Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2023

 

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH KHÔNG TÁCH RỜI VÀ ĐỐI LẬP VỚI CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN


Mới đây, trên trang “Vietnam. org” đăng tải bài viết của Kiều Phong xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh, âm mưu tách rời và đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin. Nghiên cứu quá trình hình thành, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh có thể thấy rõ những quan điểm nói trên là hoàn toàn sai trái, bởi lẽ:

 

Thứ nhất, tư tưởng Hồ Chí Minh có nguồn gốc lý luận chủ yếu từ chủ nghĩa Mác – Lênin.

 

Chủ nghĩa Mác – Lênin đã cung cấp cho Hồ Chí Minh thế giới quan, phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử để hình thành hệ thống quan điểm phong phú, toàn diện của Người về cách mạng Việt Nam. Trong tìm đường cứu nước, Người đến với chủ nghĩa Mác – Lênin và tìm thấy ở đây cái “cẩm nang thần kỳ” soi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Từ đó, Người đứng hẳn về Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản) và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp vào cuối năm 1920, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, đánh dấu bước ngoặt quyết định trong hình thành tư tưởng chính trị của mình.

 

Để chuẩn bị cho quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 1927, Người viết tác phẩm “Đường kách mệnh”, trong đó khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[1]. Trong bài: “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”, Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến nguồn gốc lý luận tư tưởng của mình là chủ nghĩa Mác – Lênin. Người khẳng định: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác – Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”[2]. Vì vậy, không thể nói tư tưởng Hồ Chí Minh tách rời với chủ nghĩa Mác – Lênin.

 

Thứ hai, tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.

 

Chính trên cơ sở nắm vững và quán triệt sâu sắc bản chất cốt lõi những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh đã vận dụng phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử để tự tìm ra những chủ trương, giải pháp, đối sách phù hợp với hoàn cảnh cụ thể, từng thời kỳ cụ thể của cách mạng Việt Nam; để hình thành nên hệ thống quan điểm phong phú, toàn diện về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Người không đi tìm những kết luận có sẵn trong sách vở kinh điển của chủ nghĩa Mác -Lênin, mà tiếp thu lý luận Mác – Lênin theo phương pháp nhận thức mác xít; đồng thời, theo lối “đắc ý, vong ngôn”, tức là cốt nắm lấy cái tinh thần, cái bản chất của chủ nghĩa Mác – Lênin, chứ không tự trói buộc trong cái vỏ ngôn từ; trên cơ sở đó vận dụng vào hoàn cảnh thực tế của Việt Nam, hình thành nên những quan điểm cơ bản về mục tiêu, lực lượng, động lực, phương pháp cách mạng,… của cách mạng Việt Nam.

 

Hồ Chí Minh luôn tự mình quán triệt, thực hiện và yêu cầu: “Học tập chủ nghĩa Mác – Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác – Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta”[3]; là “học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác – Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta”[4]. Chính trên tinh thần đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về các vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam dần được hoàn bị, phản ánh sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện thực tiễn Việt Nam. Do vậy, không thể nói tư tưởng Hồ Chí Minh tách rời với chủ nghĩa Mác – Lênin như Kiều Phong đã xuyên tạc.

 

Như vậy, luận điệu của Kiều Phong đưa ra thực chất là một quan điểm sai trái, xuyên tạc về mối quan hệ gắn bó mật thiết, hữu cơ giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác – Lênin, âm mưu phủ định cơ sở lý luận quan trọng nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác – Lênin. Đây là bước đi nhằm tiến tới phủ định bản chất khoa học, cách mạng của tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, chúng ta cần kiên quyết đấu tranh vạch trần âm mưu, thủ đoạn chống phá của Kiều Phong cùng đồng bọn của y.

 

1 nhận xét: