"Thép đã
tôi thế đấy" là tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Liên Xô Nokolai Ostrovsky. "Cái
quý nhất của con người là đời sống. Ðời người chỉ sống có một lần. Phải sống
sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi
hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay có
thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp
nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người. Và ta phải sống gấp
lên mới được vì tật bệnh vô lý hay một sự tình cờ bi đát nào đó có thể bỗng
nhiên cắt đứt cuộc đời". Ðó là đoạn văn miêu tả tâm trạng của Pavel trong
nghĩa địa quê hương, nơi những bạn bè bị quân thù treo cổ, khi anh vừa thoát khỏi
cái chết do bệnh thương hàn ở công trường Bayarka. Ðoạn văn tiêu biểu cho nhân
sinh quan cộng sản ấy đã được nhiều bạn trẻ trên khắp thế giới thuộc lòng và lấy
làm châm ngôn sống.
Lý tưởng cao đẹp
nhất - sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người, không chỉ bó hẹp trong một
giai đoạn lịch sử đấu tranh giành chính quyền, không chỉ ở phạm vi một quốc gia
nào, mà càng ngày, chúng ta càng thấy rõ sự nghiệp ấy chỉ mới bắt đầu. Nó không
chỉ là một sự lựa chọn của một cá nhân, một giai cấp mà là sự nghiệp thống nhất
của nhân dân toàn thế giới. Sau cuộc đấu tranh chống áp bức là cuộc đấu tranh
chống đói nghèo bệnh tật, chống sự kỳ thị, khủng bố ..., cuộc đấu tranh để hoàn
thiện bản thân và dân tộc. Chỉ khi đó từ "giải phóng" mới có một ý
nghĩa thật sự. Vì vậy, "Thép đã tôi thế đấy" không chỉ là khúc tráng
ca về thế hệ đầu tiên của thanh niên Xô-viết, những con người đã được tôi luyện
trong lửa đỏ và nước lạnh như Pavel, Sergey, Valia, Rita, Pankratov, Okuniev ...
mà là những vấn đề của hôm nay và của tương lai.
Sau khi Liên Xô
sụp đổ, những giá trị lớn của văn học Xô-viết bị xem xét lại. Người ta không
dám công khai đả kích vào "Thép đã tôi thế đấy" nhưng cũng có người
cho rằng, đó là một thứ văn nghệ tuyên truyền, văn nghệ của một thời đã qua, ít
có giá trị văn hóa ...
N.Ostrovsky là một
chiến sĩ, có học vấn không cao, cả đời ông chỉ viết được hai cuốn sách
("Ra đời trong bão táp" cũng đã được dịch ra tiếng Việt) nhưng không
phải vì thế mà giá trị văn hóa của tác phẩm lại không cao. Trước đây, nhà văn
Ilia Erenbua đã từng coi "Thép đã tôi thế đấy" là Thánh kinh mới của
thanh niên Xô-viết. Nó là cuốn sách gối đầu giường của nữ anh hùng Liên Xô
Zoya, của Lý Tự Trọng, người thanh niên cộng sản Việt Nam đầu tiên. Ngay trong
khói lửa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cuốn sách đã được nhà báo
Thép Mới (báo Nhân Dân) và Huy Vân dịch ra tiếng Việt, xuất bản năm 1954 và từ
đó đến nay đã làm say mê hàng triệu trái tim tuổi trẻ, là nguồn sức mạnh to lớn
cổ vũ thanh niên. Hiện nay, ở nước Nga sau cải tổ một tờ báo lớn viết:
"Nokolai Ostrovsky và hình tượng của nhà văn là Pavel Corchaghin đã và
đang là biểu tượng lớn của một nền văn minh vĩ đại".
Hai cuốn tiểu
thuyết "Ra đời trong bão táp" và "Thép đã tôi thế đấy" lại mới
được tái bản tại Việt Nam. Có một cậu bé lớp 9 đã thức suốt đêm để đọc một mạch
700 trang "Thép đã tôi thế đấy" vì không dứt được. Sức sống của tác
phẩm không hề giảm sút .... Cho đến nay, "Thép đã tôi thế đấy" vẫn là
một trong những tác phẩm thành công nhất khắc họa chân dung người thanh niên cộng
sản. Chừng nào con người còn những khát vọng cao cả, chừng đó, "Thép đã
tôi thế đấy" vẫn còn là cuốn sách hấp dẫn, thôi thúc tiến lên./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét