Thứ Ba, 19 tháng 9, 2023

NÊU GƯƠNG TỪ TRONG NHÀ ĐẾN CƠ QUAN

 Vấn đề nêu gương vốn đã được nói đến rất nhiều lần, trong các văn kiện của Đảng, các lời dạy của Bác Hồ, các phát biểu của các đồng chí lãnh đạo… Cán bộ, đảng viên cũng nhiều người nhận thấy và khẳng định vai trò quan trọng của tính nêu gương. Nhưng có lẽ ai cũng thấy đây là việc không hề dễ dàng.

Trong tập sách Tấm gương Bác, ngọc quý của mọi nhà (Nhà xuất bản Công an nhân dân, năm 2018), TS. Nguyễn Văn Khoan nêu một trường hợp rất đáng suy nghĩ. Trong một lần thi kể chuyện về Bác Hồ, một cháu bé nêu chuyện về đôi tất rách gót của Bác, do Bác tự vá lại để đi… khiến cả hội trường cảm động. Một cựu chiến binh quen biết gia đình cháu đã hỏi: “Sao bố cháu không kể thay cháu chuyện này?”. Ban đầu, ít người hiểu được ý tứ sâu xa của câu hỏi. Sau đó mới biết rằng, bố mẹ cháu bé kia là cán bộ cơ quan nhà nước, nhưng ăn tiêu hoang phí quá đồng lương họ nhận được của nhà nước. Điều đó khiến người khác nghĩ ngợi đến việc liệu họ có buôn lậu, tham nhũng, nhận hối lộ hay tìm cách trục lợi bất chính khác không. Như vậy, câu chuyện cháu bé kể tuy hay nhưng với một số người, chuyện trong chính gia đình cháu thì lại không hay.
Câu chuyện cho ta thấy, việc nêu gương của người lớn, của cán bộ, đảng viên, của các vị lãnh đạo, trước hết phải thực hiện ngay gia đình mình, ngay trong cơ quan, đơn vị của mình. Người càng gương mẫu thì càng có uy tín; người càng lớn tuổi hoặc có vị trí càng cao thì càng phải gương mẫu.
Người làm cha mẹ hướng dẫn, dạy dỗ, động viên con cái phải trung thực, nói điều hay lẽ phải, giữ lời hứa nhưng liệu bản thân thường xuyên gian dối với người khác, với tổ chức, không cân nhắc mà nói những lời gây tổn thương cho người khác hoặc không giữ lời hứa với đồng nghiệp, với nhân dân; dạy con phải biết tiết kiệm, phải tôn trọng của cải, tài sản của mình và người khác nhưng phải chăng lại phung phí khi xài của công, sống xa hoa so với thu nhập từ công việc, tìm cách trục lợi từ chức vụ, quyền hạn của mình; dạy con biết tôn trọng người già, yêu quý trẻ nhỏ, người khuyết tật, biết thương người và quan tâm đến người khác nhưng có khi nào lại sẵn sàng chà đạp người nào có khả năng gây bất lợi cho lợi ích của bản thân (kể cả khi lợi ích đó sai trái), thượng đội hạ đạp, vô cảm hoặc chỉ thể hiện lòng nhân ái một cách hình thức; dạy con phải biết chăm chỉ, siêng năng, không ngừng học tập, nâng cao trình độ nhưng phải chăng bản thân lại tránh nặng tìm nhẹ, việc khó thì đổ cho người khác, việc có lợi thì tranh lấy, khuyết điểm thì né tránh, công lao thì vơ vào, lười học tập, nhất là học lý luận chính trị; dạy con phải biết sống thực chất, trong sáng, nhưng có khi nào bản thân chạy bằng cấp, chạy chức vụ, chạy thành tích, trong suy nghĩ và hành động thực dụng và vụ lợi.
Hay trong cơ quan, đơn vị thì yêu cầu cấp dưới, đề nghị người khác phải tuân thủ nguyên tắc, quy định, nội quy nhưng liệu bản thân có khi nào độc đoán, thiếu dân chủ, hễ có thể lách được quy định thì sẵn sàng không tuân thủ, giám sát người khác thực hiện yêu cầu nhưng bản thân thì tìm cách che đậy; đề nghị mọi người luôn nỗ lực, sáng tạo, đổi mới để nâng cao hiệu quả, năng suất làm việc nhưng có khi nào bản thân chỉ tỏ ra cố gắng, nghĩ và làm theo lối mòn, không dám đổi mới sợ không làm được hoặc sợ người khác vượt trội; đề nghị người khác phải thẳng thắn, trung thực trong tự phê bình và phê bình, có trách nhiệm với đơn vị, với tổ chức đảng nhưng phải chăng bản thân hay quanh co, ưu điểm thì nói rõ nhưng hạn chế thì né tránh, góp ý cho người khác thì chỉ nói mặt tốt với người mình thích, chỉ nói mặt nhược của người mình ghét; đề nghị quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ phấn đấu, chăm lo quyền lợi của mọi người trong đơn vị nhưng liệu bản thân lại sợ “măng lớn nhanh hơn tre”, lấy lợi ích làm chiêu bài để lôi kéo, tạo bè cánh; hô hào, đề nghị mọi người phải học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phải sống giản dị, trong sáng nhưng chắc gì bản thân đã thực sự học Bác, đã thể hiện sự chan hòa, khiêm tốn, lành mạnh…
Những điều chưa nêu gương đó đều là những hạn chế, khuyết điểm, thậm chí là biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị, vốn đã được nêu trong các văn kiện của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về xây dựng Đảng. Chính vì sự thiếu nêu gương, thiếu tu dưỡng đó mà thời gian qua có nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự…
Báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã nêu rõ: từ năm 2016 - 2020, có 25.104 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bị xử lý kỷ luật. Trong đó, 8.281 đảng viên bị kỷ luật do suy thoái về tư tưởng chính trị, nhiều nhất là “không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả...”. Bên cạnh đó, còn có 477 đảng viên “nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nói không đi đôi với làm, hứa nhiều, làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đường chức với lúc về nghỉ hưu”. Ngoài ra, còn có 2.216 đảng viên “gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả, mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định; chi tiêu công quỹ tùy tiện, vô nguyên tắc. Sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động”; 1.623 đảng viên tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn của kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực…
Phần lớn những đảng viên vi phạm bị xử lý nêu trên là cán bộ giữ chức vụ trong cơ quan, đơn vị, địa phương, có nhiều trường hợp là người đứng đầu. Như vậy, sự nêu gương của một bộ phận cán bộ, đảng viên với quần chúng nhân dân còn chưa tốt. Liệu trong số đó có bao nhiêu người chưa thực sự nêu gương với chính con cái mình, với cán bộ cấp dưới của mình?
Từ đó có thể thấy, đặt ra vấn đề nêu gương thì trước hết phải nêu gương với người trong gia đình, nhất là với trẻ nhỏ, và nêu gương với cấp dưới trong đơn vị, nhất là quần chúng, người đang phấn đấu vào Đảng. Không nêu gương với người gần gũi thì e là rất khó nêu gương trước nhân dân. Mà không thể hiện được điều đó thì có thể chưa là một đảng viên trọn vẹn!./.
St

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét