Có câu chuyện hay tui xin chia sẻ cùng
anh em bốn bể, chuyện rằng:
Họp lớp năm nay, tất cả đều mừng cho anh bạn lớp trưởng - người
được coi là “thành đạt” nhất khóa - chuẩn bị được bổ nhiệm vị trí công tác cao
hơn.
Nhưng với vẻ trầm ngâm, suy tư, anh chia sẻ: Tổ chức cho biết,
năng lực của tôi được đánh giá cao, đã được quy hoạch vào một vài vị trí, tình
cờ mấy nơi đó đều đang “khuyết”, nên muốn tham khảo ý kiến lựa chọn của tôi, mà
tôi thì nghĩ mãi chưa xuôi. Có một chỗ tôi ưng hơn vì khá phù hợp năng lực hiện
tại; chỗ kia hơi khác ngành, nhưng nếu cố phấn đấu chắc cũng tốt, lại được mấy
“quân sư” khuyên chọn, vì đó là nơi có nhiều “hoạt động bề nổi”, dễ tạo “dấu
ấn” không lo hình ảnh bị “chìm”.
Lời tâm sự đó lập tức trở thành chủ đề “nóng” về “ba nổi, bảy
chìm” hay “bảy nổi, ba chìm” trong công tác, như ngày xưa lớp tôi từng tranh
luận sôi nổi về thuyết “tảng băng trôi” trong văn học.
Nào là, không ít nơi, không ít người có xu hướng đánh giá cán bộ
qua “hoạt động bề nổi”, cho rằng lãnh đạo, quản lý trước hết phải biết “đi
đứng”, “ăn uống”, “cư xử”,…; rồi “hoạt động bề nổi” có “ưu điểm” 3 dễ: Dễ làm,
dễ thấy, dễ ghi điểm,… Mà để có “thành tích bề nổi” thì có “muôn hình vạn
trạng” cách “đánh bóng” bản thân, như trong công việc lấy phương châm “dễ làm
khó bỏ”, trong quan hệ thì “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”; tìm cách “lăng xê” thành
tích “ít xít ra nhiều”, chả ngại mang tiếng “vẻ ngoài che cái sơ sài bên
trong”, “thùng rỗng kêu to”…. Nào là, khối “cán bộ diện COCC” dễ dàng “thăng
tiến chóng mặt” bởi “sinh ra đã ở vạch đích”, hội tụ đủ các yếu tố “hậu duệ”,
“quan hệ”, “tiền tệ”, “đồ đệ”; còn “trí tuệ” thì… bản thân mấy “thế mạnh” kia
cũng đủ tạo ra “cả quyển” “thành tích bề nổi”…
Lại nữa, với “tư duy nhiệm kỳ”, “nhấp nha nhấp nhổm”, một số lãnh
đạo không đánh giá cán bộ theo chiều sâu của cả một quá trình phát triển mà lại
căn cứ theo “thành tích bề nổi”, thành tích trong thời gian ngắn, nhất là khi
“chạy nước rút”.
Và như thế, dường như những người làm việc “thâm trầm” lặng lẽ, tự
chỉn chu, cố gắng hoàn thành công việc, không thích “PR bản thân”, tránh bị lôi
cuốn vào các nhóm lợi ích, đôi khi lại thiệt thòi trong đánh giá, đề bạt (?!).
Đợi bớt “lao xao”, một anh bạn trong ngành tổ chức xây dựng đảng
mới thủng thẳng: Các bạn lại cũng nhìn “bề nổi” để đánh giá hiện tượng “cán bộ
bề nổi” và từ một vài hiện tượng đánh giá cả công tác cán bộ rồi. Thực tế, áo
choàng không làm nên thầy tu. Những cán bộ càng “bề nổi” thì càng dễ “phát lộ”.
Không đủ năng lực gánh vác trọng trách tất dẫn tới mất kiểm soát, bị cấp
trên/dưới, đối tác/cộng tác “qua mặt”, “vượt mặt”… mà mình lại là người chịu
trách nhiệm. Khi xảy ra sai phạm, bị kỷ luật, mất chức còn là nhẹ, là may; nặng
thì không ít người vướng vào lao lý. Còn cán bộ có trình độ, chiều sâu, họ vẫn
được đề bạt, thăng tiến đó thôi; chỉ là vì họ ở lĩnh vực không phải “bề nổi”
hoặc khiêm tốn trong hào quang tập thể, ngỡ tưởng “phần chìm” nên chính các bạn
chưa thấy. Rồi anh kể một số ví dụ tiêu biểu thời gian qua, khi “lò” đang “nóng
rực”.
Mọi người vỡ nhẽ, biểu hiện đồng tình. Và gương mặt anh bạn lớp
trưởng dãn ra, chắc tự trong lòng đã có quyết định.
Qua câu chuyện để thấy, về phía mình, cán bộ phải biết “tự lượng
sức mình”, cầu tiến trong khả năng; quyết chí tiến thủ, đã nhận trọng trách thì
phải hết lòng, hết sức, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, làm tròn và
làm tốt phận sự. Đồng thời, lãnh đạo, đặc biệt là khâu tổ chức cán bộ, cần xem
xét, đánh giá cán bộ cho đúng và trúng. Cần thấu suốt phần chìm, phần nổi trong
mỗi con người đáp ứng ra sao với lĩnh vực công tác, đừng để cán bộ “lênh đênh”
trong những tiêu chí xem xét, đánh giá, bổ nhiệm thiếu khoa học, chưa công
tâm./.
Hãy làm việc bằng chính năng lực và lương tâm của mình
Trả lờiXóa