Nhận diện đặc điểm chương trình đào tạo, bồi dưỡng và yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy ở Trường Đảng hiện nay
(LLCT) - Thực hiện các nghị quyết của Đảng về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có nhiều đổi mới về xây dựng chương trình, giáo trình, phát triển đội ngũ giảng viên, phương pháp giảng dạy, bước đầu đạt chất lượng, hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có một số mâu thuẫn nảy sinh, nhất là về chương trình, giáo trình và phương pháp giảng dạy. Góp bàn về những vấn đề trên, bài viết tập trung nhận diện, phân tích bốn đặc điểm của chương trình đào tạo, bồi dưỡng của hệ thống Trường Đảng; đồng thời, tiếp cận, chỉ ra yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy ở hệ thống Trường Đảng hiện nay.
1. Nhận diện đặc điểm chương trình đào tạo, bồi dưỡng Trường Đảng
Chương trình đào tạo là bản thiết kế tổng thể các hoạt động của quá trình đào tạo cho một khóa học hoặc một loại hình đào tạo nhất định, trong đó xác định mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức và các yêu cầu về kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo. Chương trình đào tạo phản ánh mục tiêu, quan điểm hay triết lý đào tạo của mỗi cơ sở đào tạo, nhằm đáp ứng yêu cầu cá nhân, tổ chức và xã hội.
Mục tiêu đào tạo của Trường Đảng là tạo ra sản phẩm, mẫu hình đội ngũ cán bộ: “làm việc, làm người, làm cán bộ;... để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Từ mục tiêu đó, có thể nhận diện đặc điểm chương trình đào tạo, bồi dưỡng như sau:
Một là, phản ánh, biểu đạt những nội dung về thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng, phương pháp luận biện chứng.
Mục tiêu đào tạo của Trường Đảng là tạo ra đội ngũ cán bộ: “làm việc, làm người, làm cán bộ;... phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Vì thế, chương trình đào tạo cung cấp nền tảng tri thức khoa học căn bản, hệ thống, hiện đại, thực tiễn lý luận về phát triển xã hội; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phương pháp, cách thức thực hiện nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng, qua đó để người học xây dựng thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng, phương pháp luận biện chứng nhằm thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Lý luận đó chính là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở, nội dung dạy và học lý luận chính trị phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm gốc. Bởi đó là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng: “Trước hết phải lấy những tài liệu về chủ nghĩa Mác - Lênin làm gốc”(1). Người nhấn mạnh, việc dạy và học chủ nghĩa Mác - Lênin phải “theo nguyên tắc: kinh nghiệm và thực tế phải đi cùng nhau”(2).
Hai là, phản ánh, biểu đạt những quan điểm, nguyên tắc, phương châm, quyết sách của Đảng Cộng sản Việt Nam; pháp luật, chính sách của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Để thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Đảng, học viên Trường Đảng phải thấm nhuần đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đường lối, chính sách của Đảng chính là các văn kiện (cương lĩnh, tuyên bố, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kết luận...) của đại hội Đảng hoặc cơ quan lãnh đạo của Đảng - gọi chung là nghị quyết Đảng. Nghị quyết thể hiện mục tiêu phấn đấu của Đảng; bản chất giai cấp; những quan điểm, nguyên tắc, phương châm, quy định về tổ chức và hoạt động; phương hướng, nhiệm vụ hoạt động trong từng thời kỳ, giai đoạn cách mạng. Nghị quyết là tuyên ngôn, thông điệp chính trị khẳng định vị thế, nền tảng tư tưởng chính trị để đoàn kết, thống nhất lực lượng của Đảng; là ngọn cờ định hướng tư tưởng, hành động của Đảng mà tất cả đảng viên phải thấm nhuần, thực hiện.
Chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm cụ thể hóa các nguyên tắc, phương châm, quyết sách của Đảng thành hệ thống các quy tắc xử sự chung mang tính bắt buộc do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, phục vụ và bảo vệ quyền lợi của các tầng lớp dân cư trong xã hội.
Hồ Chí Minh cho rằng: “Học tập chính cương, chính sách của Đảng cho hiểu mà làm cho đúng tức là thực hành chủ nghĩa Mác - Lênin. Chính cương và chính sách của Đảng đối với công việc kháng chiến và kiến quốc là áp dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh của cách mạng ta”(3). Đồng thời, “Có nắm vững đường lối cách mạng mới thấy rõ phương hướng tiến lên của cách mạng, mới hiểu rõ mình phải làm gì và đi theo phương hướng nào để thực hiện mục đích của Đảng trong giai đoạn cách mạng hiện nay”(4). Chỉ dạy đó khẳng định, đặc điểm riêng có của chương trình đào tạo, bồi dưỡng ở Trường Đảng phải chú trọng nội dung về đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gắn với tình hình thời sự chính trị hiện tại của đất nước.
Ba là, phản ánh và biểu đạt những nội dung, phương pháp rèn luyện đạo đức cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở, muốn đạt được mục tiêu lý tưởng của Đảng phải có đội ngũ cán bộ “vừa hồng”, “vừa chuyên”, vừa có đức, vừa có tài, trong đó đạo đức là gốc. Hồ Chí Minh khẳng định: “Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không”(5). Tính cốt yếu của đạo đức cách mạng, theo Hồ Chí Minh là: trung thành với Đảng và nhân dân; suốt đời phấn đấu vì mục tiêu của Đảng, của cách mạng, của nhân dân; đặt lợi ích của Đảng và nhân dân lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình; ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ; “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”...
Theo lời dạy của Người, đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển, củng cố. Vì thế, để có đạo đức cách mạng, mỗi cán bộ, đảng viên phải rèn luyện, tu dưỡng với nhiều hình thức khác nhau, trong đó có việc học tập, tu dưỡng, rèn luyện ở Trường Đảng. Học tập lý luận mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao hiểu biết về lý luận chính trị; chỉ có học tập ở nhà trường mới cung cấp nguyên lý, nguyên tắc, phương pháp, cách thức rèn luyện đạo đức cách mạng, từ đó, củng cố niềm tin lý tưởng, nhân sinh quan và các giá trị đạo đức của người cộng sản.
Bốn là, phản ánh, biểu đạt những nội dung về kỹ năng lãnh đạo, quản lý và kinh nghiệm cách mạng trong, ngoài nước.
Khi bàn về tổ chức dạy học trong Trường Đảng, Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc dạy lý luận chính trị cần chú ý dạy phương pháp công tác, cách lãnh đạo, kinh nghiệm cách mạng trong và ngoài nước.
Dạy phương pháp công tác là: “Phải dạy công tác. Ví dụ: về các việc tổng động viên, thi đua ái quốc, thu thuế bằng thóc, v.v. phải giải thích thế nào cho dân hiểu, phải động viên thế nào, sắp đặt công việc thế nào. Việc thắng lợi ngoại giao vừa rồi, phải xem xét ảnh hưởng đối với ta thế nào, đối với địch thế nào, đối với trong nước thế nào, đối với quốc tế thế nào, làm thế nào để lợi dụng được hết ảnh hưởng của thắng lợi đó. Những việc như thế đều phải dạy cho cán bộ và đồng chí biết”(6).
Dạy cách lãnh đạo: “Lãnh đạo đúng nghĩa là:
1. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng. Mà muốn thế thì nhất định phải so sánh kinh nghiệm của dân chúng. Vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta.
2. Phải tổ chức sự thi hành cho đúng. Mà muốn vậy, không có dân chúng giúp sức thì không xong.
3. Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được”(7).
Dạy và học tập kinh nghiệm của các đảng anh em, nhất là trong xây dựng chủ nghĩa xã hội: “Chúng ta phải dùng những phương pháp gì, hình thức gì, đi theo tốc độ nào để tiến dần lên chủ nghĩa xã hội? Đó là những vấn đề đặt ra trước mắt Đảng ta hiện nay. Muốn giải quyết tốt những vấn đề đó, muốn đỡ bớt mò mẫm, muốn đỡ phạm sai lầm, thì chúng ta phải học tập kinh nghiệm các nước anh em và áp dụng những kinh nghiệm ấy một cách sáng tạo”(8).
2. Tiếp cận về yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy của Trường Đảng hiện nay
Thuật ngữ phương pháp theo tiếng Hy Lạp là “Methodos” có nghĩa là con đường, cách thức hoạt động nhằm đạt được mục đích. Từ nghĩa này cho thấy cấu trúc của phương pháp bao gồm những hành động, những phương tiện cần thiết làm biến đổi đối tượng nhằm đạt được mục đích. Sức mạnh của phương pháp là ở chỗ đem lại công cụ có hiệu quả để thực hiện và đạt mục đích. Ph.Bêcơn (1561-1626), nhà triết học người Anh, ví phương pháp như ngọn đuốc soi đường cho người đi trong đêm tối. R.Đêcáctơ (1596-1650), nhà triết học người Pháp khẳng định, chẳng thà không đi tìm chân lý, còn hơn đi tìm chân lý mà không có phương pháp khoa học.
Tổ chức giảng dạy chính là quá trình tương tác giữa người dạy và người học để đạt mục tiêu. Sự tương tác giữa người dạy và người học bằng cách nào và thực hiện tổ chức dạy học ra sao để đạt mục tiêu chương trình đào tạo chính là phương pháp dạy học.
Phương pháp dạy học là những cách thức tổ chức hoạt động giữa người dạy và người học, nhờ đó mà người học đạt được kiến thức, kỹ năng, tư tưởng, thái độ, hình thành phẩm chất, năng lực theo yêu cầu mục tiêu đào tạo, trong điều kiện, môi trường cụ thể. Từ tiếp cận trên, có thể khẳng định, phương pháp dạy học phụ thuộc vào các yếu tố cơ bản: Mục tiêu đào tạo; chương trình đào tạo; phẩm chất, năng lực người dạy; phẩm chất, năng lực người học; môi trường học tập; phương tiện dạy học.
Đối với Trường Đảng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng ta tổ chức trường học lý luận cho cán bộ là để nâng cao trình độ lý luận của Đảng ta đặng giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế của Đảng ta, để Đảng ta có thể làm tốt hơn công tác của mình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ cách mạng vĩ đại của mình”(9); “Trường Đảng là một trường học để đào tạo những chiến sĩ tiên tiến phấn đấu cho sự nghiệp của giai cấp vô sản. Các đồng chí đều là những cán bộ cốt cán của Đảng. Việc học tập lý luận của các đồng chí không phải nhằm biến các đồng chí thành những người lý luận suông, mà nhằm làm thế nào cho công tác của các đồng chí tốt hơn”(10); “Không nên học gạo, không nên học vẹt”(11). Mà phải: “Học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin; học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta”(12).
Trở lại nguyên tắc dạy học mácxít, nguyên tắc cơ bản trong tổ chức giảng dạy ở Trường Đảng, đó là lý luận phải gắn liền với thực tiễn; học đi đôi với hành, học tập gắn rèn luyện. Trong bài diễn văn khai mạc lớp học lý luận khóa I Trường Nguyễn Ái Quốc năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ phương pháp giảng dạy và học tập ở Trường Đảng là: “Dùng lý luận đã học được để phân tích những thắng lợi và thất bại trong công tác, những mặt đúng mặt sai trong tư tưởng, phân tích một cách toàn diện và tìm nguồn gốc đúng sai về lập trường, quan điểm và phương pháp của mình. Làm như thế là tổng kết để làm cho nhận thức của chúng ta đối với các vấn đề đó được nâng cao hơn và công tác có kết quả hơn”(13). Như thế, phương pháp giảng dạy ở Trường Đảng là tăng cường thảo luận, đối thoại, định hướng tư tưởng, tăng cường sử dụng nguyên tắc tự phê bình và phê bình để cải tạo phương pháp học tập của bản thân, tránh lối dạy truyền thụ, nhồi nhét, giáo điều, sách vở, xa rời thực tiễn; đồng thời, chú trọng phương pháp rèn luyện phong cách, bản lĩnh người cán bộ lãnh đạo, quản lý nhằm hướng tới rèn luyện bản lĩnh chính trị, kỹ năng giải quyết những tình huống khó, phức tạp trong lãnh đạo, quản lý; cần có những phương pháp tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời.
Với yêu cầu trên, Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 26 tháng 5 năm 2014, về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý nhấn mạnh, đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, lấy người học làm trung tâm. Với yêu cầu đó, đổi mới phương pháp dạy học được triển khai theo cách thức sau:
Một là, đổi mới phương pháp giảng dạy thông qua hoạt động của người học. Người dạy không chỉ truyền đạt tri thức một chiều, mà còn hướng dẫn, dẫn dắt để cho học viên trao đổi, thảo luận nhiều hơn, từ đó học viên nắm được kiến thức, chuyển thành kỹ năng, hình thành phẩm chất, năng lực cần thiết đáp ứng mục tiêu của chuyên đề, môn học, chương trình đào tạo.
Hai là, kết hợp rèn luyện phương pháp tự học. Yêu cầu rèn luyện phương pháp, kỹ năng học cho người học không chỉ là biện pháp mà là mục tiêu của quá trình đào tạo. Trong cách thức tổ chức dạy học, giảng viên rèn cho người học kỹ năng, thói quen, ý chí và tính chủ động khám phá tri thức thông qua các bài tập tình huống, các vấn đề thực tiễn, các hoạt động ngoài giờ lên lớp để dần hình thành phương pháp, phong cách học tập suốt đời.
Ba là, tăng cường học tập cá thể với học tập tập thể. Thông thường, trình độ về nhận thức, kỹ năng, thái độ, tư tưởng của người học không đồng đều. Chính quá trình kết hợp học tập giữa cá nhân với nhóm thông qua thảo luận, tranh luận cùng sự định hướng của giảng viên là cơ sở chia sẻ tri thức, chiếm lĩnh mục tiêu về kiến thức, kỹ năng, thái độ, tư tưởng của chuyên đề, môn học, chương trình đào tạo.
Bốn là, kết hợp đánh giá của người dạy với tự đánh giá người học. Việc đánh giá tổ chức dạy - học có nhu cầu tự thân, bởi lẽ việc đánh giá không chỉ điều chỉnh quá trình dạy mà còn điều chỉnh quá trình học. Với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực cho người học theo mục tiêu chương trình hiện nay, giảng viên không thể giữ độc quyền trong đánh giá mà cần có sự hướng dẫn người học phát triển kỹ năng tự đánh giá để tự điều chỉnh cách học sao cho phù hợp với mục tiêu đào tạo; đồng thời, hình thành cho người học phương pháp tự đánh giá nhằm điều chỉnh bản thân trong quá trình hoạt động thực tiễn.
Như vậy, nhận diện đặc điểm chương trình đào tạo, bồi dưỡng gắn với yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy là một trong những nội dung cơ bản thể hiện bản chất Trường Đảng. Từ đây gợi lên những suy nghĩ về việc đổi mới mô hình đào tạo, tiêu chuẩn, tiêu chí đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên và xây dựng môi trường văn hóa Trường Đảng.
__________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2020
(1), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.359, 357.
(2), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr.312, 325.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Sđd, tr.218.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr.113.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Sđd, tr.354.
(8), (9), (10), (11), (12), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Sđd, tr.92, 90, 95, 402, 95, 96.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 09 tháng 02 năm 2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới.
2. Học viện Chính trị khu vực I: Dạy tốt, học tốt lý luận chính trị ở Học viện Chính trị khu vực I theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2018.
3. Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, www.hcma.vn.
4. Trần Khánh Đức (chủ biên), Quản lý đào tạo và Quản trị nhà trường hiện đại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2019.
Nguồn: PGS, TS Nguyễn Vĩnh Thanh
TS Vũ Văn Hậu
Học viện Chính trị khu vực I
bài rất hay
Trả lờiXóa