ĐỘC LẬP DÂN TỘC GẮN LIỀN VỚI CHỦ NGHĨA XÃ HỘI
🌿🌿🌿
Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam luôn là một trong
những chủ đề thu hút rất nhiều nhà nghiên cứu lý luận trong và
ngoài nước quan tâm. Vấn đề này một lần nữa được đề cập và phân
tích sâu sắc, đầy sức thuyết phục trong cuốn sách “Một số vấn đề
lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ
nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
🌿 Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội trong
điều kiện nào? Vì sao Việt Nam lại lựa chọn con đường quá độ bỏ qua chế độ
tư bản chủ nghĩa để đi lên chủ nghĩa xã hội?
Trên cơ sở tổng kết lịch sử phát triển của nhân loại, và từ bản
chất của chế độ tư bản chủ nghĩa, C. Mác cho rằng: chủ nghĩa tư bản
là chế độ áp lức bóc lột, tất yếu sẽ bị lịch sử vượt qua, thay
thế nó bằng chủ nghĩa cộng sản, mà giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã
hội. Trên cơ sở đó, C. Mác, Ph. Ănghen, và sau này là V.I. Lênin đã
chỉ rõ quy luật ra đời của chủ nghĩa xã hội trong những điều kiện
lịch sử cụ thể. Vậy, Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội trong điều
kiện nào? Vì sao Việt Nam lại lựa chọn con đường quá độ bỏ qua chế độ tư bản
chủ nghĩa để đi lên chủ nghĩa xã hội? Về vấn đề này, trong cuốn sách của
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Trước đây, khi còn Liên Xô và hệ
thống các nước xã hội chủ nghĩa thế giới thì vấn đề đi lên chủ nghĩa xã hội ở
Việt Nam dường như không có gì phải bàn, nó mặc nhiên coi như đã được khẳng
định. Nhưng từ sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu
sụp đổ, cách mạng thế giới lâm vào thoái trào thì vấn đề đi lên chủ nghĩa xã
hội lại được đặt ra và trở thành tâm điểm thu hút mọi sự bàn thảo, thậm chí
tranh luận gay gắt. Các thế lực chống cộng, cơ hội chính trị hí hửng, vui mừng,
thừa cơ dấn tới để xuyên tạc, chống phá. Trong hàng ngũ cách mạng cũng có người
bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa xã hội, quy
kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là
do sai lầm của chủ nghĩa Mác - Lênin và sự lựa chọn con đường xây dựng chủ
nghĩa xã hội. Từ đó họ cho rằng chúng ta đã chọn sai đường, cần phải đi con
đường khác. Có người còn phụ họa với các luận điệu thù địch, công kích, bài bác
chủ nghĩa xã hội, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản. Thậm chí có người còn sám
hối về một thời đã tin theo chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường xã hội chủ
nghĩa! Thực tế có phải như vậy không? Thực tế có phải hiện nay chủ nghĩa tư
bản, kể cả những nước tư bản chủ nghĩa già đời vẫn đang phát triển tốt đẹp
không? Có phải Việt Nam chúng ta đã chọn con đường đi sai không?”.
Xã hội Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là chế độ nữa phong
kiến, nữa thuộc địa, đã thối nát và lạc hậu. Mâu thuẫn giai cấp, mâu thuẫn
dân tộc hết sức sâu sắc, không thể điều hòa, điều kiện cho một cuộc
cách mạng xã hội đang đến gần. Trong bối cảnh đó, đã có rất nhiều
phong trào yêu nước chống thực dân Pháp diễn ra sôi nổi khắp Bắc, Trung, Nam.
Từ phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX, cuộc khởi nghĩa Yên Thế kéo
dài đến đầu thế kỷ XX, phong trào cách mạng có xu hướng bạo động
của Phan Bội Châu, phong trào có xu hướng cải cách của Phan Chu Trinh,
đến cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Thái Học. Các phong trào này đều sáng
ngời tinh thần yêu nước theo những ý thức hệ khác nhau, từ những phong
trào theo hệ tư tưởng phong kiến, theo lập trường nông dân, hoặc theo hệ
tư tưởng tư sản, đều đã được lịch sử kiểm nghiệm, song tất cả đều lâm
vào bế tắc và cuối cùng thất bại. Thực tiễn đó cho thấy, muốn cứu nước
và giải phóng dân tộc phải tìm con đường khác, phù hợp với thực
tiễn dân tộc và xu thế phát triển khách quan của thời đại.
Trong bối cảnh lịch sử đó, Nguyễn Ái Quốc (sau này là Chủ tịch
Hồ Chí Minh) ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911), theo tiếng gọi của
ngọn cờ “Tự do, bình đẳng, bác ái” của cách mạng tư sản, với mong
muốn sang các nước tư bản phát triển để học hỏi những tinh hoa và tiến
bộ từ các nước phương Tây để về giúp đồng bào thực hiện cuộc cách
mạng giải phóng dân tộc. Vì vậy, Người đã đến các nước tư bản phát
triển như: Pháp, Anh, Mỹ và nhiều nước thuộc địa của các nước đế
quốc, quan sát và tìm hiểu chủ nghĩa tư bản, tìm hiểu cuộc sống
của người dân ở chính quốc và các nước thuộc địa. Từ đó, Người
nhận ra rằng, các cuộc cách mạng dân chủ tư sản là không triệt để,
vì cách mạng thành công nhưng chỉ đem lại lợi ích cho thiểu số giai
cấp tư sản, còn đông đảo quần chúng lao động vẫn chịu cảnh áp bức
bóc lột. Vì vậy, nếu đi theo con đường dân chủ tư sản cùng lắm chỉ
giải phóng được dân tộc. Điều đó không đem lại tự do, hạnh phúc cho
nhân dân.
Khi Cách mạng tháng Mười Nga thành công đã mở ra thời đại mới - quá độ từ
chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới. Chính từ “tiếng vang”
của Cách mạng tháng Mười, Nguyễn Ái Quốc đã tìm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin.
Sau này như Người nói: giống như một mặt trời chói lọi, cách mạng Nga đã chiếu
rọi khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người đứng lên đấu tranh giải phóng dân
tộc. Chính vì vậy, chỉ khi Nguyễn Ái Quốc đến với Cách mạng tháng
Mười, đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, từ đó Người tin rằng: “Muốn cứu
nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô
sản”. Trong bối cảnh lịch sử đó, khi chủ nghĩa Mác - Lênin được
truyền bá vào Việt Nam, thì mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ
nghĩa xã hội được cả dân tộc đón nhận như là hệ quả tất yếu. Bởi
vì, “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con
người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con
người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã
hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội.
Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các
giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá
bé”, vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự
phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong
lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm
đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và, chúng
ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân
dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu
có”.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô và các nước
xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Trong đó, có nguyên nhân chủ yếu và trực
tiếp là, trong cải tổ, Ðảng Cộng sản Liên Xô đã mắc những sai lầm rất nghiêm
trọng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Ðó là đường lối xét lại, phản bội chủ
nghĩa Mác - Lênin của một số nhân vật lãnh đạo đảng. Chủ nghĩa đế quốc
đã lợi dụng những khó khăn và sai lầm về đường lối của Liên Xô và các nước xã
hội chủ nghĩa ở Ðông Âu, chúng đẩy mạnh âm mưu “diễn biến hòa bình”, “không
đánh mà thắng”.” cực kỳ thâm độc, can thiệp toàn diện, vừa tinh vi, vừa trắng
trợn vào nội bộ các nước xã hội chủ nghĩa. Dĩ nhiên, chúng không thể
làm được điều này, nếu cải tổ có đường lối đúng đắn, nếu hơn 20 triệu đảng viên
cộng sản Liên Xô có tinh thần cảnh giác cách mạng và sức chiến đấu cao, không
để nội bộ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” khiến cho bọn cơ hội, xét lại và
phản bội thao túng cơ quan lãnh đạo của Ðảng, nếu có sự cố kết chặt chẽ giữa
Ðảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô.
Trước hiện thực đó, Đảng ta chỉ rõ, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã
hội ở Liên Xô và Đông Âu đó là sự sụp đổ của một mô hình xây dựng
chủ nghĩa xã hội hiện thực, chứ không phải là sự lạc hậu hay sụp
đổ của một học thuyết khoa học và cách mạng, của chủ nghĩa xã hội
khoa học. Tại Đại hội lần thứ VII của Đảng (tháng 6/1991), trước
những khó khăn và phức tạp của tình hình trong nước và quốc tế,
Đảng ta vẫn tiếp tục khẳng định con đường cách mạng của nước ta là
“nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Đây cũng
là lần đầu tiên trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá
độ lên chủ nghĩa xã hội Đảng ta phác thảo ra mô hình chủ nghĩa xã
hội ở Việt Nam. Đã đưa ra quan niệm, cách thức, biện pháp, bước đi
phù hợp với điều kiện cụ thể đất nước. Để từ đó, chúng ta định
hướng con đường, để không mắc phải những sai lầm, đồng thời khẳng
định Việt Nam kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng,
Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XI của Đảng (tháng 01/2011), trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ
quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), chúng ta một lần
nữa khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự
lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp
với xu thế phát triển của lịch sử”.
🌿 Một vấn đề rất quan trọng được đề
cập trong cuốn sách là, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường
đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam như thế nào cho đúng và đầy đủ?
Như V.I.Lênin từng nhắc nhở: các dân tộc sẽ tùy vào điều
kiện cụ thể sẽ có những hình thức và bước đi khác nhau, song sớm
hay muộn tất cả các dân tộc sẽ đi lên chủ nghĩa xã hội. Nếu chủ
nghĩa xã hội trước Mác nó chỉ là mơ ước, khó trở thành hiện thực,
thì chủ nghĩa xã hội khoa học đã chỉ ra con đường, lực lượng, biện
pháp, cách thức, bước đi để thực hiện được mục tiêu. Vấn đề đặt ra
là, chúng ta phải nhận thức đúng bản chất cách mạng và khoa học
của chủ nghĩa Mác - Lênin trong quá trình vận dụng và phát triển
sáng tạo vào điều kiện xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Vì
vậy, sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông
Âu, những hạn chế, khó khăn của quá trình đi lên xây dựng chủ nghĩa
xã hội ở nước ta không phải là bắt nguồn từ bản chất của chủ
nghĩa Mác - Lênin, mà là do cách thức xây dựng chủ nghĩa xã hội
hiện thực không tuân theo những nguyên lý chỉ dẫn của chủ nghĩa xã
hội khoa học và sự nhận thức của chúng ta về chủ nghĩa xã hội chưa
đầy đủ. Vì vậy, “trong những năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ tổng kết
thực tiễn và nghiên cứu lý luận, Đảng Cộng sản Việt Nam từng bước nhận thức
ngày càng đúng đắn hơn, sâu sắc hơn về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ đi
lên chủ nghĩa xã hội; từng bước khắc phục một số quan niệm đơn giản trước đây
như: đồng nhất mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa xã hội với nhiệm vụ của giai
đoạn trước mắt; nhấn mạnh một chiều quan hệ sản xuất, chế độ phân phối bình
quân, không thấy đầy đủ yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất trong thời kỳ quá
độ, không thừa nhận sự tồn tại của các thành phần kinh tế; đồng nhất kinh
tế thị trường với chủ nghĩa tư bản; đồng nhất nhà nước pháp quyền với nhà nước
tư sản...”.
Từ quá trình đổi mới đất nước cho thấy, bên cạnh những thành tựu
đạt được, thì còn có nhiều khó khăn, thách thức. “Càng đi vào chỉ đạo
thực tiễn, Đảng ta càng nhận thức được rằng, quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một
sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp, vì nó phải tạo sự biến đổi sâu
sắc về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Việt Nam đi lên chủ
nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa,
lực lượng sản xuất rất thấp, lại trải qua mấy chục năm chiến tranh, hậu quả rất
nặng nề; các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách phá hoại cho nên lại càng
khó khăn, phức tạp, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với
nhiều bước đi, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen nhau, có sự đấu
tranh giữa cái cũ và cái mới. Nói bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua chế
độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư tật xấu,
những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ
không phải bỏ qua cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được
trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản. Đương nhiên, việc kế thừa những
thành tựu này phải có chọn lọc trên quan điểm khoa học, phát triển”. Chính
điều đó, Đảng ta đã đưa ra đường lối lãnh đạo đúng đắn, đưa đất
nước phát triển nhanh và bền vững, đúng định hướng xã hội chủ
nghĩa, “nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển và
phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 35 năm qua với mức tăng
trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm
2020 đạt 342,7 tỉ đôla Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN.
Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD; Việt Nam đã
ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Từ một nước bị thiếu lương
thực triền miên, đến nay, Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương
thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng
đầu thế giới. Công nghiệp phát triển khá nhanh, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ
liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 85% GDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu
tăng mạnh, năm 2020 đạt trên 540 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên
280 tỉ USD. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỉ USD vào năm 2020. Đầu tư
nước ngoài tăng nhanh, đăng ký đạt gần 395 tỉ USD vào cuối năm 2020. Về cơ cấu
nền kinh tế xét trên phương diện quan hệ sở hữu, tổng sản phẩm quốc nội của
Việt Nam hiện nay gồm khoảng 27% từ kinh tế nhà nước, 4% từ kinh tế tập thể,
30% từ kinh tế hộ, 10% từ kinh tế tư nhân trong nước và 20% từ khu vực có vốn
đầu tư nước ngoài…Như vậy, có thể nói, việc thực hiện đường lối đổi mới đã đem
lại những chuyển biến rõ rệt, hết sức sâu sắc và tích cực ở Việt Nam: Kinh tế
phát triển, lực lượng sản xuất được tăng cường; nghèo đói giảm nhanh, liên tục;
đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết; chính
trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập
quốc tế ngày càng được mở rộng; thế và lực của quốc gia được tăng cường; niềm
tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố”. Những thành tựu
đạt được đó đã chứng minh tính đúng đắn của đường lối đổi mới đất
nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chủ nghĩa tư bản hiện có điểm chung là sự phát triển không đều và
không phải cứ quốc gia nào đi theo chủ nghĩa tư bản thì đều phát
triển, mà phần lớn là đói nghèo, xã hội bất ổn. Chính chủ nghĩa
tư bản đang tạo ra khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, phân hóa xã
hội ngày càng sâu sắc, dựa trên bóc lột người lao động, đó là bản
chất của chủ nghĩa tư bản. Mặc dù, “từ giữa thập kỷ 70 của thế kỷ XX và
nhất là từ sau khi Liên Xô tan rã, để thích ứng với điều kiện mới, chủ nghĩa tư
bản thế giới đã ra sức “tự điều chỉnh”, thúc đẩy các chính sách “tự do mới”
trên quy mô toàn cầu, nhờ đó hiện vẫn còn tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, chủ
nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó…
Kinh tế suy thoái đã làm phơi bày sự thật của những bất công xã hội trong các
xã hội tư bản chủ nghĩa: Đời sống của đa số dân cư lao động bị giảm sút nghiêm
trọng, thất nghiệp gia tăng; khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn, làm trầm
trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột giữa các sắc tộc. Những tình huống “phát
triển xấu”, những nghịch lý “phản phát triển”, từ địa hạt kinh tế - tài chính
đã tràn sang lĩnh vực xã hội, làm bùng nổ các xung đột xã hội và ở không ít nơi
từ tình huống kinh tế đã trở thành tình huống chính trị với các làn sóng biểu
tình, bãi công, làm rung chuyển cả thể chế…Thực tế là các thiết chế dân chủ
theo công thức “dân chủ tự do” mà phương Tây ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn
thế giới không hề bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân
và vì nhân dân - yếu tố bản chất nhất của dân chủ…”. Vì thế, chủ nghĩa tư
bản không phải là mục tiêu của nhân loại, chỉ có chủ nghĩa xã hội
mới giải quyết được những tồn tại, bất công mà chủ nghĩa tư bản đã
và đang tạo ra, đưa xã hội loài người đến dân chủ, công bằng, văn
minh.
Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là quá độ bỏ qua
chế độ tư bản chủ nghĩa đi lên chủ nghĩa xã hội. Nghĩa là, chỉ bỏ
qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất, kiến trúc thượng
tầng tư bản chủ nghĩa, hay nói cách khác là bỏ qua việc xác lập thể chế
chính trị tư bản chủ nghĩa, còn những thành tựu nhân loại đạt được
dưới chủ nghĩa tư bản chúng ta phải kế thừa để xây dựng chủ nghĩa
xã hội ở nước ta, nhất là những thành tựu về kinh tế, khoa học và
công nghệ. Do đó, chúng ta bỏ qua mà không bỏ qua, chỉ bỏ qua chế độ
chính trị áp bức bóc lột. Cho đến nay, mặc dù vẫn còn một số vấn đề cần
tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nhưng chúng ta đã hình thành nhận thức tổng quát:
Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã
hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có
nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản
xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con
người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện;
các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ
nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do
nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác
với các nước trên thế giới. Để thực hiện được mục tiêu đó, chúng ta phải: Đẩy
mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri
thức; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng
nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời
sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm vững chắc quốc
phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện đường lối đối
ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác
và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; xây dựng nền dân chủ xã
hội chủ nghĩa, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp
với sức mạnh thời đại; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân
dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch,
vững mạnh toàn diện.
Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: hiện nay Việt Nam
đang trong quá trình xây dựng, quá độ lên chủ nghĩa xã hội, các nhân tố xã hội
chủ nghĩa được hình thành, xác lập và phát triển đan xen, cạnh tranh với các
nhân tố phi xã hội chủ nghĩa, gồm cả các nhân tố tư bản chủ nghĩa trên một số
lĩnh vực. Sự đan xen, cạnh tranh này càng phức tạp và quyết liệt trong điều
kiện cơ chế thị trường và mở cửa, hội nhập quốc tế. Bên cạnh các mặt thành tựu,
tích cực, sẽ luôn có những mặt tiêu cực, thách thức cần được xem xét một cách
tỉnh táo và xử lý một cách kịp thời, hiệu quả. Đó là cuộc đấu tranh rất gay go,
gian khổ, đòi hỏi phải có tầm nhìn mới, bản lĩnh mới và sức sáng tạo mới. Đi
lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa là một quá trình không ngừng củng cố, tăng
cường, phát huy các nhân tố xã hội chủ nghĩa để các nhân tố đó ngày càng chi
phối, áp đảo và chiến thắng. Thành công hay thất bại là phụ thuộc trước hết vào
sự đúng đắn của đường lối, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến
đấu của Đảng… Và điều hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định và vững
vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin - học thuyết khoa
học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động. Tính khoa học
và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những
giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện.
Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như
trong thực tiễn phát triển của khoa học. Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một
cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất
về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi
mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không
rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống.
Dù thời thế có đổi thay, nhưng mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền
với chủ nghĩa xã hội ở nước ta là không bao giờ thay đổi. Độc lập
dân tộc là điều kiện để đi lên chủ nghĩa xã hội, ngược lại chủ
nghĩa xã hội là điều kiện để đảm bảo độc lập dân tộc. Vì đây là
mục tiêu đem lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đương
nhiên, vấn đề không chỉ là mục tiêu, lý tưởng, mà điều không kém
phần quan trọng là phải tìm ra giải pháp, bước đi, cách làm khoa
học, sáng tạo nhằm thực hiện cho bằng được mục tiêu, lý tưởng đã
xác định. Chủ nghĩa xã hội của chúng ta xây dựng là chủ nghĩa xã
hội khoa học, chủ nghĩa xã hội đổi mới đúng đắn trên tinh thần phương
pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và thực tiễn đất nước. Với
những đặc trưng và phương hướng, nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội
trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa
xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng có giá trị khoa học và thực tiễn rất to
lớn, là định hướng chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn
mới. Mỗi cán bộ, đảng viên cần quán triệt, tuyên truyền sâu rộng
trong quần chúng nhân dân, để tạo sự thống nhất trong nhận thức và
hành động, phát huy sức mạng tổng hợp trong công cuộc xây dựng chủ
nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét