Văn học,
nghệ thuật là một trong những nguồn lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền
tảng tinh thần của xã hội và xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Nhận thấy sức mạnh to lớn đó, thời gian qua, các thế lực thù địch không ngừng
dùng mọi thủ đoạn để lợi dụng, biến văn học, nghệ thuật thành công cụ đắc lực
nhằm chống phá Đảng, Nhà nước. Thực trạng này đòi hỏi chúng ta phải thường
xuyên cảnh giác, tỉnh táo nhận diện để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Những sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật đã góp phần bồi đắp tư tưởng, tình cảm, đạo đức, nhân cách, lối sống tốt đẹp cho con người, tạo nền tảng tinh thần, động lực và sức mạnh nội sinh, góp phần vào quá trình phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì văn học, nghệ thuật cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhất là sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong chiến lược “diễn biến hòa bình”. Chúng xác định đây là một trong những mục đích quan trọng nhằm làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, tạo ra khoảng trống để thực hiện tham vọng. Một số âm mưu, thủ đoạn và chiêu bài, cách thức mà thế lực thù địch thường lợi dụng, núp bóng dưới những tác phẩm văn học, nghệ thuật để đả kích, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ nổi lên thời gian qua là việc phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Để thực hiện mục tiêu này, các thế lực không ngừng tuyên truyền, dụ dỗ một số văn nghệ sĩ thiếu bản lĩnh chính trị, nhẹ dạ cả tin, tư tưởng dao động, vốn sống và kinh nghiệm viết chưa nhiều viết lên những tác phẩm kém chất lượng với cái nhìn phiến diện, méo mó, hoài nghi về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Nhà nước, nhân dân đã lựa chọn. Tư tưởng bi quan, hoài nghi, dao động về chủ nghĩa Mác, về chủ nghĩa xã hội được một số tác giả cài cắm tinh vi thông qua những chi tiết, hình ảnh, lời nói của nhân vật trong truyện, ảnh hưởng và chi phối không nhỏ đến nhận thức cũng như tâm tư, tình cảm của công chúng, bạn đọc. Từ chỗ bất đồng quan điểm, tiếp nhận dễ dãi các trào lưu, khuynh hướng văn nghệ tiêu cực, thậm chí suy đồi, một số cây bút tiến hành thử nghiệm, đổi mới cách viết và phong cách sáng tác bằng cách đi ngược lại tôn chỉ, mục đích, chức năng cao quý của nghệ thuật và sứ mệnh, thiên chức của nhà văn. Họ hướng ngòi bút vào việc xét lại lịch sử, giải thiêng và tầm thường hóa hình tượng các nhân vật lịch sử, các vị anh hùng dân tộc với lý do là bù khuyết những khoảng trống mà lịch sử còn bỏ ngỏ.
Vì chạy theo thị hiếu tầm thường, chiều theo tâm lý
nhất thời một bộ phận công chúng, sức ép của cơ chế thị trường, sự chi phối của
đồng tiền và danh vọng, một số nghệ sĩ thiếu bản lĩnh, không làm chủ được bút
lực, sẵn sàng viết lên những tác phẩm theo yêu cầu dễ dãi của công chúng, hướng
ngòi bút vào những đề tài nhạy cảm về chính trị; khoét sâu vào những mặt tiêu
cực, đen tối như tệ nạn xã hội, cờ bạc, ma túy, mại dâm; tham nhũng, chạy chức
chạy quyền; những câu chuyện nội bộ liên quan đến đời tư của các đồng chí giữ
chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước...
Để thực hiện thành công âm mưu “diễn biến hòa bình” trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, các đối tượng chống phá, phản động đã sử dụng nhiều chiêu thức, biện pháp đa dạng, như: tài trợ về tài chính, sáng lập các quỹ hỗ trợ về sáng tạo; trao các giải thưởng thường niên về văn học, nghệ thuật, tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, học tập kinh nghiệm sáng tác ở nước ngoài; tổ chức các diễn đàn, hội thảo để qua đó dễ dàng thâm nhập vào đời sống văn học, nghệ thuật. Các đối tượng tìm mọi cách móc nối với một số nghệ sĩ bất đồng quan điểm chính kiến với chính quyền, dụ dỗ, kêu gọi các nghệ sĩ “cùng chí hướng” thành lập các hội, nhóm, tổ chức với tên gọi “văn đoàn độc lập”, “ly khai” và không chịu bất cứ sự ràng buộc trách nhiệm nào với các tổ chức Đảng, Nhà nước và tổ chức hội nghề nghiệp; đòi tách văn học, nghệ thuật ra khỏi đời sống chính trị, đòi trả sự lãnh đạo văn nghệ cho chính văn nghệ sĩ. Từ thực tế trên cho thấy công tác phòng chống các luận điệu xuyên tạc, núp bóng văn học, nghệ thuật để truyền bá cái xấu, cái ác, cái phản giá trị, phản nhân văn, cần thực thi đồng bộ, kiên trì, lâu dài nhiều giải pháp với sự tham gia của nhiều ban, ngành chức năng, hội nghề nghiệp, trách nhiệm của người nghệ sĩ, và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Để bảo vệ những tác phẩm chân chính, có giá trị, cũng như lên án, tẩy chay những tác phẩm có nội dung xấu độc, công chúng cần biết lựa chọn những tác phẩm hữu ích, có giá trị nhân văn; tỉnh táo, kịp thời nhận diện, phân biệt được những tác phẩm có nội dung xấu độc để có biện pháp phòng chống. Gia tăng sức đề kháng văn hóa bằng cách trang bị những tri thức, kỹ năng cần thiết khi tương tác, lựa chọn thông tin trên mạng xã hội, internet. Bảo vệ cái đúng, cái đẹp, cái thiện, tạo môi trường văn hóa lành mạnh để những giá trị nhân văn của nghệ thuật được lan tỏa./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét