Thứ Ba, 5 tháng 9, 2023

SỨC MẠNH QUỐC GIA

 Năm 1945, khi mới giành lại độc lập, dân số nước ta chỉ hơn 20 triệu người. Sức nước khi ấy rất hạn chế, lại phải đối mặt với thù trong, giặc ngoài để bảo vệ nền độc lập.

Đến nay, dân số nước ta đã vượt qua mốc 100 triệu người, đứng thứ 15 thế giới về dân số.
Trong những năm qua, tiềm lực quốc gia của Việt Nam được nâng lên một cách tổng thể, đồng bộ. Về quy mô nền kinh tế, Việt Nam đang đứng thứ 37 trên thế giới. Thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam tăng hơn 2 lần sau khoảng một thập kỷ qua. Chỉ số phát triển con người của Việt Nam liên tục tăng qua từng năm, hiện đứng thứ 115/191 toàn cầu.
Dân số đông là sức mạnh, là lợi thế quốc gia, là nguồn tài nguyên quý giá phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hơn 100 triệu người là tài nguyên nguồn nhân lực dồi dào, tài nguyên về chất xám, tài nguyên về thị trường tiêu thụ lớn mà rất nhiều quốc gia mơ ước. Nguồn lực con người Việt Nam chính là chiều sâu của sức mạnh quốc gia! Khác với những tài nguyên thiên nhiên, càng khai thác càng cạn kiệt thì tài nguyên nhân lực quốc gia nếu được chăm lo, biết khai thác đúng cách sẽ ngày càng giàu hơn.
Chúng ta đang sống trong một thời đại nhiều biến động, nhiều nguy cơ, khó khăn, thách thức với những vấn đề lớn đặt ra cho mỗi quốc gia. Những vấn đề toàn cầu, an ninh truyền thống và phi truyền thống diễn biến phức tạp, đe dọa ổn định và phát triển bền vững. Xung đột và chia rẽ vẫn tiếp diễn ở nhiều khu vực, căng thẳng địa chính trị gia tăng. Nằm trong khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam cũng gặp những thách thức không nhỏ, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, đòi hỏi những nỗ lực rất lớn nếu nước ta muốn đạt tăng trưởng GDP cả năm 2023 là 6,5%, nhằm tạo cơ sở cho các mục tiêu của cả giai đoạn 2021-2026 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Chính trong lúc này, cần khơi gợi và phát huy cao độ nguồn lực con người. Trước hết, cần phải thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trong việc thu hút và trọng dụng nhân tài, thực hiện các chính sách đãi ngộ, chính sách tiền lương phù hợp. Cùng với đó, phải nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Công tác giáo dục, đào tạo không chỉ cung cấp kiến thức, kỹ năng chuyên môn cho nhân lực mà còn phải đặc biệt quan tâm rèn giũa đạo đức, thái độ sống có trách nhiệm, bồi dưỡng văn hóa, cốt cách người Việt Nam. Cần nhân lên tình yêu Tổ quốc, lòng tự hào dân tộc, niềm tin của mỗi người Việt Nam vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đó là nguồn sức mạnh to lớn để đưa đất nước ta vượt qua mọi khó khăn.
Quân đội ta luôn là chỗ dựa hoàn toàn tin cậy, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Thời gian qua, Quân đội ta tiếp tục được xây dựng vững mạnh về chính trị và tổ chức tinh, gọn, mạnh, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong đó, yếu tố con người luôn được đề cao. Cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn nỗ lực thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao; tích cực học tập về chính trị, phòng, chống “tự diễn biến", "tự chuyển hóa”; luôn đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước; góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; đồng thời sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Đất nước ta khi có hơn 20 triệu dân đã làm được cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất để giành lại độc lập. Đến nay, khi đất nước có hơn 100 triệu dân, chúng ta có đủ tiềm lực để thực hiện được những nhiệm vụ to lớn hơn nữa nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển đất nước. Muốn vậy, mỗi người chúng ta cần phải nỗ lực lao động, học tập, góp sức vào công việc chung, để phấn đấu đến năm 2045, nước ta thành nước phát triển, thu nhập cao./.
St

1 nhận xét:

  1. mỗi người chúng ta cần phải nỗ lực lao động, học tập, góp sức vào công việc chung, để phấn đấu đến năm 2045, nước ta thành nước phát triển, thu nhập cao.

    Trả lờiXóa