Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống lý luận toàn diện về Cách mạng Việt Nam phù hợp với thực tiễn đất nước và dòng chảy của thời đại. Trong đó, tư tưởng về dân tộc cách mạng là hệ thống những luận điểm của Người về con đường cứu nước, về chiến lược, sách lược và những nhân tố đảm bảo thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc, đưa cách mạng Việt Nam phát triển theo con đường cách mạng vô sản, giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Bài viết phân tích rõ những luận điểm cơ bản của Hồ Chí Minh được Đảng vận dụng trong cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh; giải phóng dân tộc; Cách mạnh Tháng Tám
Trên con đường bôn ba tìm đường cứu nước đi qua nhiều châu lục, làm nhiều công việc khác nhau, Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh) đã dành toàn tâm sức xem xét, nghiên cứu tình hình các dân tộc, các giai cấp, các thể chế chính trị, đặc biệt là đi sâu tìm hiểu lý luận và kinh nghiệm các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới. Nghiên cứu cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc Mỹ và Cuộc cách mạng dân chủ tư sản Pháp, Người đã nắm được yếu tố cốt lõi của Cách mạng Mỹ và Cách mạng Pháp, đối chiếu với thực tiễn các thể chế chính trị của các nước tư bản Pháp, Mỹ và với cuộc sống của các giai cấp, các dân tộc thuộc địa ở các châu lục khác nhau,Nguyễn Ái Quốc đi đến kết luận: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hoà và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục) công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”.
Giữa lúc đó, cách mạng XHCN Tháng Mười Nga thắng lợi (1917) đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại. Tinh thần của Cách mạng Tháng Mười đã tác động đến quan điểm của Nguyễn Ái Quốc, đặc biệt là kể từ sau khi Người đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I. Lênin.
Những luận điểm của V.I. Lênin trong luận cương đã soi sáng con đường giải phóng dân tộc mà Nguyễn Ái Quốc đang khao khát tìm kiếm. Với kinh nghiệm thực tiễn, với tư duy độc lập, sáng tạo, với phương pháp độc đáo, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin và Cách mạng Tháng Mười. Người cho rằng: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật”; “Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới”.
Việc tiếp xúc với Luận cương của V.I.Lênin đánh dấu sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc theo lập trường vô sản, Người khẳng định cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam “phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”; “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Những luận điểm về cách mạng giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc đã được xác định trong các tác phẩm Đường Kách mệnh, Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng và cụ thể hóa trong quá trình hoạt động thực tiễn của mình trong những năm tiếp theo dần hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc, đưa cách mạng Việt Nam theo quỹ đạo cách mạng vô sản, trở thành một bộ phận của cách mạng thế giới. Những luận điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về dân tộc cách mệnh gồm những nội dung sau:
Thứ nhất, để đưa sự nghiệp cách mạng đến thành công phải có đảng cách mạng lãnh đạo
Trong tác phẩm Đường kách mệnh tập hợp những bài giảng của Hồ Chí Minh trong các lớp huấn luyện chính trị cho thanh niên Việt Nam chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của một đảng cách mạng, Người đã đặt ra và trả lời câu hỏi: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”. Vai trò của một đảng cách mạng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc đã được Người khẳng định một cách dứt khoát và nhấn mạnh “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”; “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”. Người cho rằng: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”.
Thứ hai, lực lượng tiến hành sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc là sự nghiệp của toàn dân tộc, tiến hành bằng phương thức cách mạng khoa học, sáng tạo
Trong Sách lược vắn tắt của Đảng do Hồ Chí Minh soạn thảo được Hội nghị thành lập (1930) Đảng thông qua, đã xác định: Cách mạng dân tộc, đánh đuổi thực dân xâm lược giải phóng dân tộc là sự nghiệp của toàn dân tộc. Theo Hồ Chí Minh, lực lượng trong dân tộc cách mạng phải là lực lượng tự thân của các dân tộc bị áp bức. Ngay từ năm 1921, trong Tuyên ngôn của “Hội liên hiệp thuộc địa”, tổ chức của những người dân bản xứ ở tất cả các thuộc địa, Người viết: “công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em”. Xác định cách mạng Việt Nam là dân tộc cách mệnh, Hồ Chí Minh chỉ rõ lực lượng trong dân tộc cách mạng: “dân tộc cách mệnh thì chưa phân giai cấp, nghĩa là sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền”.
Về vị trí vai trò của các giai cấp, tầng lớp trong dân tộc cách mệnh được Hồ Chí Minh đánh giá một cách rõ ràng, cụ thể, giai cấp công nhân và nông dân là lực lượng quan trọng nhất trong dân tộc cách mệnh. Người nói: “Công nông là người chủ cách mệnh” và “Công nông là gốc cách mệnh”, đồng thời chỉ rõ lý do “1. Là vì công nông bị áp bức nặng hơn, 2. Là vì công nông là đông nhất cho nên sức mạnh hơn hết…”. Người khẳng định vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân trong cách mạng giải phóng dân tộc thông qua Đảng của mình: “Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp, phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng”. Đồng thời, Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của giai cấp nông dân trong cách mạng dân tộc. Người xác định: giai cấp nông dân là lực lượng cách mạng tiềm tàng với những khả năng rất to lớn mà Đảng cần “Khéo tổ chức, khéo lãnh đạo, thì lực lượng ấy sẽ làm xoay trời chuyển đất, bao nhiêu thực dân và phong kiến cũng sẽ bị lực lượng to lớn ấy đánh tan” và “Chỉ có giai cấp công nhân lãnh đạo, thì nông dân mới được giải phóng. Cũng chỉ có thắt chặt liên minh với nông dân thì giai cấp công nhân mới lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi”. Xuất phát từ sự đánh giái đó, Hồ Chí Minh xác định cả hai giai cấp công nhân và nông dân làm thành động lực cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.
Với tầng lớp tiểu tư sản, trí thức, Hồ Chí Minh cho rằng họ cũng bị thực dân, phong kiến áp bức bóc lột, họ là “bầu bạn cách mệnh của công nông”. Đến khi thành lập Đảng, Hồ Chí Minh xếp tiểu tư sản, trí thức vào hàng ngũ lực lượng cách mạng do giai cấp vô sản lãnh đạo, đồng minh gần gũi của công nhân và nông dân “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt, v.v. để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp”.
Với các giai cấp, tầng lớp tư sản, dân tộc, địa chủ phong kiến, Hồ Chí Minh cho rằng họ cũng bị chủ nghĩa thực dân chèn ép, vì vậy, cách mạng giải phóng dân tộc chú trọng tranh thủ mặt tích cực của họ, lôi kéo họ hoặc ít nhất là trung lập họ, Đảng cần tập hợp hoặc lôi kéo phú nông, tư sản dân tộc và trung, tiểu địa chủ, miễn là họ có lòng yêu nước. Người cho rằng Đảng: “phải ra sức tổ chức Mặt trận dân tộc dân chủ rộng rãi. Mặt trận ấy không những chỉ có người Đông Dương mà bao gồm cả những người Pháp tiến bộ ở Đông Dương, không những chỉ có nhân dân lao động mà gồm cả giai cấp tư sản dân tộc”.
Hồ Chí Minh chủ trương đại đoàn kết tất cả các lực lượng yêu nước đứng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc. Ngoài các giai cấp, tầng lớp, Người chú trọng tập hợp, huy động tất cả các đảng phái, dân tộc, tôn giáo, các đoàn thể, các lứa tuổi…
Những quan điểm sáng tạo về lý luận đại đoàn kết dân tộc, chủ trương đúng đắn của Hồ Chí Minh về tổ chức lực lượng đã góp phần quan trọng đưa cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam từng bước đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Thứ ba, cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản và là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới; cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa có thể giành thắng lợi trước và hỗ trợ cách mạng vô sản ở các nước tư sản giành thắng lợi
Vận dụng sáng tạo những quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể ở các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam, Hồ Chí Minh không xem cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa phụ thuộc vào cách mạng vô sản chính quốc, mà đặt hai cuộc cách mạng này trong mối quan hệ hữu cơ gắn bó với nhau, không thể tách rời. Từ trên cơ sở thực tiễn các nước thuộc địa, Hồ Chí Minh cho rằng “hàng trăm triệu nhân dân châu Á bị tàn sát và áp bức thức tỉnh để gạt bỏ sự bóc lột đê tiện của một bọn thực dân lòng tham không đáy, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ, và trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”, Hồ Chí Minh đã bổ sung vào câu khẩu hiệu của V.I. Lênin vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại! bằng khẩu hiệu: “Lao động tất cả các nước, đoàn kết lại!”. Với kết luận này, Hồ Chí Minh đã gắn kết cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam vào dòng chảy của thời đại, vào cách mạng vô sản thế giới, phát huy sự đoàn kết dân tộc và quốc tế góp phần đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi.
Thứ tư, cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng nhân dân để đánh đổ thực dân đế quốc, giành độc lập tự do cho dân tộc
Xuất phát từ sự hiểu biết các phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc trong truyền thống lịch sử dân tộc; trong quá trình đi tìm đường cứu nước và tiếp thu kinh nghiệm của các cuộc cách mạng trên thế giới và lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh khẳng định tính tất yếu của con đường bạo lực cách mạng bằng phương thức khởi nghĩa của quần chúng, khởi nghĩa dân tộc để giành độc lập, tự do.
Xem xét thực trạng tình hình kinh tế, chính trị và xã hội Việt Nam, phân tích tương quan lực lượng các giai cấp ở các nước thuộc địa nói chung và Việt Nam nói riêng không phù hợp với quan điểm “Súng đẻ ra chính quyền” hoặc sử dụng lực lượng quân sự một cách đơn thuần mà là dùng sức mạnh tổng hợp các yếu tố chính trị, quân sự; của quần chúng nhân dân với hình thức khởi nghĩa và chiến tranh với nhiều bước đi, nhiều biện pháp và hình thức đấu tranh cụ thể để đạt được những mục tiêu của từng chặng đường, tiến tới mục đích cuối cùng là đánh đổ chủ nhĩa thực dân và tay sai, giành độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Chính tư tưởng cách mạng bạo lực là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc Việt Nam đi đến thắng lợi, làm nên Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Hệ thống luận điểm dân tộc cách mạng của Hồ Chí Minh được xác lập đã đựa cách mạng Việt Nam vận động và phát triển theo quỹ đạo cách mạng vô sản, theo trào lưu phát triển của thời đại; cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới; xóa bỏ sự áp bức giai cấp, áp bức dân tộc; cách mạng Việt Nam sử dụng bảo lực cách mạng, đặc biệt là sức mạnh chính trị của quần chúng nhân dân; cách mạng Việt Nam phải được tiến hành triệt để, đưa tới sự giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và xác lập vai trò làm chủ xã hội của nhân dân lao động, thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”.
2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc là cơ sở lý luận để Đảng hoạch định đường lối cách mạng, lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa
Sau khi tìm ra chân lý cứu nước theo con đường cách mạng vô sản, xác định cách mạng muốn thành công phải có đảng cách mạng lãnh đạo. Đảng phải được vũ trang bằng chủ nghĩa Mác-Lênin, có đủ năng lực lãnh đạo toàn thể dân tộc thực hiện các mục tiêu của cách mạng. Hồ Chí Minh đã tiến hành các hoạt động tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, xây dựng tổ chức, chuẩn bị và rèn luyện cán bộ thông qua việc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên (năm 1925 ở Trung Quốc). Trên cơ sở lý luận và tổ chức do Hồ Chí Minh chuẩn bị dẫn đến sự ra đời các tổ chức cộng sản ở Việt Nam (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn). Tiếp đó, đầu năm 1930 đã diễn ra Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam tại Cửu Long (Hương Cảng Trung Quốc), do Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Hội nghị đã thảo luận và thống nhất việc hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thông qua Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng và Điều lệ tóm tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc dự thảo. Thành công của Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản đã đưa lại cho giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc Việt Nam một đảng cách mạng, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong cách mạng “Thống nhất vững chắc” với đường lối đúng đắn làm cơ sở cho sự thống nhất về tư tưởng và hành động của các lực lượng yêu nước và cách mạng Việt Nam tiến lên đánh đuổi thực dân đế quốc giành độc lập dân tộc.
Từ việc phân tích các điều kiện kinh tế, xã hội, xác định rõ mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, Hồ Chí Minh đã vận dụng linh hoạt nguyên lý đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX. Trong xã hội Việt Nam đầu thể kỷ XX là xã hội thuộc địa nửa phong kiến, bị thực dân Pháp thống trị thì mâu thuẫn chủ yếu, nổi cộm là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược. Cách mạng phải thực thiện hai nhiệm vụ là nhiệm vụ dân tộc và nhiệm vụ dân chủ, đánh đổ đế quốc và phong kiến. Phải thường xuyên giải quyết mối quan hệ giữa các nhiệm vụ này cho phù hợp với tình hình. Chủ trương đặt nhiệm vụ dân tộc lên hàng đầu của Hồ Chí Minh là đúng đắn, sáng tạo và khoa học, đáp ứng được yêu cầu lịch sử, nguyện vọng, quyền lợi thiết thân của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân. Hồ Chí Minh đã thấy yếu tố dân tộc có sức mạnh to lớn trong việc tập hợp các giai cấp, tầng lớp vào mặt trận chung chống đế quốc, thực hiện nhiệm vụ đầu tiên là “a) Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến. b) Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập…”
Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế những năm 30 thể kỷ XX, có nhiều điểm trong tư tưởng Hồ Chí Minh về việc đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, đề cao yếu tố dân tộc không được Quốc tế Cộng sản thừa nhận, điều đó có tác động đến đường lối cách mạng của Đảng từ tháng 10-1930.
Từ thực tiễn đấu tranh cách mạng trong những năm1930 - 1939, đến giai đoạn 1939 - 1945, Đảng đã có sự chỉ đạo giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa nhiệm vụ dân tộc và nhiệm vụ dân chủ. Đó là đặt nhiệm vụ đánh đế quốc và Việt gian tay sai, giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất. HNTƯ Đảng (11-1939) và đặc biệt là HNTƯ 8 (5-1941) do Nguyễn Ái Quốc chủ trì, đã quyết định giương cao ngọn cơ giải phóng dân tộc lên hàng đầu: “Trong lúc này khẩu hiệu của Đảng ta trước hết phải làm sao giải phóng cho được các dân tộc Đông Dương ra khỏi ách của giặc Pháp - Nhật”… “nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Thực hiện chủ trương cứu nước, giải phóng dân tộc, Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn dân tộc tập trung xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang tiến hành khời nghĩa từng phần, giành chính quyền bộ phận tiến lên chớp thời cơ để giành chính quyền toàn quốc trong Tháng Tám năm 1945.
Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đã thành công rực rỡ. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời. Ngày 2-9-1945, tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Độc lập, tự do - tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã thành hiện thực./.
St
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét