Tình yêu dành cho quê hương, đất nước ở mỗi quốc gia,
mỗi dân tộc trên thế giới hoàn toàn không giống nhau, song tựu chung lại sợi
chỉ đỏ chủ nghĩa yêu nước là biểu hiện khát vọng và hành động luôn đặt lợi ích
của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết. Chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam
được hình thành từ rất sớm, bắt nguồn từ những tình cảm rất đơn sơ, bình dị
trong gia đình, làng xã và rộng hơn là tình yêu Tổ quốc. Với vị trí địa lý là
đầu mối giao thông quốc tế quan trọng, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong
phú, Việt Nam luôn là mục tiêu xâm lược của nhiều quốc gia. Trong tiến trình
phát triển của dân tộc, nhân dân ta đã phải trải qua thời gian dài chống giặc
ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Lịch sử thời kỳ nào cũng sáng ngời những tấm gương
kiên trung, bất khuất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng: Từ Bà Triệu “Tôi chỉ
muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy
lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ đâu chịu khom lưng làm tì
thiếp cho người!”; Trần Bình Trọng “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm
vương đất Bắc”; Nguyễn Huệ “Đánh cho để dài tóc/Đánh cho để đen răng/Đánh cho
nó chích luân bất phản/Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/Đánh cho sử tri Nam quốc
anh hùng chi hữu chủ”…
Đây là một trong những tài sản có giá trị nhất trong hành trang của Hồ
Chí Minh lúc ra đi tìm đường cứu nước năm 1911. Nó là cơ sở xuất phát, là động
lực, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Chủ nghĩa
yêu nước Việt Nam đã có quá trình lịch sử hàng ngàn năm với nội dung phong phú
và sâu sắc như: yêu nước gắn liền với yêu quê hương, yêu con người Việt Nam,
yêu truyền thống văn hóa quý giá. Thời kỳ phong kiến, yêu nước có nội dung
trung quân ái quốc, lợi ích giai cấp thống trị phù hợp với lợi ích của nhân dân
lao động trong sự nghiệp chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc.
Hồ Chí Minh đã làm phong phú nội dung của chủ nghĩa
yêu nước. Yêu nước đối với Người là gắn liền với yêu nhân dân. Người nói, lòng
thương yêu nhân dân và nhân loại của Người không bao giờ thay đổi…Người có một
ham muốn tột bậc là làm sao nước ta được độc lập, dân ta có cơm ăn, áo mặc và
được học hành. Người đã nêu ra chuẩn mực “trung với nước, hiếu với dân” và phát
triển những nội dung mới của chủ nghĩa yêu nước. Đó là yêu nước dựa trên quan
điểm giai cấp công nhân, yêu nước mở rộng ra thành tình yêu vô cùng rộng lớn
đối với nhân dân lao động, những người cùng khổ, đối với giai cấp công nhân các
nước trên thế giới. Trên cơ sở tư tưởng của giai cấp công nhân, Người đã nêu ra
nội dung mới: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội, vì
chỉ có chủ nghĩa xã hội thì nhân dân mình mới ngày một ấm no thêm, Tổ quốc ngày
một giàu mạnh thêm. Chủ nghĩa yêu nước, ý chí độc
lập và tự cường dân tộc đã trở thành “dòng chủ lưu của đời sống Việt Nam”, là nền
tảng tinh thần to lớn, là giá trị đạo đức cao quý nhất trong thang bậc các giá
trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam, trở thành “tiêu điểm của các
tiêu điểm, giá trị của các giá trị” và là nguồn sức mạnh vô địch để dân tộc ta
vượt qua khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù, xứng đáng với lời ngợi ca của Chủ tịch
Hồ Chí Minh “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý
báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại
sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự
nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”1
Mọi người dân Việt Nam luôn nhớ công lao trời bể của Chủ tịch Hồ Chí Minh; vì vậy mỗi người dân; nhất là cán bộ, Đảng viên phải thường xuyên học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách của Người.
Trả lờiXóa