáo để trục lợi. Mục đích chính của các tổ chức, hội, nhóm này không phải vì tự do tôn giáo đúng nghĩa mà là nhằm chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam; chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Các tổ chức, hội, nhóm này thường xuyên kích động tư tưởng ly khai, chia rẽ nội bộ các tôn giáo, phá hoại sự ổn định, khối đại đoàn kết dân tộc; kích động các hoạt động gây phức tạp về an ninh, trật tự; móc nối với các tổ chức phản động bên ngoài nhằm mục đích chính trị. Mang danh nghĩa tôn giáo, các tổ chức, hội, nhóm trái pháp luật luôn tận dụng mọi cơ hội có thể để quốc tế hóa, chính trị hoá những vấn đề trong nước nhằm thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế từ đó gây sức ép với chính quyền. Chưa dừng ở đó, các cá nhân, tổ chức, hội, nhóm này còn mưu toan tập hợp lực lượng, quy tụ những phần tử cực đoan trong các tôn giáo, xây dựng tổ chức, hình thành các cơ sở, mạng lưới để khi cần là có ngay lực lượng... Như vậy, có thể thấy mục đích của các cá nhân, tổ chức, hội, nhóm này không gì khác là thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch nhằm chống phá Việt Nam.
Việc các cơ quan của chính quyền tiến hành các biện pháp đấu tranh ngăn chặn, xử lý đối với những hành vi vi phạm của các cá nhân, tổ chức, hội, nhóm nói trên là việc làm bình thường. Hoàn toàn không có chuyện Việt Nam “ngăn cấm quyền tự do tôn giáo” của người dân, không bắt giữ các “nhà hoạt động chính trị” trái pháp luật. Những trường hợp mà trang “Bàn Tròn Đa Tôn Giáo Việt Nam” đề cập đến thực chất đó là các hội, nhóm, điểm sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật; là những công dân đã lợi dụng tôn giáo vi phạm pháp luật. Để giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, các cơ quan chức năng của Việt Nam buộc phải áp dụng các biện pháp quản lý theo đúng thẩm quyền. Việc bắt giữ, xử lý đối với các đối tượng được tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục tố tụng hình sự và xét xử đúng người, đúng tội, thể hiện tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật. Ở Việt Nam mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Tất cả những ai không xuất phát từ lý do tôn giáo, không vì mục đích tự do tôn giáo đúng nghĩa, mà lợi dụng tôn giáo để gây mất ổn định xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước là vi phạm pháp luật Việt Nam và họ sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật.
Cũng như các quyền tự do khác của công dân, việc thực hiện quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam đều phải trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật. Tôn trọng và bảo đảm tự do tôn giáo nhưng pháp luật Việt Nam cũng nghiêm cấm các hoạt động lợi dụng tự do tôn giáo để xuyên tạc, chống phá, xâm phạm quyền, lợi ích của Đảng, Nhà nước và các tổ chức, cá nhân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, chia rẽ các tôn giáo. Bên cạnh việc thực hiện các quyền tự do, trong đó có tự do tín ngưỡng, tôn giáo mỗi tổ chức, tín đồ tôn giáo còn phải thực hiện tốt nghĩa vụ công dân. Không tôn giáo, tín đồ tôn giáo nào được phép đứng ngoài hoặc đứng trên pháp luật và lợi ích quốc gia, dân tộc. Cũng như các quốc gia trên thế giới, mọi hoạt động tôn giáo ở Việt Nam đều cần phải có sự quản lý của chính quyền. Mục đích của việc làm này là nhằm tôn trọng và bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của người dân. Ở Việt Nam không có chỗ cho những hoạt động lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật.
QUỐC AN #St. Trường Tồn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét