Thứ Tư, 20 tháng 9, 2023

NHẬN THỨC ĐẶC ĐIỂM Ý THỨC XÃ HỘI NƯỚC TA TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA, HỘI NHẬP THEO QUAN ĐIỂM ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

 

Đặc điểm của ý thức xã hội theo quan điểm Văn kiện Đại hội XIII được thể hiện trên những nội dung cơ bản sau:

Một là, ý thức xã hội ở nước ta hiện nay được hình thành củng cố, phát triển trên nền tảng kinh tế - vật chất, tinh thần phản ánh sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thực tiễn sự vận động của nền kinh tế đã kiểm nghiệm nhờ kinh tế thị trường, đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, phát triển đạt được “những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử”. Những thành tựu đó là cơ sở quan trọng để Đảng, Nhà n­ước ta đề ra và thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm, nâng cao đ­ược lợi ích vật chất và tinh thần, lợi ích chung và lợi ích riêng, lợi ích tr­ước mắt và lợi ích lâu dài đối với nhân dân. Đồng thời, tạo cơ sở cho xã hội có nhiều thay đổi trong đời sống văn hoá, tinh thần, những giá trị truyền thống văn hoá, đạo đức tốt đẹp của dân tộc tiếp tục đ­ược phát huy.

Chế độ chính trị nhất nguyên một Đảng lãnh đạo là nhân tố có vị trí, vai trò quyết đnh đối với bản chất, nội dung và khuynh hướng vận động, phát triển đời sống tinh thần xã hội, trong đó có ý thức xã hội. Sự lãnh đạo tài tình của Đảng, sự quản lý hiệu quả của Nhà nước đã và đang tiếp tục chứng minh tính ưu việt, đúng đắn và củng cố niềm tin chính trị trong nhân dân. Tạo cơ sở khơi dậy tình cảm cao đẹp, niềm tin vững chắc, ý chí quyết tâm và nỗ lực hiện thực hóa “khát vọng phát triển đất nước” ở con người Việt Nam.

Nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là nền tảng tinh thần vững chắc để định hướng cho sự phát triển của các hình thái ý thức xã hội. “Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam...; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại” có ý nghĩa quan trọng để giữ gìn, phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Ý thức xã hội ở nước ta phản ánh tính hai mặt, sự biến động và những diễn biến phức tạp của của công cuộc đổi mới toàn diện, mở của, hội nhập, toàn cầu hóa trong bối cảnh tình hình thế giới trong thế đối đầu, cạnh tranh giữa các nước lớn, tranh chấp chủ quyền biển đảo cũng như những tác động an ninh phi truyền thống diễn biến phức tạp. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác, nhất là an ninh mạng, ngày càng tác động mạnh mẽ, nhiều mặt, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta”. Do đó, ý thức xã hội ở nước ta chịu sự tác động và phản ánh mâu thuẫn cơ bản của thời đại. Tuy nhiên, xu hướng vận động, phát triển chung, cơ bản, chủ yếu theo định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn là cơ bản, phản ánh và biểu hiện tính tiến bộ, ưu việt và những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Hai là, yếu tố tiến bộ, cách mạng của ý thức xã hội vẫn là chủ yếu, động lực tinh thần quan trọng đối với sự phát triển xã hội.

Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng được củng cố, phát triển trong xã hội, là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Định hướng cho sự phát triển đúng đắn và lành mạnh của đời sống tinh thần, ý thức xã hội. Là nền tảng tư tưởng chủ yếu, cơ bản, chính thống chi phối đến bản chất và khuynh hướng phát triển của các hình thái của ý thức xã hội khác trong đời sống tinh thần xã hội. Đảng ta đánh giá “Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” chính là “kinh nghiệm quý báu” để Đảng ta lãnh đạo dân tộc ta giành được những thắng lợi vừa qua.

Đảng không phủ nhận sạch trơn, gạt bỏ hết những tư tưởng, hình thái ý thức xã hội khác ra khỏi đời sống tinh thần xã hội. Khẳng định trong đời sống tinh thần xã hội nước ta đã, đang và sẽ con tiếp tục tồn tại nhiều ý thức hệ khác, cả trong quan điểm chính trị, pháp quyền, văn học, nghệ thuật, tôn giáo, chính trị... đang ảnh hưởng nhất định đến đời sống tinh thần, ý thức xã hội trong một bộ phận nhân dân. Mỗi chúng ta không được có thái độ phiến diện, phủ nhận sạch trơn, bên cạnh những tư tưởng, tập quán, quan niệm, lối sống lạc hậu, phải kế thừa, tiếp thu những tinh hoa giá trị nhân loại đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa để phát triển lành mạnh đời sống ý thức xã hội.

Chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng là một nội dung quan trọng của ý thức xã hội nói chung, ý thức chính trị nói riêng. Các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng tiếp tục được bổ sung, phát triển sáng tạo không ngừng, phản ánh ngày càng đầy đủ, đúng đắn những quy luật và đặc thù phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng ta chỉ rõ: “Tư duy lý luận của Đảng có bước phát triển. Hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam tiếp tục được bổ sung, phát triển”. Tư duy lý luận của Đảng về tiếp tục nhận thức và giải quyết những mối quan hệ cơ bản phản ánh quy luật phát triển đất nước, đây là bước phát triển lý luận rất quan trọng của Đảng ta. Tư duy đó được cụ thể hóa trong quan điểm, chủ trương trương phát triển các mặt, các lĩnh vực của đời sống xã hội. Sự phát triển tư duy lý luận là cơ sở để cán bộ, đảng viên nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vào tính ưu việt của chế độ và sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Nền tảng văn hóa ngày càng được củng cố, phát triển vững chắc tạo sức mạnh nội sinh, sự đồng thuận xã hội. Trong đó, “Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy”. Tri thức khoa học công nghệ, các giá trị đạo đức tốt đẹp, đời sống tín ngưỡng, tâm linh, tôn giáo, môi trường văn hóa trong các cộng đồng xã hội được khơi dậy. Truyền thống đạo đức dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại được tiếp thu, trở thành mạch nguồn tinh thần cho sự phát triển lành mạnh hóa các lĩnh vực đời sống xã hội.

Đặc biệt, Đảng ta một lần nữa nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng về đạo đức, chú trọng vấn đề đẩy lùi suy thoái đạo đức xã hội cho thấy tầm quan trọng của ý thức đạo đức trong đời sống xã hội. Xây dựng con người, tổ chức về văn hóa, đạo đức được nâng lên tầm cao mới phản ánh và thể hiện vị thế, vai trò của các nhân tố tinh thần, đặc biệt là văn hóa và đạo đức trong xây dựng con người, phát triển xã hội. Đảng tiếp tục quan tâm vấn đề ý thức pháp quyền; chú trọng xây dựng, hoàn thiện luật pháp, đẩy mạnh phòng chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, kiểm soát chặt chẽ quyền lực, tài sản, công tác cán bộ...; đã củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào cán bộ, đảng viên; tạo bầu không khí tin tưởng, khơi dậy trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao của toàn xã hội đối với công cuộc đổi mới.

Ba là, vẫn còn tồn tại những khuynh hướng tinh thần, tư tưởng đi ngược lại với xu hướng phát triển tiến bộ của ý thức xã hội.

Do tính lạc hậu của ý thức xã hội, do tác động mặt trái của kinh tế thị trường, sự chống phá của các thế lực thù địch và những yếu kém, hạn chế trong nhận thức, vận dụng, chỉ đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội, cho nên không thể phủ nhận những mặt trái trong đời ống ý thức xã hội ở nước ta hiện nay.

Được biểu hiện ở tình trạng lai căng, xuống cấp về bản sắc văn hóa; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; người dân thiếu niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc vẫn còn. Đảng ta đánh giá: “Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp”. Đây là những biểu hiện lạc hậu điển hình về ý thức xã hội cần phải ngăn chặn, đẩy lùi trong xã hội ta hiện nay.

Tính chất đối lập, mâu thuẫn trong đời sống ý thức xã hội được biểu hiện tập trung ở đấu tranh tư tưởng, lý luận chống lại các âm mưu “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng của các thế lực thù địch. Đảng ta chỉ rõ: “Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta. Bảo vệ  độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết, đồng thời là những thách thức rất lớn đối với nước ta trong thời gian tới”. Cho thấy tính đặc thù, quyết liệt, phức tạp, diễn ra thường xuyên, liên tục, lâu dài của đấu tranh tư tưởng, lý luận nhằm làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; đồng thời khắc phục những tư tưởng, lý luận sai lầm, lạc hậu trong xã hội; bảo vệ, củng cố và phát triển nền tảng tư tưởng của xã hội; chính sách và pháp luật của Nhà nước; góp phần nâng cao nhận thức tư tưởng, lý luận cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Như vậy, ý thức xã hội ở nước ta hiện nay biểu thị sự không thuần nhất tồn tại đan xen, pha tạp nhiều bộ phận đối lập nhau ở tất cả các mặt kinh tế, xã hội và tư tưởng giữa ý thức xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa và ý thức xã hội phi xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, tiếp tục có sự biến động mạnh với nhiều xu hướng tiềm ẩn và sự chuyển hoá phức tạp của mỗi tư tưởng, của cả hệ thống và ở những khuynh hướng khác nhau trong lựa chọn giá trị, hệ giá trị xã hội và cá nhân do tác động từ các nhân tố khách quan và chủ quan, đặc biệt là từ tác động mặt trái đời sống kinh tế - xã hội, cách mạng công nghiệp 4.0 và sự chống phá của các thế lực thù địch. Do đó, vấn đề nhận thức, tác động để tạo ra sự đồng thuận về tư tưởng theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy nhanh quá trình cải tạo tư tưởng lạc hậu, phát triển tư tưởng tiến bộ luôn đặt ra những nhiệm vụ hết sức nặng nề cho toàn Đảng và toàn dân ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét