Thứ Năm, 28 tháng 9, 2023

Thơ cách mạng “vị nhân sinh”, vì sứ mệnh cao cả là giải phóng dân tộc

Thơ là sự thổ lộ tình cảm sâu sắc được thăng hoa, lắng đọng qua cảm xúc thẩm mỹ, làm lay động và mang lại cảm xúc cho người đọc. Với chức năng “văn dĩ tải đạo”, “thi dĩ ngôn chí”, thơ chân chính luôn hướng tới cái đẹp để ca ngợi, nuôi dưỡng, bồi đắp những giá trị chân-thiện-mỹ cho con người. Theo nhà phê bình văn học Nga V.Belinsky (1811-1848): “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật. Phục vụ cuộc sống, phục vụ con ng­ười là mục đích lớn nhất của thơ chân chính”. Lãnh tụ V.I.Lenin cũng cho rằng: “Nghệ thuật thuộc về nhân dân. Nghệ thuật phải bắt rễ sâu xa trong lòng đông đảo quần chúng lao động. Nó phải được quần chúng đó hiểu và yêu thích. Nó phải tập hợp được tình cảm, tư tưởng, ý chí của quần chúng đó, nâng họ lên. Nó phải thức tỉnh những nghệ sĩ trong quần chúng và phát triển các nghệ sĩ đó”.

Trong lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, mỗi khi đất nước có giặc ngoại xâm thì cuộc sống, số phận mỗi người dân tất yếu phải gắn chặt với vận mệnh của đất nước. Trong hoàn cảnh đó, lương tâm và trách nhiệm đặt ra tiếng nói của mỗi thi sĩ phải hòa chung với tiếng nói chung của dân tộc, thể hiện tình cảm của quảng đại quần chúng nhân dân lao động, biết đau chung cùng nỗi đau của người dân nô lệ, biết yêu thương, cảm mến và tôn vinh với những con người đã xả thân vì nghĩa lớn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Rõ ràng là dân tộc bị áp bức, thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng”. Vì vậy, dù có những đặc trưng, đặc thù thế nào đi chăng nữa thì từ sự nhận thức, phản ánh của mình, nhà thơ vẫn phải nhằm mục đích góp phần vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, giải quyết những mâu thuẫn, những yêu cầu đặt ra của thời đại. Do đó, trong thời kỳ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược nước ta, trước cảnh mất nước lầm than, nhân dân ta “một cổ hai tròng”, đây là “lửa thử vàng” để xem dòng thơ nào, tác giả nào thực sự “vị nhân sinh”, gắn bó với vận mệnh dân tộc, đất nước.

Trong những thời khắc trọng đại, yêu cầu nghệ thuật của thơ được tự giác kết hợp với yêu cầu chính trị, với nhiệm vụ lịch sử của đất nước. Thử hỏi thời kỳ đó, những tiếng thở dài “Không rên xiết là thơ vô ý nghĩa” hay “Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ/ Một đôi người u uất nỗi chơi vơi” liệu có đại diện cho tiếng nói cả dân tộc không? Chắc chắn là không!

Hiển nhiên rằng, thơ không còn con đường nào khác ngoài con đường “bay theo đường dân tộc đang bay” và nhà thơ tự nguyện: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu/ Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao” (Xuân Diệu). Lịch sử thời kỳ ấy đặt ra cho mỗi nhà thơ, mỗi bài thơ đều thể hiện ý thức trách nhiệm với nhân dân, chủ động dùng thơ như một vũ khí tinh thần trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Nhà thơ trước hết phải là một công dân, đồng thời cũng là một chiến sĩ để những tác phẩm của mình phục vụ tốt nhất cho mục tiêu đấu tranh giành độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Thơ cách mạng kháng chiến của chúng ta đã làm tròn sứ mệnh vẻ vang đó. Thế nên, ai đó cho rằng, thơ thời kỳ này không có giá trị là một nhận định hàm hồ, thiếu nhân văn, xuyên tạc, nếu không muốn nói là thái độ vô ơn bạc nghĩa, có dụng ý xấu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét