Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “gia đình là hạt nhân của xã hội”. Người nêu ra và làm rõ các khái niệm về gia đình Việt Nam với nghĩa hẹp và nghĩa rộng, nghĩa cũ và nghĩa mới. Vận dụng tư tưởng của Người, trong 35 năm (1986-2021) thực hiện đường lối đổi mới, Đảng đã từng bước đề ra chủ trương xây dựng gia đình Việt Nam có cuộc sống no ấm, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh. Đó cũng chính là mục tiêu của cách mạng Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra ngay từ năm 1930, đó là: “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”.
1. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về gia đình Việt Nam
Quá trình hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam gắn liền với truyền thống xây dựng và phát triển gia đình no ấm, hạnh phúc. Gia đình Việt Nam chính là một trong những cơ sở nền tảng để xây dựng nên con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đánh giá rất cao vai trò của gia đình trong mối quan hệ với xã hội, với cách mạng, với đất nước. Người cho rằng: “Gia đình là hạt nhân của xã hội.”; “Hạt nhân của xã hội là gia đình”3 và phân tích làm rõ khái niệm gia đình: “Gia đình có nghĩa cũ và nghĩa mới, nghĩa hẹp và nghĩa rộng. “Gia” là nhà. “Đình” là sân. Theo nghĩa cũ thì gia đình chỉ giới hạn hẹp hòi trong một cái nhà, cái sân. Nghĩa là chỉ lo cho cha mẹ, vợ con trong nhà mình ấm no yên ổn, ngoài ra ai nghèo khổ mặc ai. Như thế là ích kỷ, không tốt. Theo nghĩa mới thì gia đình rộng rãi hơn, tốt đẹp hơn. Thí dụ, những người cùng lao động trong một nhà máy, trong một cơ quan, trong một hợp tác xã... đều phải đoàn kết và thương yêu nhau như anh em trong một gia đình. Rộng ra nữa là đồng bào cả nước đều là anh em trong một đại gia đình...
Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Rộng hơn nữa, chúng ta có đại gia đình xã hội chủ nghĩa:
Lọ là thân thích ruột rà,
Công nông thế giới đều là anh em”.
Người cho rằng “Mỗi người chúng ta có hai gia đình: Gia đình riêng, nhỏ, và đại gia đình là Tổ quốc”. Người cách mạng phải sẵn sàng hy sinh gia đình nhỏ (gia đình riêng) cho gia đình lớn (Tổ quốc): “Gia đình to (là cả nước) và gia đình nhỏ: cái nào nặng, cái nào nhẹ? Người cách mạng chọn gia đình to. Vì người cách mạng biết nếu gia đình to bị áp bức, bóc lột thì gia đình nhỏ sẽ suy sụp, không phát triển được. Vì vậy, không thể bo bo giữ gia đình nhỏ mà không nghĩ đến gia đình to. Đấy là cách hiểu xa thấy rộng. Phải hy sinh cái nhỏ cho cái lớn. Phải hy sinh cái riêng cho cái chung. Chữ tình, chữ hiếu, cũng phải hiểu một cách rộng và hiểu như thế mới là đúng. Giữa lợi ích riêng và lợi ích chung phải chọn lấy một. Mà phải chọn cái ích chung... Nếu phải hy sinh gia đình nhỏ cho gia đình lớn cũng phải làm. Phải dứt khoát, tuyệt đối không được chọn gia đình nhỏ. Có một số cán bộ không yên tâm công tác là vì không hiểu cái đó. Phải hy sinh cái riêng, cái nhỏ để phục vụ cái chung, cái to” . Vì mục tiêu cuối cùng của cách mạng Việt Nam là giành độc lập dân tộc và xây dựng một xã hội mới - xã hội chủ nghĩa, mọi người dân đều có cuộc sống no ấm, tự do, hạnh phúc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Đến chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản, gia đình chung đã có hạnh phúc thì gia đình riêng cũng có hạnh phúc”. Còn trường hợp giành được “tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì”. Người nhấn mạnh: “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Đối với cá nhân mình, Người tự nhận rằng, “Bác tuy không có gia đình riêng, nhưng Bác có một đại gia đình rất lớn, đó là giai cấp công nhân toàn thế giới, là nhân dân Việt Nam”.
Với quan điểm trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể quần chúng cần phải chăm lo xây dựng gia đình Việt Nam cả theo nghĩa hẹp, nghĩa rộng và nghĩa mới.
Để có cơ sở vững chắc cho việc xây dựng gia đình nhỏ của mỗi người được hạnh phúc, Quốc hội đã xây dựng Luật Hôn nhân và Gia đình. Ngày 10-10-1959, nói chuyện tại Hội nghị Cán bộ thảo luận dự thảo luật này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”. Người cho rằng, trong xây dựng gia đình Việt Nam theo nghĩa hẹp, nghĩa rộng và nghĩa mới cần phải giải phóng phụ nữ vì phụ nữ chiếm phân nửa xã hội: “Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Người nhấn mạnh việc Quốc hội thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình “là một cuộc cách mạng”. Luật Hôn nhân và Gia đình “nhằm giải phóng phụ nữ, tức là giải phóng phân nửa xã hội. Giải phóng người đàn bà, đồng thời phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến, tư tưởng tư sản trong người đàn ông”. Việc thực hiện tốt Luật Hôn nhân và Gia đình “gia đình sẽ có hạnh phúc, và sẽ góp phần vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất nước nhà, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Người nhắc nhở chị em phụ nữ cần phải chủ động tự giải phóng mình: “Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh”. Muốn thuận vợ, thuận chồng, muốn gia đình hạnh phúc thì nam nữ kết hôn phải thực sự yêu đương nhau.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, để xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho mỗi gia đình Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “Cuộc đấu tranh giành thống nhất đất nước hiện nay của đồng bào miền Nam và miền Bắc cũng là để cho gia đình chúng ta sum họp”. Người nhắc nhở mọi gia đình Việt Nam đoàn kết thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai ở miền Nam: “Mọi gia đình đều đoàn kết cộng lại thành xã hội đại đoàn kết. Đại đoàn kết là sức mạnh vô địch của nhân dân ta trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và trong sự nghiệp đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà”.
Báo cáo tại Hội nghị Chính trị đặc biệt, ngày 27-3-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Xã hội miền Bắc ngày nay là xã hội của những người lao động làm chủ tập thể, nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống mới cho mình và cho con cháu muôn đời mai sau. Xã hội miền Bắc ngày nay là một đại gia đình gồm mọi tầng lớp nhân dân, mọi dân tộc anh em thân ái đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, đồng cam cộng khổ, phấn đấu cho lợi ích chung của Tổ quốc. Chế độ ta là chế độ mới, nhân dân ta đang trau dồi đạo đức mới, đạo đức xã hội chủ nghĩa của những người lao động “ta vì mọi người, mọi người vì ta”. Trong khi xây dựng cái mới, chúng ta phát triển những đức tính tốt đẹp của tổ tiên ta và học tập những gương tốt của nhân dân các nước anh em”.
2. Sự vận dụng của Đảng trong xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng kể từ khi ra đời (năm 1930) đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Trong công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay, kế thừa và phát triển quan điểm của Hồ Chí Minh về Gia đình là hạt nhân của xã hội; Hạt nhân của xã hội là gia đình, Đại hội VI (1986) của Đảng xác định: “Gia đình là tế bào của xã hội, có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, con người mới”; “Đảng, Nhà nước và các đoàn thể quần chúng cần đề ra phương hướng, chính sách và có biện pháp tổ chức thực hiện về xây dựng gia đình văn hóa mới, bảo đảm hạnh phúc gia đình”. Thực hiện những căn dặn của Người: “Đã là đại gia đình, thì sự săn sóc, dạy dỗ cũng không chỉ nhằm làm cho con cháu mình khỏe và ngoan, mà phải cố gắng giúp đỡ cho tất cả các cháu đều ngoan và khỏe”. Đại hội VI của Đảng khẳng định: “Nâng cao trình độ tự giác xây dựng những quan hệ tình cảm, đạo đức trong từng gia đình, bảo đảm sinh đẻ có kế hoạch và nuôi dạy con ngoan, tổ chức tốt cuộc sống vật chất, văn hóa của gia đình”.
Về văn hóa, Đại hội VII (1991) của Đảng nêu rõ: “Xây dựng gia đình văn hóa mới có ý nghĩa rất quan trọng trong tình hình hiện nay, góp phần phát triển lực lượng sản xuất, ổn định và cải thiện đời sống, thực hiện kế hoạch hóa dân số, giữ gìn và phát huy những truyền thống đạo đức, văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Nâng cao ý thức về nghĩa vụ gia đình đối với mọi lớp người. Kết hợp và phát huy vai trò của xã hội, các đoàn thể, nhà trường, tập thể lao động và tập thể dân cư trong việc chăm lo bồi dưỡng tình đồng chí, đồng đội, hình thành nhân cách con người mới và nền văn hóa mới”. Đại hội VII thông qua Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nêu rõ 6 đặc trưng của CNXH, trong đó nêu rõ: “Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Các chính sách của Nhà nước phải chú ý tới xây dựng gia đình no ấm, hòa thuận, tiến bộ. Nâng cao ý thức về nghĩa vụ gia đình đối với mọi lớp người. Đơn vị sản xuất, công tác, học tập, chiến đấu phải là môi trường xây dựng phong cách lao động có kỷ luật, có kỹ thuật, có năng suất và hiệu quả cao, nơi thể hiện tình bạn, tình đồng chí, đồng đội, hình thành nhân cách con người mới và nền văn hóa mới”.
Vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của gia đình đối sự phát triển nền kinh tế - xã hội đất nước, Đại hội VI của Đảng chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế gia đình. Năm 1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW “Về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp” xác định hộ gia đình là đơn vị kinh tế: “Các đơn vị quốc doanh, tập thể có trách nhiệm tạo điều kiện, hướng dẫn, giúp đỡ cho kinh tế gia đình phát triển”. Đây là quan điểm mới, tạo điều kiện để gia đình có nền tảng kinh tế làm cơ sở để xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc. Đến Đại hội VII (1991) của Đảng, kinh tế gia đình tiếp tục được khẳng định “Phát triển mạnh kinh tế gia đình bằng nhiều hình thức”. Đặc biệt, ngày 21-2-2005, Ban Bí thư Trung ương ra Chỉ thị số 49-CT/TW “Về xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” đã chỉ rõ: “Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình; nhân rộng các mô hình kinh tế hộ tiên tiến; bảo đảm kết quả bền vững của chương trình xoá đói, giảm nghèo và tạo việc làm, nhất là ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm đặc biệt tới các gia đình có công với cách mạng, gia đình là nạn nhân của chiến tranh”.
Vận dụng và phát triển quan điểm của Hồ Chí Minh “Hạt nhân của xã hội là gia đình... muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”, sau 10 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đại hội VIII (1996) của Đảng xác định: “Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, thích ứng với những đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng, ngày 16-7-1998, Ban Chấp hành Trung ương ra Nghị quyết số 03-NQ/TW (Nghị quyết HNTƯ 5) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” xác định: “Gìn giữ và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ. Coi trọng xây dựng gia đình văn hóa. Xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội”.
Thực hiện quan điểm của Hồ Chí Minh: nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, Đại hội IX (2001) của Đảng nêu rõ trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục phát triển nhân cách, lối sống của các thành viên trong gia đình: “Nêu cao trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng các thành viên của mình có lối sống văn hoá, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội”. Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21-2-2005, của Ban Bí thư Trung ương “Về xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” (Chỉ thị đầu tiên của Đảng chuyên bàn về xây dựng gia đình Việt Nam), nêu rõ gia đình là “nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; “Trải qua nhiều thế hệ, gia đình việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn học dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước”. Trên cơ sở đánh giá khái quát về gia đình Việt Nam, Chỉ thị xác định các nhiệm vụ xây dựng gia đình đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, trong đó xác định rõ đầu tư cho gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững.
Triển khai thực hiện những chủ trương trên của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể đã ban hành nhiều chính sách, biện pháp thực hiện. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày 28-6 hằng năm làm “Ngày Gia đình Việt Nam”, nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Về tổ chức, ngày 11-11-2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2002/NĐ-CP Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em nêu rõ đây là cơ quan ngang bộ của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dân số, gia đình và trẻ em.
Đảng không ngừng chú trọng thực hiện quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng gia đình Việt Nam gắn với phải giải phóng phụ nữ, vì không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa nhân loại, là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa. Gia đình có trách nhiệm với các thành viên và với xã hội; Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ sự ổn định và phát triển của gia đình. Xây dựng gia đình phải luôn gắn với sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên; chủ động rà soát, đánh giá tình hình gia đình tại địa phương, xây dựng và triển khai các kế hoạch, đề án cá thể giải quyết những khó khăn, thách thức về gia đình và công tác gia đình. Giáo dục và vận động mọi gia đình tự nguyện tự giác, tích cực thực hiện nếp sống văn minh. Kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn với xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển. Các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng và gia đình tham gia tích cực xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, khu phố văn hoá, cụm dân cư văn hoá. Xây dựng và triển khai chiến lược và chương trình mục tiêu về công tác gia đình...
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ, gia đình hạnh phúc sẽ góp phần vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội được Đảng kế thừa và phát triển trong thực tiễn. Vận dụng quan điểm của Người, Đại hội X (2006) của Đảng xác định: “Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, thích ứng với những đòi hỏi của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đại hội XI (2011) của Đảng chỉ ra rằng: “Sớm có chiến lược quốc gia về xây dựng gia đình Việt Nam, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của văn hoá, con người Việt Nam, nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chung của người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”; “Quan tâm chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện để người cao tuổi hưởng thụ văn hóa, được tiếp cận thông tin, sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc. Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội và gia đình. Tiếp tục xây dựng gia đình “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”; giúp đỡ người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa”. Đại hội thông qua Cương lĩnh Xây dựng đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) trong đó nêu rõ: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Đơn vị sản xuất, công tác, học tập, chiến đấu phải là môi trường rèn luyện phong cách làm việc có kỷ luật, có kỹ thuật, có năng suất và hiệu quả cao, bồi đắp tình bạn, tình đồng chí, đồng đội, hình thành nhân cách con người và nền văn hóa Việt Nam”. Thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 3-1-2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2013/NĐ-CP “quy định về công tác gia đình”, nêu rõ: Công tác gia đình là hoạt động của các cơ quan, tổ chức nhằm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, ngày 9-6-2014, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW (Nghị quyết HNTƯ 9 khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, xác định: “Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”. Đại hội XII (2016) của Đảng đề ra nhiệm vụ: “Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh” và khẳng định lại những nội dung xây dựng gia đình Việt Nam được nêu ra tại Đại hội XI của Đảng.
Sau 35 năm (1986-2021) thực hiện đường lối đổi mới với quan điểm của Đảng: gia đình là tế bào của xã hội, có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, con người mới, công tác xây dựng gia đình Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, công tác xây dựng gia đình Việt Nam có cuộc sống ấm no, hạnh phúc vẫn còn có những hạn chế, đặc biệt là bệnh thành tích trong xây dựng gia đình văn hóa. Trước thực tế đó, Đại hội XIII (2021) của Đảng chỉ rõ cần phải khắc phục bệnh thành tích, bệnh hình thức trong xây dựng gia đình Việt Nam. Đồng thời, tập trung “phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”; “thực hiện các chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh”. Trong quá trình đó, “đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ”; “Tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau”; “Kính trọng, bảo vệ và chăm sóc người cao tuổi. Bảo trợ, giúp đỡ người cao tuổi gặp khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa”.
Thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 30-12-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2238/QĐ-TTg “Phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030”. Quyết định nêu rõ: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển bền vững; là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội”; “Phát huy vai trò của gia đình nhằm tạo môi trường giáo dục sớm, góp phần xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, phát triển toàn diện, trở thành trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Mục tiêu chung của chiến lược này là: “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, là hạt nhân, tế bào lành mạnh của xã hội, tổ ấm của mỗi người; là nơi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, lối sống tôn trọng đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phát huy, nhân rộng các giá trị tốt đẹp góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước”.
Những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng gia đình Việt Nam đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức đoàn thể triển khai thực hiện đạt kết quảquan trọng. Đến giữa năm 2021, công tác xây dựng gia đình Việt nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ban Bí thư Trung ương đã nhận định rằng “Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể đã xác định công tác xây dựng gia đình là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình công tác. Nhiều gia đình đã tiếp cận được những dịch vụ xã hội cơ bản, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao. Kinh tế hộ gia đình đã đóng vai trò quan trọng trong thu nhập quốc dân; nhiều hộ gia đình đã nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng. Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi trong gia đình được coi trọng và có nhiều tiến bộ. Bình đẳng giới, quyền trẻ em, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao. Chăm lo, vun đắp, xây dựng, giữ gìn hạnh phúc gia đình là giá trị cao đẹp mà mỗi người Việt Nam luôn quan tâm thực hiện và hướng tới. Các giá trị chung thủy, yêu thương, chia sẻ và bình đẳng trong hôn nhân luôn được coi trọng... Những thành tựu của công tác xây dựng gia đình đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam; thực hiện thành công Mục tiêu Thiên niên kỷ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh”.
Kinh tế hộ gia đình đã đóng vai trò quan trọng tại các địa phương; nhiều hộ gia đình đã nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng. Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi trong gia đình được coi trọng. Bình đẳng giới, quyền trẻ em, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao. Các giá trị chung thủy, yêu thương, chia sẻ và bình đẳng trong hôn nhân được các gia đình coi trọng. Những thành tựu của công tác xây dựng gia đình đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam; thực hiện thành công Mục tiêu Thiên niên kỷ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Gia đình là hạt nhân của xã hội, tồn tại và phát triển trong suốt quá trình ra đời và phát triển của dân tộc Việt Nam. Trong quá trình đó, khái niệm về gia đình được mở rộng, đó là gia đình nhỏ - gia đình hạt nhân và gia đình lớn mang tầm quốc, gia dân tộc. Trải qua các quá trình lịch sử, gia đình Việt Nam đã hun đúc nên nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới vấn đề gia đình Việt Nam. Người đã phân tích làm rõ các khái niệm về gia đình và mối quan hệ giữa các hình thức gia đình đó nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho tất cả mọi người, mọi gia đình của quốc gia dân tộc Việt Nam. Vận dụng tư tưởng của Hồ Chí Minh, Đảng đã đề ra nhiều quan điểm, chủ trương phát huy vai rò của gia đình Việt Nam trong xây dựng và phát triển đất nước, trong đó, Đại hội XIII của Đảng xác định rõ hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới là xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh. Với những quan điểm, chủ trương đó, công tác xây dựng gia đình Việt Nam từ trong thời kỳ đổi mới đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới./.
St
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét