Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2023

Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá ở Tây Nguyên

 

Thứ nhất, cần tập trung làm rõ những vấn đề lịch sử của khu vực Tây Nguyên.

Muốn xóa bỏ được những vấn đề mà các thế lực thù địch đã và đang lợi dụng, đang dựa vào để kích động chống phá và gây nên những bất ổn cho khu vực Tây Nguyên trong suốt thời gian qua, cần làm rõ nguyên nhân và nguồn gốc hình thành ban đầu của nó. Cái gọi là “Nhà nước Đề-ga tự trị”, “vua Nước”, “vua Lửa”, “vương quốc người Thượng” mà các thế lực thù địch đưa ra hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để khẳng định. Tính độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam đã được thể hiện trong Hiến pháp, pháp luật và được cộng đồng các quốc gia - dân tộc trên thế giới thừa nhận. Điều 5, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”(6). Do đó, việc nghiên cứu, làm rõ các vấn đề lịch sử của Tây Nguyên không chỉ làm phong phú hơn tiến trình lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất này mà còn góp phần cung cấp các luận cứ khoa học để đập tan các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Việc làm rõ các vấn đề lịch sử ở Tây Nguyên còn giúp cho cộng đồng cư dân sở tại hiểu rõ hơn truyền thống lịch sử của dân tộc mình, biết quý trọng những thành quả cách mạng mà các thế hệ ông cha đã hy sinh xương máu để gìn giữ và bảo vệ. Một khi nhận thức của cộng đồng cư dân được củng cố và nâng cao sẽ tạo nên sức mạnh phòng vệ một cách tự nhiên trước các âm mưu lôi kéo, kích động chia rẽ, ly khai của các thế lực thù địch.

Bộ đội Biên phòng với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Thứ hai, xây dựng vững chắc thế trận lòng dân ở khu vực Tây Nguyên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”(7). Sang giai đoạn đổi mới đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định: “Làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”(8). Thế trận lòng dân luôn là điểm tựa rất quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động "ly khai", "tự trị" ở khu vực Tây Nguyên. Việc vạch trần và làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo ở Tây Nguyên thời gian qua một phần rất lớn là nhờ vào thế trận lòng dân, sự ủng hộ, tin tưởng của nhân dân đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngay trong vụ khủng bố ở tỉnh Đắk Lắk vừa qua, nhân dân các địa phương đã tích cực phối hợp với lực lượng chức năng trong việc tố giác tội phạm, cũng như vây bắt các phần tử phản động. Nhờ vậy, chỉ sau hai ngày diễn ra sự việc, sự yên bình đã thực sự trở lại với quê hương Đắk Lắk. Nhờ có sự ủng hộ của đồng bào tỉnh Đắk Lắk, lực lượng chức năng đã nhanh chóng truy bắt được toàn bộ số đối tượng cầm đầu và hầu hết các đối tượng tham gia trực tiếp vụ việc(9). Có thể thấy rằng, thế trận lòng dân chính là nền tảng cơ bản và là điểm tựa quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động "ly khai", "tự trị", bạo loạn của các thế lực thù địch ở Tây Nguyên. Do vậy, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền các cấp ở Tây Nguyên cần có chiến lược, định hướng nhằm phát huy hơn nữa thế trận lòng dân vào trong quá trình xây dựng, phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như bảo vệ vững chắc quê hương trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Thứ ba, tiếp tục phát huy có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các tỉnh Tây Nguyên.

Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 18-1-2002, của Bộ Chính trị khóa IX, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001 - 2010” và Kết luận số 12-KL/TW, ngày 24-10-2011, của Bộ Chính trị khóa XI, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 - 2020”, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội các tỉnh Tây Nguyên có những bước chuyển khá quan trọng. Quy mô của nền kinh tế được mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 287 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng 14 lần so với năm 2002. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2002 - 2020 đạt 7,98%, cao nhất trong các vùng. GRDP bình quân trên đầu người năm 2020 đạt 48,08 triệu đồng/năm, gấp 10,6 lần so với năm 2002. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ. Công nghiệp phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt 12,79%, cao hơn bình quân cả nước (11,54%) và cao nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội trong cả nước(10). Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Tây Nguyên đang vững bước đi lên từng ngày.

Tuy nhiên, Tây Nguyên vẫn còn những hạn chế, yếu kém, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Do đó, để nâng cao hiệu quả việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đưa Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững, cấp uỷ, chính quyền các cấp cần chú trọng: 1- Cần bám sát trình độ phát triển kinh tế, đặc trưng văn hóa, phong tục, tập quán của từng dân tộc để áp dụng các chính sách phù hợp; 2- Nghiên cứu kỹ khả năng tiếp nhận, chuẩn bị của mỗi dân tộc để đưa ra những định hướng đúng đắn cho đồng bào trong thực thi, vận hành chính sách; 3- Cần phân loại cụ thể các chính sách để thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, có hiệu quả, nhất là đối với những chính sách quan trọng, cấp bách; 4- Xây dựng lộ trình, kế hoạch và các yêu cầu cụ thể đối với từng chính sách để tiện theo dõi, đánh giá hoặc kịp thời điều chỉnh, bổ sung, phát triển cho phù hợp với đặc thù của từng dân tộc, từng địa phương; 5- Phát huy đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của hệ thống chính trị ở cơ sở trong vai trò là người hướng dẫn đồng bào thực thi, áp dụng các chính sách vào trong đời sống; 6- Cần bảo đảm tính bình đẳng về quyền thụ hưởng, sự phân bổ các cơ chế, chính sách giữa các dân tộc, giữa các địa phương; tránh việc tuyệt đối hóa tính đặc thù của một khu vực, một đối tượng nhất định; đồng thời, tránh áp dụng chính sách chung chung, thiếu tính cụ thể.

Thứ tư, phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở trong đấu tranh vạch trần những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo của các thế lực thù địch.

Hệ thống chính trị ở cơ sở là cấp quản lý gần gũi nhất với đời sống của quần chúng nhân dân. Cấp quản lý này sẽ dễ theo sát những biến động cũng như âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch khi chúng xâm nhập vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, việc phát huy vai trò tiên phong của hệ thống chính trị ở cơ sở vừa ngăn chặn được từ sớm, từ xa âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch, vừa hạn chế tối đa những hậu quả khó lường do các thế lực thù địch gây nên.

Để phát huy vai trò, khả năng đấu tranh chống các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, chính quyền các cấp ở Tây Nguyên cần chăm lo kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở; đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên là người đồng bào các dân tộc thiểu số; thường xuyên theo sát cơ sở, phát huy tinh thần đoàn kết của đồng bào trong thực thi các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương”(11). Đồng thời, tăng cường cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức cho cơ sở, nhất là ở những địa bàn trọng điểm... Cán bộ công tác ở vùng dân tộc thiểu số phải biết ngôn ngữ địa phương, am hiểu phong tục, tập quán, tín ngưỡng của đồng bào; thực hiện tốt phong cách dân vận “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”; không quan liêu, tham nhũng. Tích cực đổi mới công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo phương châm “chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc” phù hợp với đặc thù từng dân tộc./.

LHQ- ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét