Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2023

LÁ PHIẾU “BẮT TAY”

 Cuối tuần, trà dư tửu hậu với mấy người bạn, loanh quanh một hồi lại cùng họ bàn luận đôi chút về chuyện bầu bán. Anh bạn tôi hiện có chút chức vụ ở một đơn vị cũng không bé lắm, hào hứng kể những pha “cân não” trong mấy cuộc bầu bán gần đây, khi có quá nhiều ứng cử viên sử dụng những chiến thuật “vận động phiếu”, “xin phiếu”, “cướp phiếu” rất quyết liệt.

Nghe anh bạn tôi kể mới thấy quả là gian truân cho các ứng cử viên và khó xử cho người cầm lá phiếu. Tò mò, ông anh ngồi gần tôi hỏi: “Thế phiếu của chú, chú bỏ cho đối tượng nào?”.
Anh bạn tôi vẻ mặt rất đắc chí, nhấp ngụm trà rồi thủng thẳng đáp: “Mặc dù có những người cố tình ngồi sát bên cạnh hòng “ốp phiếu”, nhưng tôi vẫn dùng thủ thuật theo đúng quy định để có thể bỏ phiếu cho người mà mình thấy xứng đáng nhất. Cũng gọi là có chút ra dáng đấy!”. Ông anh ngồi cạnh tôi lại thắc mắc về việc sau đó biết cư xử với những người xin phiếu khác thế nào? Anh bạn tôi cười lớn, bảo việc đó giờ xử lý đã quen, sau khi bỏ phiếu, nếu gặp riêng ứng cử viên nào thì đều chủ động bắt tay chúc mừng để ngầm ý xác nhận lá phiếu đã được bỏ cho họ là êm xuôi. Đằng nào kết quả kiểm phiếu cũng chỉ có những người trong số đó trúng, nên cứ gọi là không trượt đi đâu được.
Ngồi ở bàn bên cạnh, một bác mới nghỉ hưu nãy giờ chỉ lặng thinh nghe chuyện, bỗng lên tiếng về việc ở cơ quan bác từ rất lâu cũng có việc tương tự và cho rằng, dường như “nghệ thuật” này đang dần trở thành một "loại hình phổ quát". Bác cho biết, trước kia còn có câu chuyện rất bi hài, ở đơn vị nọ, trong một lần bỏ phiếu tín nhiệm đối với lãnh đạo cấp phòng, sau khi bỏ phiếu, người được lấy phiếu đã nhận những cái bắt tay chúc mừng rất nồng hậu của tất cả anh em trong phòng. Khấp khởi vui mừng, anh ta liền có nhã ý mời mọi người đi liên hoan, nhưng kỳ lạ là không có ai nhận lời. Về sau, khi kết quả kiểm phiếu được công bố, chỉ có duy nhất một lá phiếu tín nhiệm được bỏ và không ai khác là của chính anh ta. Nghe nói sau đó, anh ta đã tìm mọi cách để có thể chuyển đến đơn vị mới!
Tôi ngồi ngẫm chuyện mà đâm buồn, quả có thấy dạo gần đây, sau mỗi cuộc bầu bán người ta thường chủ động “bắt tay” chúc mừng ngay cả khi chưa công bố kết quả, có vẻ như số lượng cái “bắt tay” bao giờ cũng nhiều hơn số phiếu của mình có được. Ở góc độ tích cực, có thể việc “bỏ phiếu - bắt tay” này giúp tránh được những mâu thuẫn ngoài mặt không cần thiết, giữ được sự bình ổn ở ngoài mặt hoặc giúp cho những người như anh bạn tôi có thể bảo vệ chính kiến của mình mà không làm đổ vỡ mối quan hệ hài hòa trong cơ quan.
Tuy nhiên, từ góc độ khác, mà đây mới là chính yếu, việc “bỏ phiếu - bắt tay” thể hiện sự rạn nứt của những liên kết lý trí - tình cảm - đạo đức giữa người cầm lá phiếu và những người có tên trong lá phiếu. Thậm chí, nó còn cho thấy tâm trí nhiễu loạn, sự bất lực của người cầm lá phiếu trong việc xử lý những liên kết này với chính bản thân mình. Nó cho thấy một thực tế đáng buồn giữa những người vốn coi nhau là đồng chí, nay đã không thể thẳng thắn - trung thực với nhau, không còn dám thành thật tự phê bình và phê bình để mong nhau tiến bộ, mà phải cố gắng dùng "nghệ thuật", hay thủ thuật để giữ sự bình ổn của mối quan hệ chỉ ở bề mặt. Thực chất, đa phần những người chủ động dùng kiểu “bỏ phiếu - bắt tay”, dù ít, dù nhiều cũng vì lợi ích của riêng mình. Họ không muốn mất lòng ai nên “vuốt ve”, che đậy, chẳng qua là lo ảnh hưởng đến lợi ích của mình nếu người mình thực sự ghi tên lại không trúng cử. Thật đáng buồn!
Trên thực tế, không phải lúc nào việc “bỏ phiếu - bắt tay” này cũng đều thuận lợi và có rất nhiều nguy cơ bị “kiểm” ra. Khi đó, mối quan hệ vốn cố gắng bao bọc cho phẳng lặng phút chốc bị vỡ nát từng mảnh, rồi những mảnh đó có thể găm đau vào mỗi người trong cuộc bằng những ác cảm khó hàn gắn và có thể ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất của tập thể.
Bởi thế, thiển nghĩ, nếu để trò diễn “bỏ phiếu - bắt tay” vẫn còn trong các cuộc bầu bán, thì những giá trị của sự đoàn kết, thống nhất sẽ dần bị hao mòn. Cốt lõi của mọi mối quan hệ cũng như sự đoàn kết của tập thể chính là lòng tin tưởng và sự chân thành. Điều này càng quan trọng giữa những người đồng chí. Theo đó, việc thực hành tự phê bình và phê bình cần phải thực chất hơn và không nhất thiết bị bó hẹp bởi những cuộc họp hành hay bình xét cuối năm. Ông cha ta có câu: “Nói phải củ cải cũng nghe”, “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, nên chẳng thiếu gì lúc để có thể vỗ vai tâm sự, nhỏ to trình bày, góp ý một cách chân thành với nhau; và, cũng chẳng có mấy ai lại từ chối tấm chân tình ấy. Để rồi, cái vừa lòng đạt được sẽ không chỉ, hoặc không cần thiết phải thể hiện qua cái “tay bắt, mặt mừng” đầy xã giao và tỏ vẻ, mà sẽ được dựa chắc trên sự chân thành, sự thiện chí mong mỏi cho nhau cùng tiến bộ.
Chúng tôi, những người có mặt trong tiệc trà hôm ấy, đã từng ngồi bàn luận với nhau không biết bao nhiêu chủ đề, chủ đề nào cũng sôi nổi, ấy thế mà hôm đó, khi đến cuối cuộc, cậu bạn nhỏ tuổi nhất bỗng nhắc đến câu nói của Bác Hồ khiến chúng tôi tựa như ai cũng lặng lòng: “Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được”./.
St

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét