Trải qua 4 năm lãnh đạo quân và dân ta kháng chiến, Đảng ta ngày càng dày dạn và trở thành một “Đảng kháng chiến” với nhãn quan chiến lược rất nhạy bén và sắc sảo. Đến năm 1950, Đảng khẳng định: Cuộc kháng chiến chống Pháp đang có những thuận lợi cho ta, bất lợi cho Pháp về tương quan so sánh lực lượng trên chiến trường, ta ngày càng trưởng thành, Pháp càng đánh càng lâm vào thế bị động. Trên cơ sở đó, Đảng nhận định: Năm 1950 là năm bản lề giữa hai giai đoạn chiến lược (cầm cự, tổng phản công), năm quyết định để ta vượt qua giai đoạn cầm cự, chuyển sang giai đoạn tổng phản công. Đó là cơ sở để Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới và quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân ta giành thắng lợi. Thực hiện quyết tâm chiến lược đó, Đảng chỉ đạo chuẩn bị chiến trường, nêu rõ: “Công việc chuẩn bị cần chú trọng đến củng cố và phát triển cơ sở chính trị và vũ trang, gây cơ sở du kích... điều tra địch tình, phá hoại kinh tế địch, chuẩn bị lương thực tiếp tế cho bộ đội đến đánh”. Đây là sự chỉ đạo chiến lược quan trọng của Đảng nhằm chuẩn bị chu đáo về các mặt trước khi bước vào giai đoạn tiến hành chiến dịch như kế hoạch đề ra.  

Nghệ thuật chỉ đạo chiến lược của Đảng trong Chiến dịch Biên giới
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát mặt trận Đông Khê, Chiến dịch Biên giới, ngày 16-9-1950. Ảnh tư liệu 

Điểm nổi bật về sự chỉ đạo chiến lược của Đảng không chỉ phản ánh ở cấp chiến lược mà còn thể hiện nghệ thuật chuyển hóa chiến lược tài tình. Lúc đầu, Tổng Quân ủy đề nghị mở chiến dịch trên hướng Tây Bắc (cụ thể ở Lào Cai), vì coi đây là nơi địch yếu, sơ hở nhất và chuẩn bị chiến trường ở hướng Đông Bắc. Nhưng sau đó xét so sánh giữa hai mặt trận, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định chuyển hướng mở chiến dịch sang Đông Bắc và chọn tiến công vào tuyến biên giới khu vực Cao Bằng-Lạng Sơn, trong đó tập trung tiến công phòng tuyến địch trên đường số 4, đoạn Cao Bằng-Thất Khê. Chọn Cao Bằng-Lạng Sơn mở chiến dịch sẽ trực tiếp làm phá sản kế hoạch Revers của Pháp, nhằm phong tỏa biên giới Việt-Trung, ngăn chặn sự chi viện của cách mạng Trung Quốc cho cách mạng Việt Nam, bao vây, cô lập căn cứ địa Việt Bắc, tiêu diệt ta. Vì thế, Đảng ta đã sớm có tầm nhìn chiến lược, chuyển Đông Bắc thành hướng chiến lược, nếu ta giải phóng được vùng biên giới sẽ phá thế bao vây, cô lập của địch, mở thông đường giao lưu quốc tế, củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc, tiến lên giành quyền chủ động về chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ.

Vấn đề chỉ đạo chiến lược của Đảng còn thể hiện lãnh đạo, chỉ huy thống nhất. Để trực tiếp lãnh đạo các lực lượng vũ trang và nhân dân thực hành chiến dịch, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định thành lập Đảng ủy Mặt trận Biên giới (25-7-1950) gồm 5 đồng chí, do đồng chí Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng làm Bí thư. Bộ chỉ huy chiến dịch do Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp tổ chức, chỉ huy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh được chỉ định làm Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy chiến dịch; đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam làm Tham mưu trưởng. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quyết định những vấn đề mang tính chiến lược của chiến dịch mà Người còn lên đường ra mặt trận trực tiếp cùng Bộ chỉ huy chỉ đạo chiến dịch. Trước khi bộ đội ta đánh Đông Khê, trận then chốt mở màn chiến dịch (16 đến 18-9-1950), Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đài quan sát ở Nà Lạn, cách Đông Khê khoảng 11km về phía Đông, trực tiếp theo dõi trận đánh này. Nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo, chỉ huy các cấp, các quyết định, chỉ thị của Trung ương Đảng lập tức đến với các lực lượng tham gia chiến dịch; đồng thời các vấn đề chỉ huy chiến lược cũng được thực hiện tập trung thống nhất trên toàn mặt trận.

Cùng với lãnh đạo, chỉ huy thống nhất, đề ra phương châm tác chiến chiến lược và quán triệt vận dụng thành công cũng là nét nổi bật trong Chiến dịch Biên giới. Để bảo đảm cho bộ đội ta thực hiện phương châm “đánh điểm, diệt viện” (đánh điểm chỉ là biện pháp, diệt viện mới là mục đích của ta), cần thống nhất phương châm tác chiến chiến lược trên toàn Mặt trận Biên giới. Lúc đầu, ý định của ta đánh địch ở Cao Bằng trước, sau đó đánh Đông Khê, nhưng qua nghiên cứu thực tế chiến trường, để bảo đảm chắc thắng, Đảng ủy Mặt trận đề nghị Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đánh Đông Khê trước và được chấp thuận.

Phương án tác chiến chiến lược được xác định: Tập trung lực lượng tiêu diệt cứ điểm Đông Khê trước để mở màn; tiếp đó tập trung lực lượng lớn hơn đánh quân ứng chiến, chuyển lực lượng xuống đánh Thất Khê và cuối cùng tiến công vào thị xã Cao Bằng. Quán triệt sâu sắc phương châm tác chiến, bộ đội ta đã đánh nhiều trận, trong đó điển hình là trận Đông Khê, trận then chốt mở màn chiến dịch thắng lợi, trận Cốc Xá-điểm cao 477 (từ ngày 5 đến 8-10-1950), trận then chốt quyết định tiêu diệt hai binh đoàn Le Page và Charton. Tiếp đó, từ ngày 9 đến 14-10-1950, ta chuyển sang tiến công, buộc địch lần lượt phải rút khỏi Thất Khê, Na Sầm, Đồng Đăng, thị xã Lạng Sơn, Lạng Giang, Lộc Bình, Đình Lập, An Châu, kết thúc chiến dịch. 

Nghệ thuật chỉ đạo chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Chiến dịch Biên giới thể hiện rất tài tình, sắc bén về nhận định tình hình và quyết định chính xác, chủ động chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đúng đắn, kịp thời; tập trung lãnh đạo, chỉ huy thống nhất; xác định phương châm tác chiến chiến lược và quán triệt vận dụng thành công phương châm đó.