Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

Hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông lợi dụng đại dịch Covid 19

Thời gian gần đây, lợi dụng thế giới đang căng mình chống đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã ngang ngược có những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Ngày 18.4.2020, Bộ Dân chính Trung Quốc thông báo, Quốc Vụ viện nước này vừa phê chuẩn thành lập “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” trực thuộc thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam.
Theo phía Trung Quốc đưa tin thì “quận Tây Sa” quản lý các đảo thuộc quần đảo Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và Bãi Macclesfield (quần đảo Trung Sa) và vùng nước phụ cận; chính quyền khu Tây Sa đóng tại đảo Phú Lâm - cấu trúc lớn nhất thuộc Hoàng Sa. Khu Nam Sa quản lý các đảo thuộc quần đảo Nam Sa (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và vùng nước phụ cận; chính quyền khu Nam Sa đóng tại Đá Chữ Thập - một cấu trúc thuộc Trường Sa mà Trung Quốc đã quân sự hoá gần đây.Sau khi tuyên bố thành lập cái gọi là chính quyền “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa”, Trung Quốc tiếp tục dấn thêm những bước đi với mức độ vi phạm lớn hơn tự tiện công bố cái gọi là 'danh xưng tiêu chuẩn' của hàng chục đảo, bãi cạn trên Biển Đông, bao gồm những thực thể nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Thông qua những hành động quấy nhiễu Biển Đông liên tục gần đây, trên cả thực địa lẫn giấy tờ hành chính, rõ ràng Trung Quốc đang đẩy mạnh hợp pháp hóa yêu sách đường chín đoạn (đường lưỡi bò) phi pháp.
Trong khi đó Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc bao gồm 5 nước thường trực thì 4 nước (Anh, Pháp, Mỹ, Nga) đang bận đối phó với đại dịch trong nước thì Trung Quốc thành viên còn lại tận dụng sự phân tâm của các nước và các cơ quan của Liên Hiệp quốc đang tập trung chống đại dịch để thúc đẩy yêu sách ở Biển Đông. Những động thái này một lần nữa cho thấy Trung Quốc càng ngày càng thể hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông khi đồng loạt triển khai nhiều hành động cả trên thực địa, pháp lý và hành chính.
Các quốc gia đang nỗ lực rất lớn để đánh bại dịch bệnh covid 19 và loại bỏ ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế, nhưng trong những điều kiện này, Trung Quốc vẫn tiếp tục làm phức tạp tình hình ở Biển Đông: họ tiến hành thăm dò dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác, cản trở hoạt động của ngư dân Việt Nam và cấm đánh bắt cá trên biển,...Những hành động như vậy của Trung Quốc vi phạm các quyền hợp pháp của Việt Nam, khiến cho người dân Việt Nam ngày càng phẫn nộ.
Trước việc Trung Quốc lưu hành một số công hàm nêu các yêu sách chủ quyền phi lý đối với Hoàng Sa và Trường Sa, không phù hợp với luật pháp quốc tế, cùng các yêu sách biển ở Biển Đông trái với các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS), ngày 30.3.2020, Việt Nam đã lưu hành công hàm tại Liên Hợp Quốc để bác bỏ các yêu sách này như đã được nêu trong nhiều văn bản của Liên Hợp Quốc và các cơ quan quốc tế liên quan. Ngày 10.4.2020, Việt Nam lưu hành công hàm để khẳng định lập trường trong vấn đề Biển Đông với các nước liên quan khác.
Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế. Mọi hành vi phương hại đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam với vùng biển của mình đều vô giá trị, không được công nhận và Việt Nam kiên quyết phản đối.Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai./.

1 nhận xét:

  1. Lợi dụng các nước đang phải tập trung dồn mọi nguồn lực để đối phó với đại dịch Covid 19; Trung Quốc lại thực hiện một chuỗi những “hành động hung hăng” trên Biển Đông nhằm giành thế áp đảo trong vấn đề tranh chấp biển đảo. Việt Nam kịch liệt lên án các hành động của Trung Quốc và kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.

    Trả lờiXóa