Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ, trong đó có nhiều quy định liên quan đến chuẩn mực đạo đức và giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức.
Trong cuộc sống, ai cũng từng phải đến cơ quan
công quyền để xử lí các công việc cụ thể và ít nhiều đã trải nghiệm cách ứng xử
của cán bộ, công chức, viên chức. Và tôi cũng đã có dịp quan sát vấn đề này.
Có lần tôi đi làm xác nhận thường trú và thực
hiện theo đúng hướng dẫn của cán bộ tiếp nhận. Ban đầu họ gợi mở “muốn lấy
nhanh thì cần thêm một khoản phí nhẹ”.
Tuy nhiên, tôi kiên trì thực hiện theo đúng
trình tự các thủ tục theo quy định thông thường và đã lấy xác nhận đúng thời
gian. Khi tôi bày tỏ muốn “bồi dưỡng” cho cán bộ vì đã hỗ trợ thì họ nhắc khéo
“ở đây có camera”.
Điều 18 của dự thảo
Nghị định quy định về ứng xử, giao tiếp qua điện thoại, cán bộ, công chức, viên
chức phải xưng tên, đơn vị công tác, nội dung trao đổi đầy đủ, rõ ràng; ngôn
ngữ giao tiếp văn minh, lịch sự, ngắn gọn, dễ hiểu, âm lượng vừa đủ nghe.
Có lẽ, đây cũng là dịp để “thử lòng” cán bộ cơ
sở và tôi ra về với niềm vui nho nhỏ khi thấy một số cơ quan công quyền đã sử
dụng các công cụ để kiểm soát chính cán bộ công chức, viên chức của mình và họ
đã “biết sợ”.
Lần khác, khi lên quận để thực hiện việc liên
quan đến đất đai, sau một hồi ngó nghiêng, tìm hiểu đủ các loại thủ tục, tôi
ngồi ở phòng một cửa chờ đến lượt của mình, bỗng nghe tiếng oang oang của một
cán bộ nói chuyện điện thoại với ai đó rất tự nhiên với "volume
maximum".
Tôi và không ít người dân ở đấy cảm thấy ngỡ
ngàng về cách giao tiếp quá ư là tự nhiên của vị cán bộ này. Họ nói chuyện hồn
nhiên như chốn không người, coi nơi làm việc chẳng khác gì nhà mình.
Tôi chợt nghĩ nếu trong lúc này có một màn
hình biểu thị cảm xúc đánh giá cán bộ để chấm điểm thì tôi sẽ đến ấn vào nút
“chưa hài lòng”.
Từ những thực tế trên có thể thấy, ngoài các
yếu tố ngày càng ưu việt được các bộ, ngành ứng dụng, cập nhật dữ liệu, chuyển
đối số... để phục vụ dịch vụ công cho người dân tốt hơn thì vấn đề nhận thức,
ứng xử và thái độ của cán bộ, công chức, viên chức tại nơi làm việc có tác động
rất lớn đến sự cải tiến trong chương trình cải cách tổng thể nền hành chính của
bộ máy Nhà nước.
Đạo đức công vụ, thái độ ứng xử, giao tiếp là
một yếu tố không thể thiếu để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi về đội ngũ cán bộ
"vừa hồng vừa chuyên" trong tình hình mới.
Vì vậy, việc có một nghị định về đạo đức công
vụ là hết sức cần thiết, giúp cho mối quan hệ mật thiết qua lại giữa người dân
và chính quyền ngày càng tăng cường, gắn bó và tạo dựng niềm tin hết sức tốt
đẹp giữa người dân với cán bộ, với các cơ quan Nhà nước.
Thái độ, nhận thức và lối ứng xử theo thói
quen, theo bản năng cần được kiểm soát, hạn chế một cách tối đa đối với những
cán bộ công chức, viên chức gắn với các cơ quan công quyền.
Sự tha hóa quyền lực từ những biểu hiện tưởng
chừng như nhỏ nhất, ít được để ý nhất cũng chính là xuất phát từ thái độ ứng
xử, giao tiếp với người dân của mỗi cán bộ.
Một số người gắn với các cơ quan quyền lực đã
tự cho mình cái uy đi kèm, tự cho rằng mình có chút quyền hay chút lực nào đó
mà quên mất vai trò “phục vụ” của mình.
Dự thảo Nghị định về Bộ Quy tắc Đạo đức công
vụ đã chia nhỏ, cụ thể những tiêu chí, dấu hiệu rất chi li về tác phong, đạo
đức, thái độ, lời nói và ứng xử của cán bộ khi tiếp xúc và giải quyết các công
việc với người dân tại nơi công sở.
Việc ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ là
rất cần thiết và hữu ích để mỗi cán bộ, công chức, viên chức kiểm soát được
“thói hư, tật xấu” từ những việc nhỏ nhặt nhất, dần ý thức hơn vai trò “phục
vụ” của mình.
Đây cũng là công cụ để người dân tham chiếu,
giám sát, nâng cao nhận thức về vị trí, tâm thế “là trung tâm, là chủ thể” của
quyền lực trong một nhà nước pháp quyền với Chính phủ có các bộ phận cán bộ là
“công bộc” - người phục vụ theo đúng nghĩa của nền hành chính hiện đại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét