Yêu chuộng hòa bình là nét văn hóa tốt đẹp, gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trong thời kỳ mới, Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đã không ngừng gìn giữ, bồi đắp, phát huy để giá trị thiêng liêng, cao quý đó càng tỏa sáng, vững bền.
1. Những năm qua, trong xu thế hội nhập quốc tế, hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam diễn ra phong phú, đa dạng trên các trụ cột và nhiều phương diện, bình diện. Công tác đối ngoại đã góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới đất nước. Tuy nhiên, cũng trong quá trình đó, những đối tượng hiềm khích và lực lượng chống phá cách mạng Việt Nam không ngừng tung ra các chiêu trò, thủ đoạn bôi nhọ, bẻ cong sự thật. Đã có nhiều bài viết, bài báo đăng trên các diễn đàn, website, cơ quan báo chí địa chỉ ở nước ngoài... chủ ý bịa đặt nhiều thông tin, cố tình quy chụp, cho rằng Việt Nam đang tăng cường quan hệ với nước này nhằm chống nước kia, hoặc dựa vào nước này để tránh sức ép từ nước khác, cố tình gây dựng đồng minh, phe cánh... Cùng với đó, chúng cố gắng xuyên tạc, bôi nhọ những giá trị truyền thống và giá trị văn hóa yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Những luận điệu nêu trên tuy không mới nhưng xuất hiện dày đặc ở những thời điểm diễn ra các hoạt động đối ngoại quan trọng của Việt Nam, cũng ít nhiều gây xáo trộn, nhiễu loạn thông tin. Thực chất, đây là những thủ đoạn nhằm xuyên tạc đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam, với mưu đồ gây bất hòa trong mối quan hệ giữa Việt Nam với một số quốc gia trên thế giới... Mặc dù chỉ là những luận điệu vô căn cứ, bịa đặt, là tiếng nói lạc lõng, yếu ớt của một số cá nhân... nhưng hệ quả của nó sẽ hết sức nguy hại, nếu không sớm được nhận diện, đấu tranh phủ nhận, bóc gỡ kịp thời.
2. Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của Việt Nam cho thấy: Dân tộc Việt Nam đã phải tiến hành nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Dù trải qua các cuộc trường kỳ kháng chiến, đối đầu với những kẻ thù hùng mạnh, nhưng dân tộc Việt Nam luôn khẳng định tính chính nghĩa và tinh thần yêu chuộng hòa bình bất diệt. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân sinh động nhất cho khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Theo Hồ Chí Minh, hòa bình là lợi ích của tất cả các dân tộc, do đó phải đấu tranh cho hòa bình trên thế giới được bền vững, “giữ gìn hòa bình thế giới tức là giữ gìn lợi ích của nước ta. Vì lợi ích của nhân dân lao động khắp thế giới là nhất trí”. Cũng theo Người, trừ những người đi bóc lột, còn lại đều là bạn bè, là anh em, những người chung cảnh bị bóc lột. Người là hiện thân của tinh thần “Quan san muôn dặm một nhà, bốn phương vô sản đều là anh em” và lý tưởng “người với người là bạn”.
Thực tiễn cách mạng cho thấy, mỗi người dân Việt Nam khi bước ra chiến trường là vì độc lập, hòa bình của dân tộc, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân và thực hiện tinh thần quốc tế cao cả. Họ luôn anh dũng, kiên cường chiến đấu bằng tinh thần "sẵn sàng hy sinh khi Tổ quốc cần", thế nhưng đến lúc giành thắng lợi cuối cùng, người dân lại hồn hậu, lạc quan đón nhận cuộc sống thái hòa bình dị, sẵn sàng "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai", đúng như nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã đúc kết trong bài "Việt Nam quê hương ta": Đất nghèo nuôi những anh hùng/ Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên/ Đạp quân thù xuống đất đen/ Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa- Đây là sự khái quát đầy đủ, sinh động về tinh thần yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam.
3. Đã có không ít lãnh đạo của các cường quốc trên thế giới và tổ chức quốc tế ghi nhận, bày tỏ cảm phục về một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình và hành động vì hòa bình thế giới. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng khẳng định với lãnh đạo cấp cao Việt Nam trong một cuộc điện đàm: “Việt Nam là nhân tố quan trọng đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới”. Đại sứ Barbara Woodward, Trưởng phái đoàn thường trực Anh tại Liên hợp quốc từng đánh giá: “... Những đóng góp của Việt Nam có giá trị cao, giúp giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với hòa bình và an ninh quốc tế”. Phát biểu khi đến thăm Việt Nam (năm 2016), Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama khẳng định: “Đối với các bạn, xung đột trong quá khứ là một ký ức không vui. Nhưng ngày hôm nay, Việt Nam và Mỹ đã cho thế giới thấy rằng, trái tim có thể thay đổi và hòa bình là điều có thể”. Đặc biệt, đã có đến 5 lần các Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam và chứng kiến những đổi thay của mối quan hệ hai nước, song tình cảm thân thiện, yêu chuộng hòa bình của người dân Việt Nam là giá trị bền vững làm lay động trái tim của những chính khách, như Tổng thống Obama gửi lời cảm ơn trước lúc rời Việt Nam trong chuyến thăm năm 2016: “Sự thân thiện của các bạn đã chạm đến trái tim tôi”.
Đã từ lâu, Thủ đô Hà Nội được bạn bè quốc tế biết đến là điểm đến hòa bình, thân thiện, mến khách. Hình ảnh lãnh đạo cấp cao của các quốc gia trên thế giới đi dạo trên phố phường Việt Nam thanh bình, thưởng thức ẩm thực đường phố, uống cà phê vỉa hè... từ lâu đã không có gì mới mẻ hay lạ lẫm với người dân Việt Nam, cũng trở nên rất đỗi thân quen với truyền thông quốc tế. Đặc biệt, không phải tự dưng mà cách đây mấy năm, lãnh đạo của hai nước Mỹ và Triều Tiên đều đề nghị Việt Nam đứng ra làm nước chủ nhà tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần hai (năm 2019). Hội nghị diễn ra an toàn tuyệt đối không chỉ đối với phái đoàn hai nước mà còn với gần 3.000 phóng viên đến từ hơn 200 hãng thông tấn, báo chí quốc tế từ nhiều châu lục đến đưa tin về sự kiện này. Việt Nam đã rất nỗ lực, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho hội nghị, thể hiện rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Cả hai nguyên thủ trước khi rời Việt Nam đều gửi lời cảm ơn Việt Nam vì sự tiếp đón ân cần, chu đáo, thịnh tình và vì trách nhiệm chung với cộng đồng quốc tế.
Trong những năm gần đây, khi tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến mới, nhanh chóng và phức tạp, gây không ít khó khăn, thách thức lớn hơn so với dự báo, nhưng Việt Nam luôn là quốc gia giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển, đổi mới đất nước. Môi trường sống ở Việt Nam không ngừng được cải thiện, chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng được nâng cao cả về vật chất và tinh thần, trong đó có nhiều tiêu chí gây ấn tượng, ngang với những nước phát triển. Môi trường ổn định, yên bình cùng người dân thân thiện đã thu hút các nhà đầu tư quốc tế, đồng thời thuyết phục rất nhiều người nước ngoài lựa chọn sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Không dừng lại ở đó, Việt Nam đã và đang mang khát vọng hòa bình vươn xa bằng cách tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Mỗi sĩ quan được cử đi làm nhiệm vụ đặc biệt này chính là đại sứ hòa bình, nắm trọng trách truyền đi khát vọng hòa bình của dân tộc. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện để cứu trợ nhân đạo, tái thiết cơ sở hạ tầng, rà phá bom, mìn, giúp nhân dân bản địa ổn định cuộc sống... đã trở thành biểu tượng cao đẹp, khiến hai tiếng Việt Nam được vang lên đầy tự hào ở những đất nước xa xôi.
4. Mới đây, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945 / 2-9-2023), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định: Việt Nam là đất nước của hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, là điểm đến tươi đẹp, an toàn, thân thiện, giàu lòng mến khách. Việt Nam luôn nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới. Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối cho hợp tác và đối thoại, củng cố chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy giải quyết bằng biện pháp hòa bình thông qua đối thoại về các tranh chấp trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; sẽ luôn là người bạn chân thành, thủy chung, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thiết lập quan hệ song phương, đa phương với các quốc gia trên thế giới. Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với 192 quốc gia trên thế giới. Trong đó, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước; bao gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, toàn bộ Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và tất cả thành viên ASEAN. Đảng Cộng sản Việt Nam thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, trong đó 96 đảng cộng sản, 63 đảng cầm quyền, 28 đảng tham gia liên minh cầm quyền, tham chính. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Các tổ chức hữu nghị nhân dân có quan hệ với 1.200 tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài. Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 220 đối tác, 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam. Việt Nam là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu... Kết quả đó cho thấy thành tích to lớn của công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Thế nhưng, điều đáng ghi nhận hơn là các đối tác đều tích cực, chủ động, bày tỏ lòng mong muốn hợp tác với Việt Nam; thể hiện sự cảm phục, tình yêu và sự trọng thị dành cho Việt Nam-một người bạn thủy chung-một đối tác tin cậy, luôn nỗ lực hợp tác vì lợi ích chung và vì hòa bình của thế giới.
Để tiếp tục khẳng định vai trò và sứ mệnh của một quốc gia yêu chuộng hòa bình, thời gian tới, Việt Nam tiếp tục nỗ lực giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm tốt an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo ra môi trường kinh tế-xã hội hòa bình, năng động, thân thiện. Việt Nam kiên định chủ trương: “Thêm bạn bớt thù, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, đẩy mạnh công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước để không ngừng khẳng định uy tín, vị thế của dân tộc; đồng thời thể hiện khát vọng hòa bình của cả dân tộc và mỗi người dân Việt Nam.
Đặc biệt, triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng (tháng 1-2021) và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc (tháng 12-2021), đối ngoại Việt Nam cần tiếp tục kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược; chú trọng triển khai hiệu quả, đồng bộ, toàn diện, linh hoạt trên cả 3 trụ cột (đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân); nỗ lực thực hiện vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; huy động mạnh mẽ các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước; nâng cao vai trò, vị thế, uy tín quốc tế của Đảng và đất nước. Hơn bao giờ hết, Việt Nam tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét