Cách
mạng công nghiệp lần thứ tư với các thành tựu kỹ thuật và các vấn đề về xã hội
đã làm nảy sinh những nội dung liên quan đến sứ mệnh lịch sử của giai cấp công
nhân. Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch, phản động đã điên cuồng chống
phá, hòng bác bỏ sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Trên
các diễn đàn hiện nay, ít có vấn đề nào được luận bàn sôi nổi như cuộc Cách
mạng công nghiệp lần thứ tư. Tìm kiếm bằng Google, thống kê vào tháng 3 - 2023
có hơn 51 triệu kết quả bằng tiếng Việt và hơn 55 triệu kết quả bằng tiếng Anh
về vấn đề này... Về đại thể, một mặt, các nghiên cứu gần đây đề cập đến những thay đổi mạnh mẽ trên các
lĩnh vực của đời sống nhân loại nhờ ứng dụng các công nghệ của cuộc Cách mạng
công nghiệp lần thứ tư; mặt khác, các nghiên cứu cũng đề cập đến khá nhiều thách thức cũng như vấn
đề mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra. Có nhiều vấn đề mới mẻ
(chẳng hạn sở hữu tư liệu sản xuất là dữ liệu) hoặc là những vấn đề cũ, nhưng
mang sắc thái mới (bóc lột, áp bức, bất công trong cuộc Cách mạng công nghiệp
lần thứ tư).
Sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai
cấp công nhân là phát kiến khoa học vĩ đại của chủ nghĩa Mác
Nội dung cơ bản
của học thuyết này là: Giai cấp công nhân (GCCN) là sản phẩm và là chủ thể của
các cuộc cách mạng công nghiệp. Phương thức sản xuất công nghiệp, phương thức
bóc lột giá trị thặng dư của chủ nghĩa tư bản, môi trường đấu tranh giai cấp
hiện đại với giai cấp tư sản đã rèn luyện cho GCCN những phẩm chất cách mạng,
như GCCN là giai cấp tiên tiến nhất, cách mạng nhất đại diện cho lực lượng sản
xuất (LLSX) hàng đầu của nhân loại; được “đại công nghiệp” và đấu tranh giai
cấp hiện đại rèn luyện nên GCCN có tác phong lao động hợp tác, kỷ luật, sáng
tạo, tính tổ chức. Là giai cấp gắn liền với quá trình sản xuất mang tính chất
xã hội hóa, nhưng trong quan hệ sản xuất tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu
sản xuất, họ bị bóc lột giá trị thặng dư. Phần dôi ra từ lao động sống của
người công nhân bị chủ tư bản chiếm không chính là bản chất kinh tế - xã hội
của phương thức bóc lột giá trị thặng dư tư bản chủ nghĩa. Đại diện cho LLSX
tiên tiến, lãnh đạo các giai cấp bị bóc lột, áp bức đấu tranh chống chủ nghĩa
tư bản để xác lập một xã hội mới với các giá trị công bằng, bình đẳng, dân chủ
và tự do là sứ mệnh mà lịch sử trao cho GCCN hiện đại.
Cho đến nay, lịch
sử đã chuẩn bị các điều kiện, tiền đề vật chất cho sự nghiệp giải phóng GCCN và
các giai cấp bị áp bức bóc lột, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Đó là
sự phát triển của các cuộc cách mạng công nghiệp, sự phát triển của chủ nghĩa
tư bản và sự trưởng thành của GCCN. Dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản - chính
đảng của GCCN, GCCN cùng nhân dân lao động thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa
hoặc cách mạng giải phóng dân tộc để tiến hành xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa
và xã hội cộng sản chủ nghĩa. Sự nghiệp giải phóng giai cấp, dân tộc, nhân
loại; sự nghiệp giúp cho con người được phát triển trong một xã hội lao động,
hòa bình, công bằng, bình đẳng, dân chủ và tự do đã có những cơ sở hiện thực.
Lý tưởng ấy, với sứ mệnh lịch sử của GCCN lần đầu tiên đã xuất hiện khả năng
hiện thực và có thể hiện thực hóa.
Sứ mệnh lịch sử
của GCCN, theo V.I. Lê-nin, được coi là “điểm trung tâm, nội dung chủ yếu của
học thuyết Mác” và là cơ sở lý luận cho chủ nghĩa xã hội hiện đại. Đáng lưu ý
là, từ các thành tựu kỹ thuật và các vấn đề về xã hội đặt ra trong cuộc Cách
mạng công nghiệp lần thứ tư, đã có một số luận điệu xuyên tạc, phủ nhận sứ mệnh
lịch sử của GCCN.
Nhận diện một số luận điểm mơ hồ, sai
lệch liên quan đến sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong Cách mạng công
nghiệp lần thứ tư
Thứ nhất, một số
luận điểm mơ hồ về nền sản xuất hiện đại trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần
thứ tư.
Phải chăng những
yếu tố, như trí tuệ nhân tạo (AI), robot, tự động hóa... sẽ thay thế hoàn toàn
lao động của con người? Đã có những dự đoán về tỷ lệ công việc hiện nay dễ bị
tự động hóa. Các con số khác nhau đôi chút, nhưng thông điệp chung là tự động
hóa sẽ thay thế nhiều công việc có quy trình, thao tác có tính lặp lại và thâm
dụng nhiều lao động... Cuối năm 2015, Ngân hàng Anh đưa ra một dự báo rằng, sẽ
có khoảng 95 triệu lao động truyền thống ở Anh và Mỹ bị mất việc làm trong
khoảng 20 năm tới (chiếm khoảng 50% số lao động ở hai nước này). Nhà tương lai
học Thomas Frey dự báo, khoảng 2 tỷ việc làm (50% số công việc hiện nay)
sẽ “biến mất” vào năm 2030. Theo đó, các nghề luật sư/tư vấn pháp lý, tư vấn du
lịch, lái xe taxi, công nhân khai thác than, kiểm soát không lưu... sẽ bị
robot, dữ liệu lớn (Big data) thay thế.
Một số lao động
trình độ cao cũng có thể bị tự động hóa can thiệp; trên thực tế, hiện nay đã
xuất hiện một số dạng thức công việc của một số nghề được thay thế bằng robot,
chẳng hạn luật sư, bác sĩ, phóng viên... Kèm theo đó là những dự báo trong
tương lai gần (thời điểm năm 2030 thường được lựa chọn) về tốc độ tự động hóa
nhanh chóng và các biến đổi nghề nghiệp do AI và robot tham gia vào sản xuất,
dịch vụ...
Theo đó, cũng có
những suy đoán rằng, phải chăng máy móc sẽ có thể thay thế hoàn toàn lao động
của con người? Thậm chí, trước khả năng tự động hóa công việc do cuộc Cách mạng
công nghiệp lần thứ tư, một số nghiên cứu gần đây đã đưa ra một dự báo về xuất
hiện khả năng thừa lao động. Học giả Y.N. Harari (năm 2019) gọi đó là “sự vô
dụng” của số đông. Hàm ý diễn đạt của Harari là khi ứng dụng AI, robot, thành
tựu sinh học... của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các cuộc cách mạng
công nghiệp nối tiếp sau nữa, rất có thể sẽ xuất hiện hiện tượng có nhu cầu về
lao động mà không cần sử dụng nhân công. Nhiều quá trình sản xuất và dịch vụ
vẫn có thể hoạt động bình thường mà không cần thuê mướn nhân công, vì robot và
AI đã có thể thay thế. Từ đó, những người này suy đoán rằng nhân loại sẽ chứng
kiến “một bất bình đẳng mới”. Câu hỏi ở đây là: Có còn sự bóc lột trong sản
xuất hiện nay? Đây cũng là một vấn đề được nhiều người quan tâm. Trên bình diện
hiện tượng, người ta thấy nhiều doanh nghiệp rất ít công nhân, cùng làm việc
với họ là một hệ thống tự động bao gồm khá nhiều máy móc, thiết bị quan sát,
cảm ứng để kiểm tra, hỗ trợ điều tiết và thay thế cho hoạt động của con người.
Nhiều công đoạn đã do robot đảm nhiệm; vì vậy, có một số người biện bạch rằng,
chủ nghĩa tư bản đã chuyển sang “bóc lột máy móc” chứ không phải là bóc lột
công nhân như trong các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây.
Cuối cùng, vấn đề
mấu chốt đặt ra trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cũng giống như
trong lịch sử của các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây) là: Giá trị thặng
dư của sản xuất được phân phối như thế nào? Hiển nhiên, nhà tư bản vẫn là người
chiếm hữu phần lớn nhất và công nhân vẫn là người bị bóc lột giá trị thặng dư.
Chỉ có sự khác biệt là, cùng với quá trình toàn cầu hóa mang đậm tính chất tư
bản chủ nghĩa hiện nay, quy mô bóc lột lao động đã mở rộng ra toàn cầu (thông
qua sự bành trướng của các công ty xuyên quốc gia - TNC); trình độ bóc lột đã
được “nâng cấp” thông qua độc quyền công nghệ, qua sự bất bình đẳng trong
thương mại quốc tế (do các nước giàu áp đặt với các nước nghèo).
Thứ hai, một số
luận điểm sai lệch phủ nhận sứ mệnh lịch sử của GCCN trong cuộc Cách mạng công
nghiệp lần thứ tư.
Giai cấp công
nhân có còn là giai cấp tiên tiến nhất trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư? Từ
hiện trạng của GCCN trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, có
thể thấy, tuy họ có thể bị phân hóa thành nhiều tầng lớp gắn liền với các trình
độ công nghệ khác nhau, nhưng tất cả đều hợp thành LLSX của nhân loại hiện đại.
Họ là giai cấp có vai trò quyết định quá trình sản xuất vật chất và dịch vụ
bằng phương thức công nghiệp. Sự phát triển của từng quốc gia tùy thuộc vào
năng lực sản xuất, trình độ dịch vụ khi so sánh. Năng lực sản xuất và trình độ
dịch vụ lại phụ thuộc vào công nghệ và quy mô sản xuất. Cả hai lĩnh vực đó lại
phụ thuộc vào trình độ sáng tạo và làm chủ công nghệ của công nhân. Chính GCCN
là chủ thể của nền sản xuất hiện đại, vì công nghệ phải luôn gắn liền với công
nhân.
Phát triển luôn
gắn liền với các cuộc cách mạng công nghiệp, chính công cụ sản xuất và quy
trình sản xuất hiện đại đã và sẽ tạo ra GCCN - “sản phẩm” xã hội của nó. Kinh
nghiệm của lịch sử các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây cho thấy, mỗi khi
công nghệ mới ra đời thì chính nó sẽ tạo ra những thế hệ mới của GCCN phù hợp
với nhu cầu thực tiễn. Vì vậy, luận điểm của C. Mác và Ph. Ăng-ghen: “Giai cấp
công nhân là sản phẩm của đại công nghiệp” chính là một tổng kết có tính phương
pháp luận.
Các nghiên cứu
hiện đại về nhu cầu nhân lực của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng cho
thấy: “Việc làm sẽ tăng đối với loại công việc trí tuệ, sáng tạo với mức lương
cao và loại công việc chân tay thu nhập thấp, nhưng sẽ giảm đáng kể đối với các
loại công việc đều đặn, lặp đi lặp lại với thu nhập trung bình”. Tại Cộng hòa
Liên bang Đức, “ước tính đến năm 2025, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ
tạo thêm khoảng 350.000 việc làm, tăng 5% so với lực lượng lao động 7 triệu
người trong 23 ngành sản xuất hiện đang tham gia nghiên cứu. Việc phổ biến
robot và công nghệ máy tính sẽ làm giảm khoảng 610.000 công việc lắp ráp và sản
xuất, nhưng sẽ có 960.000 công việc bổ sung. Các lĩnh vực công nghệ thông tin,
phân tích và R&D đòi hỏi thêm 210.000 nhân sự có tay nghề cao”.
Theo đó, GCCN
ngày càng đa dạng về nghề nghiệp và hiện đại hóa cùng với cuộc Cách mạng
công nghiệp lần thứ tư. Một số nghề nghiệp mới xuất hiện vài thập niên gần đây
cho thấy điều đó. Chẳng hạn như: lập trình viên, quản trị dữ liệu, phân tích
“pháp y” dữ liệu điện tử, quản lý khí thải carbon, kỹ sư phần cứng thông minh,
nhân viên vận hành và bảo trì hệ thống “thị giác” công nghiệp, kỹ sư mạch tích
hợp, nhân viên tư vấn bán hàng trực tuyến, dạy học trực
tuyến...
Giai cấp công
nhân có còn đại diện cho tính chất xã hội hóa của lực lượng sản xuất? Hiện nay,
tuy mới chỉ ở giai đoạn đầu, nhưng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã thể
hiện trình độ xã hội hóa khá cao của sản xuất và dịch vụ. Các biểu hiện của nó
là liên kết sản xuất toàn cầu thông qua các công cụ, như “kết nối vạn vật”
(IoT), sử dụng dữ liệu lớn (Big data) và cùng với đó là các điều ước quốc tế về
thương mại với các quy mô khác nhau tạo nên chuỗi sản xuất và cung ứng toàn
cầu.
Ngày nay, GCCN
hiện đại tham gia vào nhiều lĩnh vực của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tính chất xã hội hóa của lao động hiện đại không chỉ thể hiện ở những liên kết
rộng lớn và nhiều chiều, mà hiện nay một số khía cạnh của yêu cầu phát triển
bền vững, nhân bản, hài hòa... cũng đều thể hiện ra trong yêu cầu về công việc
và đạo đức nghề nghiệp của công nhân. Gắn liền với phương thức sản xuất công
nghiệp, là LLSX hàng đầu của nhân loại, vì thế tính chất xã hội hóa của GCCN là
một tính chất hữu cơ của giai cấp này.
Sứ mệnh lịch sử đối với quá trình phát
triển của thế giới vẫn thuộc về giai cấp công nhân
Sứ mệnh hàng đầu
của GCCN là bằng phương thức lao động công nghiệp để sản xuất ra của cải vật
chất ngày càng nhiều hơn, tốt hơn cho quá trình phát triển của nhân loại; từ
đó, tạo ra các tiền đề, điều kiện vật chất cho sự tồn tại, phát triển của xã
hội hiện đại. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và từ thực tiễn hiện
nay, có thể thấy GCCN ở tất cả quốc gia với trình độ phát triển khác nhau vẫn
đang tiếp tục thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình với nhiều trình độ, cách thức
khác nhau. Thậm chí, dưới góc nhìn của chủ nghĩa duy vật lịch sử, hiện nay,
chính GCCN ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển, bằng việc làm chủ khoa học
và công nghệ hiện đại, với năng suất lao động cao... lại đang đóng góp tích cực
cho việc thực hiện nội dung kinh tế - kỹ thuật của sứ mệnh lịch sử ấy.
Vì
vậy, trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch yêu cầu
đặt ra là cần tỉnh táo phản bác những luận điệu đó, góp phần bảo vệ nền tảng lý
luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong bối cảnh mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét