Chính sách
đối ngoại độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế là chính sách nhất quán trong
đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Những thành tựu to lớn trong hội
nhập quốc tế nói riêng, trong công cuộc đổi mới của Việt Nam nói chung chính là
những luận cứ xác đáng, hữu hiệu để bác bỏ luận điệu “Không thể có độc lập, tự
chủ trong hội nhập quốc tế ở Việt Nam”.
Sự phi lý của một luận điệu
Độc lập, tự chủ là ý chí sắt đá được
hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, trở thành giá trị cốt lõi
thiêng liêng trong truyền thống quý báu của dân tộc ta. Chính vì thế, độc lập,
tự chủ là vấn đề mang tính nguyên tắc, nhất quán trong hệ thống các quan điểm
của Đảng ta, có tầm quan trọng đặc biệt và có ý nghĩa sống còn đối với sự
nghiệp cách mạng Việt Nam.
Trong điều kiện của thế giới hiện
nay, Đảng ta đã xác định hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn trong
công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế là
phương châm chỉ đạo và tổ chức thực hiện; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế
với giữ vững độc lập, tự chủ đất nước là một trong những mối quan hệ quan trọng
đặc biệt cần giải quyết trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, với bản chất thâm độc, các
thế lực thù địch cho rằng, chính sách đối ngoại giữ vững độc lập, tự chủ trong
hội nhập quốc tế của Đảng Cộng sản Việt Nam là hão huyền, phi thực tế. Chúng
cho rằng "không thể có độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế được";
"đã độc lập, tự chủ thì không thể hội nhập quốc tế và ngược lại, đã hội
nhập quốc tế thì không thể có độc lập, tự chủ". Đồng thời, chúng còn cho
rằng thể chế chính trị của Việt Nam là khác biệt, không phù hợp với chuẩn mực
chung của quốc tế, với một đảng duy nhất cầm quyền càng không thể hội nhập quốc
tế.
Toàn cầu hóa là tất yếu khách quan
kéo theo quá trình cả thế giới theo dòng thời cuộc hội nhập quốc tế. Đó cũng là
quá trình nước nào cũng phải tìm mọi cách thức để tự bảo vệ mình. Vậy nên hội
nhập quốc tế là xu thế khách quan thì việc mỗi nước phải giữ được tố chất của
mình cũng là một nhu cầu và nhiệm vụ tất yếu. Nhưng nếu xem xét một cách sâu xa
hơn thì có thể thấy ngay được luận điệu “Không thể có độc lập tự chủ trong hội
nhập quốc tế ở Việt Nam” thực chất là sự hằn học của thế lực thù địch. Chúng ta
có đủ luận cứ về lý luận và chứng cứ về thực tiễn để bác bỏ hoàn toàn luận điệu
phi lý này.
Hiệu quả hội nhập quốc tế hiện diện
trên mọi mặt đời sống xã hội
Sau hơn 30 năm thực hiện “Cương lĩnh
xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, từ nhận thức lý
luận và hoạt động thực tiễn, Đảng ta đã xác nhận nhiều mối quan hệ đan xen nhau
rất phức tạp đòi hỏi phải xử lý đúng đắn, hiệu quả, trong đó có mối quan hệ
“giữa độc lập tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”.
Trong Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ
Chính trị về hội nhập quốc tế, Đảng ta đã chỉ rõ mục tiêu của hội nhập quốc tế
là: “Củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận
lợi để phát triển đất nước nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân; giữ
vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ vững chắc Tổ
quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Quảng bá hình ảnh Việt Nam, bảo toàn và phát
huy bản sắc dân tộc, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy
tín quốc tế của đất nước; góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập,
dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”.
Quan điểm và chủ trương của Đảng nêu
bật việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sẽ tạo ra cơ hội, tiền đề để giữ
độc lập, tự chủ trên mọi mặt đời sống xã hội, từ chính trị, kinh tế, văn hóa,
đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Quán triệt và xử lý mối quan hệ giữa độc
lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong công tác đối ngoại,
những năm qua, chúng ta đã thu được những thành quả khả quan.
Trong lĩnh vực chính trị. Chúng ta đã
đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác quan
trọng đối với sự phát triển của đất nước, đưa khuôn khổ quan hệ đã xác lập vào
thực chất: Chủ động tham gia phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc
biệt là ASEAN và Liên hợp quốc. Hội nhập quốc tế về chính trị được thực hiện
tương đối nhanh, sâu rộng và thực chất cả trong kênh song phương và đa phương.
Hội nhập song phương tạo tiền đề để Việt Nam phát huy vai trò trên diễn đàn đa
phương, qua đó tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.
Hội nhập khu vực và hội nhập toàn cầu
đã góp phần cải thiện đáng kể tiềm lực trong nước, nâng cao vị thế địa chiến
lược của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á, Đông Á, châu Á-Thái Bình Dương và
trên phạm vi toàn cầu. Từ một quốc gia hội nhập sau, Việt Nam đã trở thành nhân
tố tích cực tham gia tiến trình hội nhập khu vực, chủ động đề xuất những sáng
kiến, thúc đẩy các liên kết. Việt Nam cũng tích cực hội nhập sâu rộng vào trật
tự kinh tế, chính trị toàn cầu, trở thành thành viên có trách nhiệm và uy tín
trên cộng đồng quốc tế.
Trong lĩnh vực kinh tế. Chúng ta đã
xúc tiến mạnh thương mại và đầu tư quốc tế, mở rộng thị trường, khai thác hiệu
quả các cơ chế hợp tác quốc tế, các nguồn lực về vốn, khoa học-công nghệ, trình
độ quản lý tiên tiến; khai thác hiệu quả các thỏa thuận được ký kết, đặc biệt
là các khu vực mậu dịch tự do song phương và đa phương.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến năm
2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD, xuất siêu 11,2 tỷ USD.
Đầu tư vào Việt Nam đã đăng ký hơn 400 tỷ USD, năm 2022 đạt 22,4 tỷ USD, tăng
13,5% so với năm trước. Việt Nam được xếp vào nhóm 15 quốc gia thu hút FDI hàng
đầu thế giới. Hiện nay cộng đồng tài trợ quốc tế hoạt động thường xuyên ở nước
ta đã lên tới hơn 50 nhà tài trợ, bao gồm 28 nhà tài trợ song phương và hơn 20
nhà tài trợ đa phương.
Ngoài ra, nước ta còn nhận được vốn
ODA từ hơn 600 tổ chức phi chính phủ quốc tế. Thành công của hội nhập kinh tế
quốc tế góp phần tăng cường nguồn lực, tạo điều kiện vật chất-kỹ thuật thuận
lợi cho việc bảo vệ độc lập, tự chủ của đất nước, tạo nền tảng để hội nhập về
chính trị và hội nhập các lĩnh vực khác. Kinh tế đất nước phát triển, sức mạnh
tổng hợp của đất nước tăng lên là nhân tố quan trọng để giữ vững độc lập, tự
chủ của đất nước.
Trong lĩnh vực văn hóa-xã hội. Đến
nay, Việt Nam đã ký hơn 100 thỏa thuận, điều ước quốc tế song phương có nội
dung văn hóa. Hội nhập văn hóa xã hội đi vào chiều sâu đã thu hút bạn bè quốc
tế đến với Việt Nam ngày càng nhiều hơn.
Từ thành công của hội nhập trong lĩnh
vực này đưa tới việc hình thành nhiều dự án, nhiều công trình văn hóa ngay tại
Việt Nam với quy mô ngày càng được mở rộng, tạo điều kiện để nhân dân ta có cơ
hội tiếp cận và thưởng thức những giá trị văn hóa tiêu biểu của nhiều quốc gia
trên thế giới, từ đó thúc đẩy tiềm năng sáng tạo của nhân dân và khuyến khích
giao lưu với cộng đồng quốc tế. Nguồn lực và động lực về văn hóa-xã hội được
tăng cường sẽ là yếu tố quan trọng để chúng ta giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
Việt Nam, để ánh sáng văn hóa Việt Nam là ngôi sao lấp lánh trên bầu trời văn hóa
các dân tộc trên thế giới.
Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Hội nhập trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh là một trong những nhiệm vụ quan
trọng để phục vụ và hỗ trợ cho chính sách chủ động, tích cực hội nhập quốc tế
toàn diện của Đảng và Nhà nước ta, vừa phục vụ cho sự nghiệp phát triển của đất
nước, vừa bảo vệ độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia trong bối cảnh môi trường
quốc phòng, an ninh trên thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp. Việt
Nam đã từng bước mở rộng hợp tác quốc phòng, an ninh với các nước lớn và các
nước trong khu vực, đã có quan hệ quốc phòng chính thức với gần 70 nước, đặt
văn phòng tùy viên quân sự tại hơn 30 nước và có hơn 40 nước có văn phòng tùy
viên quân sự tại Việt Nam. Việt Nam cũng đã tham gia tích cực vào các diễn đàn
an ninh, quốc phòng khu vực và từng bước tham gia vào những hoạt động hợp tác
quốc tế về an ninh, quân sự toàn cầu.
Tiếp tục kết hợp sức mạnh dân tộc với
sức mạnh thời đại
Tình hình thế giới ngày càng có những
biến động phức tạp, nhanh chóng, khó lường, trong khi hội nhập là quá trình vừa
hợp tác, vừa đấu tranh dẫn tới những thách thức to lớn trong quá trình bảo vệ
độc lập, tự chủ, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc. Trước những vấn đề mới đặt
ra, Đảng ta đã xác định rõ những nguyên tắc, phương châm, mục tiêu, nhiệm vụ và
phương hướng lớn cho quá trình hội nhập quốc tế.
Để bảo vệ, giữ vững độc lập, tự chủ
trong quá trình hội nhập quốc tế, trước hết cần xác định rõ và luôn kiên định
lợi ích quốc gia là mục tiêu cao nhất trong quá trình hội nhập quốc tế. Tăng
cường sức mạnh tổng hợp quốc gia về chính trị-đối ngoại, kinh tế, văn hóa-xã
hội, quốc phòng, an ninh. Nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia là yếu tố quyết
định thành công của quá trình hội nhập quốc tế.
Đó là sức mạnh được tạo nên từ sự
lãnh đạo sáng suốt của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, của khối đoàn kết
toàn dân tộc và của văn hóa, con người Việt Nam; sức mạnh của nền quốc phòng
toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân và thế trận
an ninh nhân dân vững chắc.
Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, cần
chủ động phát hiện, ngăn chặn “từ sớm, từ xa” các nguy cơ đối với đời sống
chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Phòng,
chống một cách chủ động mọi âm mưu, hoạt động lợi dụng hội nhập quốc tế để
chuyển hóa nội bộ; phát hiện ngăn chặn kịp thời các đối tác nước ngoài lợi dụng
các kẽ hở về luật pháp và sơ hở, yếu kém của ta để gây sức ép, trốn thuế, thao
túng thị trường trong nước; đấu tranh với các loại tội phạm có tổ chức xuyên
quốc gia như rửa tiền, buôn lậu, sản xuất và tiêu dùng hàng giả, gian lận
thương mại, tín dụng đen, tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Tăng cường quản lý hoạt động trên
mạng xã hội và internet, có biện pháp ngăn chặn các thế lực thù địch xâm nhập
vào những mạng nội bộ gây thiệt hại về kinh tế, phá hoại tư tưởng. Ngăn chặn
việc nhập các ấn phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài để bảo đảm an ninh văn hóa.
Cùng với đó, cần nâng cao năng lực dự
báo tình hình quốc tế, khu vực phục vụ đắc lực yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia,
giữ vững độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế. Đổi mới tư duy, nghiên cứu có
chiều sâu, nhạy bén bám sát tình hình để có những dự báo xác đáng. Tập trung
nghiên cứu những biến động mới của tình hình thế giới, khu vực, những điều
chỉnh chiến lược và chính sách của các nước lớn, những mối quan hệ giữa các
nước lớn. Nghiên cứu đánh giá và xác định đúng đắn quan hệ đối tác, đối tượng
trong từng tình huống cụ thể để có những ứng phó phù hợp, hiệu quả.
Giải pháp có ý nghĩa căn cơ là tăng
cường sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng, nâng cao hiệu quả
quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội và phát
huy quyền làm chủ của nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ
vững độc lập, tự chủ trong quá trình hội nhập quốc tế. Đảng ta đã xác định nâng
cao bản lĩnh chính trị và trí tuệ của Đảng, kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng và
phát triển sáng tạo trong thực tiễn hoạt động của Đảng.
Có thể khẳng định rằng, chính sách
đối ngoại độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế là chính sách nhất quán trong
đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, nhằm góp phần hiện thực hóa phương
châm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong sự nghiệp xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Trong những năm đổi mới vừa qua,
chúng ta đã thể hiện nhất quán và từng bước cụ thể hóa nội dung của chính sách
đối ngoại độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế cho từng giai đoạn, phù hợp
với bối cảnh tình hình thế giới và khu vực. Những thành tựu to lớn trong hội
nhập quốc tế nói riêng, trong công cuộc đổi mới của Việt Nam nói chung chính là
những luận cứ, bằng chứng xác đáng nhất để bác bỏ những luận điệu sai trái, thù
địch về vấn đề này./.
Người dân Việt Nam cần nêu cao cảnh giác và đấu tranh vạch trần bộ mặt thật, loại bỏ những luận điệu xuyên tạc, của bọn phản động và các thế lực thù địch.
Trả lờiXóa