Tôi bàng hoàng khi nghe tin Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã rời khỏi cõi thế sáng 14-9-2023. Trong cuộc đời làm báo 30 năm, tôi may mắn có duyên nhiều lần đi công tác với ông, đôi lần được ông chia sẻ những câu chuyện trong cuộc đời, tận mắt chứng kiến nhiều hoạt động của ông, cả trong nước và quốc tế. Nhớ ông là nhớ tới những chuyến đi.
Ông kể tôi nghe chuyến đi công tác nước ngoài đầu tiên của ông diễn ra ngay sau khi vừa tốt nghiệp Trường Sĩ quan Thông tin ở Nha Trang (Khánh Hòa). Chuyến đi nước ngoài này của ông kéo dài... 5 năm! Hồi đó, nghe nói về chuyện con em các cán bộ cao cấp được đãi ngộ, biệt đãi này nọ, ông rất khó chịu. Vốn ưa thử thách, mà không đâu có nhiều thử thách hơn ở chiến trường nên tốt nghiệp xong, ông lên gặp đồng chí Lê Đức Anh, khi ấy là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, tình nguyện xin đi chiến đấu giúp bạn ở Campuchia với lời hứa: “Chưa nên người thì chưa về!”.
Trước khi đi, thầy dạy ông ở Trường Sĩ quan Thông tin nói đại ý là con em cán bộ cao cấp sướng quen rồi thì cứ đi chiến trường khoảng 6 tháng, nếu thấy khổ quá, không chịu được thì xin về, người ta cho về ngay! Thế là ông ở lại chiến trường Campuchia liền 5 năm không về phép lần nào! Chị gái và anh rể ông phải lên gặp cấp trên, nhờ “vận động” ông về thăm nhà, chứ cứ đi biền biệt suốt, nhà không biết tin tức thế nào...
Chàng Trung úy Nguyễn Chí Vịnh đặt chân xuống sân bay Pochentong vào một ngày mùa hè năm 1984. Tình hình Campuchia khi ấy rất phức tạp, Khmer Đỏ đang chống phá ác liệt, tổ chức các hoạt động ám sát, phá hoại khắp nơi, kể cả ở Phnom Penh. Nói “đi nước ngoài” là cho vui chứ thực chất trong những năm tháng ấy, đó là một chiến trường khốc liệt, nơi sự sống và cái chết cách nhau chỉ trong gang tấc.
Những năm tháng lăn lộn chiến đấu ở Campuchia, từ người lính tới cương vị một sĩ quan tình báo đã mang lại cho ông những kinh nghiệm sống xương máu cùng năng lực làm việc hết mình vì mục tiêu chung. Ông lần lượt trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, từ sĩ quan tác chiến địa bàn cho đến các vị trí quản lý, lãnh đạo từ thấp đến cao. “Cả 4 đơn vị tình báo mà tôi từng chỉ huy, từ nhỏ tới lớn, đều được phong danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân”, một lần ông tự hào nói với tôi như thế.
Người “đối thoại” thông minh, kiên định
Khi đảm nhiệm cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách công tác đối ngoại, ông đi công tác liên miên. Chúng tôi vẫn nói đùa với ông rằng ông đạt tiêu chuẩn phi công cấp 1 nếu tính theo số giờ bay! Ông trực tiếp tham gia chỉ đạo thúc đẩy thay đổi nhận thức về đối ngoại quốc phòng (ĐNQP), vừa bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biên giới, lãnh thổ của Tổ quốc, vừa bảo đảm gìn giữ hòa bình, hữu nghị, xây dựng quan hệ hợp tác với các nước láng giềng, các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. ĐNQP, theo ông, chính là chiếc “la bàn” giúp lãnh đạo cấp cao của đất nước có thể định hướng đúng đắn trên đại dương toàn cầu hóa, đưa Việt Nam hội nhập mạnh mẽ vào đời sống quốc tế.
Một trong những cơ chế đặc biệt trong hoạt động ĐNQP mà Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh luôn tham gia với vai trò nổi bật chính là cơ chế đối thoại chiến lược/chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng, là cấp làm việc sau cấp Bộ trưởng. Trong thời gian Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh làm việc, Việt Nam có cơ chế đối thoại chiến lược/chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng với hàng loạt quốc gia như: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Liên bang Nga, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản..., riêng với Australia có đối thoại chiến lược ngoại giao-quốc phòng.
Các cuộc đối thoại này không chỉ diễn ra với các quốc gia có chung nhiều lợi ích với Việt Nam mà cả với những đối tác còn có những điểm bất đồng. Trong nhiều thời điểm, những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ diễn biến hết sức phức tạp, gây ra những “điểm nóng” chứa đựng nhiều nguy cơ bùng phát tại nhiều khu vực, đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Do đó, khi tiến hành đối thoại chiến lược/chính sách quốc phòng, người trưởng đoàn cần phải có bản lĩnh vững vàng, thông minh và hết sức nhạy bén trước những tình huống bất ngờ.
Rất nhiều lần, ở Bắc Kinh, Tokyo hay Washington, Seoul, Phnom Penh, tôi đã chứng kiến Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh có những phản ứng vô cùng chuẩn xác, mềm dẻo nhưng cũng luôn kiên định để hóa giải những tình huống phức tạp, bảo đảm duy trì môi trường hòa bình, tận dụng các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế của Quân đội và đất nước ở khu vực và trên thế giới.
Người thúc đẩy “lòng tin chiến lược”
Một hoạt động khác mà Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tham gia và có những đóng góp hoặc thầm lặng, hoặc nổi bật là tại các diễn đàn quốc tế.
Năm 2013, ở Singapore diễn ra Đối thoại Shangri-La lần thứ 12, một diễn đàn mở, nơi quy tụ các nhà hoạch định chính sách, chiến lược gia, học giả, cựu quan chức chính phủ, nhà báo... từ khắp nơi trên thế giới để trao đổi các vấn đề liên quan đến an ninh, chính trị quốc tế. Ban tổ chức đã mời lãnh đạo Việt Nam phát biểu đề dẫn. Vào tối 31-5-2013, từ Đối thoại Shangri-La lần thứ 12, thế giới đã lắng nghe thông điệp từ lãnh đạo Việt Nam: Để duy trì hòa bình, an ninh khu vực một cách bền vững, các quốc gia trong khu vực cần phải xây dựng “lòng tin chiến lược”. Ít ai biết được rằng người đứng đằng sau, hình thành nên khái niệm “lòng tin chiến lược” ấy là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
Có lần tôi đã hỏi ông, “lòng tin chiến lược” đó cụ thể là gì? Ông suy nghĩ giây lát rồi nói: “Đó là thông qua hợp tác để xây dựng lòng tin về mặt an ninh, quốc phòng ở cấp chiến lược, mà không phải chỉ trên lời nói. Sự hợp tác bắt đầu trên từng mặt, rồi từ kết quả hợp tác lại củng cố lòng tin để đi đến hợp tác sâu rộng hơn, trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực hơn. Muốn vậy, các nước, đặc biệt là các cường quốc, phải thực tâm hợp tác, thể hiện rõ quyết tâm, có đầu tư thích đáng, thực hiện cam kết đi đôi với hành động, lấy hành động trên thực tế để chứng minh cho trách nhiệm của mình”.
3 năm sau, năm 2016, tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 15, tôi chứng kiến Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, trưởng đoàn Việt Nam xử lý tình huống rất bình tĩnh ở đối thoại năm ấy!
Trên suốt quãng đường hơn hai trăm mét từ cửa phòng họp song phương với đoàn Trung Quốc ra tới đại sảnh khách sạn Shangri-La, các phóng viên quốc tế đã “ép” Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cùng các thành viên đoàn trong một khối hỗn độn, di chuyển chậm chạp, với một rừng micro chĩa ra chỉ để được nghe quan điểm của người trưởng đoàn Việt Nam. Vừa di chuyển trong vòng vây của các phóng viên quốc tế, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh vừa điềm tĩnh trả lời, không từ chối bất cứ một câu hỏi nào, về quan điểm, lập trường nhất quán của Việt Nam đối với các vấn đề liên quan đến an ninh khu vực cũng như quốc tế. Đó là tất cả các quốc gia cần phải hợp tác và đấu tranh để giải quyết bất đồng, ngăn ngừa xung đột, tăng cường hợp tác cùng phát triển, xây dựng lòng tin, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau; đồng thời thẳng thắn đấu tranh để tìm ra tiếng nói chung, lợi ích chung trong giải quyết tranh chấp, bất đồng...
Với anh em, bạn bè hay những người giúp việc, ông là “anh Năm” thân thiết; với phóng viên các hãng thông tấn nước ngoài, ông là “tướng Vịnh”, người trong nhiều năm truyền đạt tiếng nói của Quân đội nhân dân Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế.
Làm việc không ngừng để cảm thấy mình hữu dụng
Trong những năm tháng đảm nhiệm cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách đối ngoại, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã có những đóng góp to lớn nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ để khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam.
Vừa hoạt động ngoại giao chính thức, vừa vận dụng “ngoại giao nhân dân” qua các mối quan hệ với những nhân vật nổi bật trong chính giới Hoa Kỳ như Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, Thượng nghị sĩ John McCain, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, thúc đẩy dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa. Ông cũng là người chỉ đạo thực hiện các hoạt động truyền thông làm cầu nối, là người thúc đẩy việc tìm kiếm thông tin và hài cốt các quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh, một trọng tâm trong chính sách ngoại giao của Việt Nam trong mối quan hệ với Hoa Kỳ...
Ông là người đóng góp nhiều công sức vào việc đề ra và thực hiện các sáng kiến ĐNQP nổi bật của Việt Nam, việc triển khai thành công cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), cũng như việc Việt Nam lần đầu tiên cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, qua đó khẳng định vai trò, vị thế của đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng vào các hoạt động mang tính khu vực và toàn cầu.
Giờ đây, khi ông đã ra đi, những công việc ấy vẫn được tiếp tục, mang lại lợi ích to lớn cho đất nước.
***
Có lần, ông nói với tôi về cảm giác kinh khủng khi vào buổi sáng, 10 giờ mới thức dậy và không biết phải làm gì, như người thừa, thấy mình không có ích cho ai cả. Bởi thế nên ông lựa chọn cuộc sống bận rộn để cảm thấy mình hữu dụng. Ngay cả khi đã nghỉ theo chế độ, bất chấp trong người mang trọng bệnh, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh vẫn lăn xả vào hoàn thành hai công việc có ý nghĩa lớn trong cuộc đời: Viết và xuất bản cuốn sách về người thầy của ông trong lĩnh vực hoạt động tình báo, Thiếu tướng Đặng Trần Đức; khai trương Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, người cha có nụ cười hiền của ông.
Ông sống một cuộc đời trầm lặng và rực rỡ. Là người làm công tác tình báo và từng ở cương vị cao nhất phụ trách tình báo quốc phòng, ông sống một cuộc đời khép kín, ít người biết đến. Là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách công tác đối ngoại, ông đóng vai trò nổi bật trong các hoạt động ĐNQP hay tại các diễn đàn quốc tế. Dù ở cương vị nào, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng làm việc không ngừng nghỉ để thực hiện những hoài bão, lý tưởng của ông, phục vụ Quân đội, phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước.
Giờ đây, ông có thể thanh thản nhẹ bước về miền mây trắng.
Nhớ thương ông, xin kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt ông, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh!
St
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét