Lịch sử kể rằng bác sĩ Vũ Đình Tụng, người chăm sóc sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã đề xuất và được Người đồng ý lấy ngày 2/9/1945 là ngày Chủ nhật có nhiều người được nghỉ, để dự lễ Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân.
Chiều hôm đó, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trước hàng chục vạn đồng bào Thủ đô (và qua làn sóng phát thanh đến đồng bào cả nước và nhân dân thế giới), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng công bố bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Tròn 1 năm sau, ngày 2/9/1946 nhiều hoạt động kỷ niệm ngày lịch sử trọng đại ấy được tổ chức ở trong nước; đồng thời lần đầu tiên lễ mừng Quốc khánh Việt Nam được tổ chức ở ngay Paris, thủ đô nước Pháp.
Bấy giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn đại biểu Việt Nam sang đàm phán với nước Pháp, lúc thế nước như "ngàn cân treo sợi tóc". Bên trong, đất nước ngổn ngang công việc thiết lập và bảo vệ nền Dân chủ cộng hòa; nhan nhản "thù trong giặc ngoài" đang lăm le bóp chết chính quyền còn trứng nước.
Bên ngoài, chưa có một quốc gia xa-gần nào công nhận nền tự do độc lập của Việt Nam, thậm chí chính giới Pháp còn đang ráo riết toan tính tái lập chế độ thuộc địa ở Việt Nam.
Được tin đàm phán Việt-Pháp, "Đồng bào cả nước, nhất là đồng bào Nam Bộ đều lấy làm bâng khuâng"; Thư gửi đồng bào Nam Bộ ngày 1/6/1946 năm ấy, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã phải nói lời tâm huyết "xin đồng bào cứ bình tĩnh. Tôi xin hứa với đồng bào rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước"; cũng lần đầu tiên Người khẳng định "Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!".
Chiều tối ngày 2/9/1946, giữa lòng châu Âu còn nhiều cách biệt, giữa Paris đang nuôi dã tâm phục hồi "chính quốc", Chủ tịch Hồ Chí Minh đang làm Thượng khách của chính phủ Pháp, đã hiện diện tại một sự kiện chưa từng có ở thủ đô Paris, để kỷ niệm Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (do Hội Liên hiệp Việt kiều và Hội Hữu nghị Pháp - Việt tổ chức).
Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày bài diễn văn bằng tiếng Pháp nói về ngày trọng đại của quốc dân Việt Nam đã thoát khỏi ách nô lệ và chế độ thuộc địa, trở thành nước tự do và độc lập.
Tại chính nơi có các thế lực hiếu chiến đang muốn thủ tiêu nền độc lập, xóa bỏ chế độ dân chủ cộng hòa mà người Việt Nam vừa giành lại được, Người nói "Hôm nay, Nhân dân Việt Nam kỷ niệm lần thứ nhất bản Tuyên ngôn long trọng của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa".
Người "long trọng bày tỏ sự kính trọng đối với nhân dân Việt Nam anh dũng của chúng ta, đã nêu cao lý tưởng dân chủ và đã không lùi bước trước bất kỳ sự hy sinh nào để bảo vệ tự do của mình"; Người khẳng định "Chính là sự đoàn kết, đoàn kết hoàn toàn và không gì phá vỡ nổi của toàn thể nhân dân chúng ta đã khai sinh ra nước Cộng hoà của mình", và "Lòng dũng cảm và tinh thần hy sinh đã gắn bó ý chí của mọi người Việt Nam từ Bắc chí Nam thành một khối sức mạnh, bất kỳ nguồn gốc họ ở đâu, theo tôn giáo hay thuộc giai tầng xã hội nào".
Thay mặt cho Nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh "tin tưởng rằng, nước Pháp đã kháng chiến và giành được giải phóng sẵn sàng công nhận nền độc lập của chúng tôi, điều cần thiết phải có để một dân tộc mong muốn kết bạn với các dân tộc khác".
Người nói với đồng bào mình và các bạn Pháp "Nguyện vọng tha thiết nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam là Tổ quốc đang hồi sinh của chúng ta không bao giờ bị chia cắt và không gì chia cắt được".
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu cho "những người đang sống trên đất Pháp, dù đến đây vì kế sinh nhai, để hoàn thành việc học hành hay để đóng góp cho cuộc kháng chiến của nước Pháp" cần phải "biết xử sự như người con của một dân tộc đã có một nền văn hoá lâu đời, nhưng lại có đủ khả năng để trẻ lại" và Người mong đợi "với sự lịch thiệp và sự đối xử thân tình của mình, đồng bào có thể tranh thủ được sự quý mến và cảm tình của nhân dân Pháp đối với nước Việt Nam ta". Người mở ra triển vọng "Sự đóng góp của Việt Nam cho sự vĩ đại của nước Pháp và cho sức mạnh của Liên hiệp Pháp"…
Kết thúc buổi lễ kỷ niệm ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa tất cả mọi người trở lại hiện thực bằng "nguyện vọng cháy bỏng" của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về Hội nghị Fontainebleau... Trả lời phóng viên Hãng thông tấn A.F.P (Pháp) về hiện tình cuộc đàm phán Việt - Pháp đang diễn ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ "cản trở chính" là "vấn đề trưng cầu dân ý ở Nam Bộ" do lực lượng Pháp đơn phương tổ chức một cách thiếu "sự hợp tác… chặt chẽ thân thiện".
Người nói về một "nước Pháp mới" để "Hai nước Việt và Pháp có thể đi đến sự thoả thuận" và "đi đến một sự hiểu biết lẫn nhau càng nhanh chóng càng hay, để cùng có thể sẵn sàng bắt tay vào một công việc thiết thực" - một nước Pháp không theo đuổi chiến tranh tái xâm lược thuộc địa.
Về sau, trong Thư gửi kiều bào Việt Nam ở Pháp (ngày 12/9/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết "trong ngày kỷ niệm Quốc khánh (ngày mồng 2/9), kiều bào ta, nơi thì phái người, nơi thì gửi điện ủng hộ Chính phủ và tôi, nhiều kiều bào lại quyên tiền hoặc thuốc giúp Tổ quốc".
Tuyên bố với quốc dân sau khi đi Pháp về, Người tổng kết "đã làm được" 4 việc: 1. "đem lá quốc kỳ Việt Nam qua đến nước Pháp" và được "Chính phủ Pháp và nhân dân Pháp trọng thị", "người các nước trọng thị"; 2. "làm cho Chính phủ và nhân dân Pháp chú ý và hiểu rõ vấn đề Việt Nam", "thế giới cũng chú ý và hiểu rõ vấn đề Việt Nam"; 3. "làm cho số đông người Pháp trở nên bạn hữu của dân Việt Nam, hết sức tán thành Việt Nam độc lập"; 4. "làm cho địa vị các đoàn thể thanh niên, phụ nữ và lao động Việt Nam được nâng cao"...
Đặc biệt là chuyến đi 4 tháng lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn mang về nước 4 trí thức người Việt đã thành danh, gồm: Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Võ Quí Huân, Vũ Đình Huỳnh, về Việt Nam tham gia kháng chiến.
Lần đầu tiên người Việt Nam trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài kỷ niệm long trọng Quốc khánh Việt Nam; cũng là lần đầu tiên lễ kỷ niệm độc lập được tổ chức công khai trên đất Pháp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Việt Nam đang thăm và đàm phán hợp tác với Chính phủ Pháp, đã sử dụng lễ kỷ niệm trọng đại của dân tộc vào quá trình đấu tranh không khoan nhượng với các thế lực thực dân đang đẩy Việt Nam vào con đường chiến tranh.
Năm ấy, chiến tranh không tránh khỏi, chưa đầy 4 tháng sau ngày kỷ niệm Quốc khánh, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ; cả dân tộc bước vào thực hiện "đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ gìn nền tự do và độc lập"./.
Yêu nước ST.
bài rất hay
Trả lờiXóa